Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp kín đơn hàng, triển vọng kinh tế rất tích cực

Theo Báo Lao động
Chia sẻ Zalo

Xuất khẩu là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam. Sau thời gian ảm đạm, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày… đã dần khởi sắc khi tăng trưởng với mức hai con số.

Doanh nghiệp kín đơn hàng, xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực khởi sắc. Ảnh: Cường Ngô
Doanh nghiệp kín đơn hàng, xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực khởi sắc. Ảnh: Cường Ngô

Kín đơn hàng tới cuối năm

Ông Trần Như Tùng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) cho biết, doanh nghiệp may mắn khi có lượng đơn hàng "dồn dập", kết quả kinh doanh có nhiều khởi sắc.

Kết thúc quý II/2024, TCM ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 847 tỉ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp trong kỳ tăng tới 60%, lên 153 tỉ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí phát sinh và thuế, doanh nghiệp này thu về 72 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp hơn 31 lần so với mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong 7 quý trở lại đây của công ty này.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã kín đơn hàng đến cuối năm và bắt đầu đàm phán cho giai đoạn đầu 2025. Như Công ty May Sông Hồng dự định đưa nhà máy Xuân Trường 2 đi vào hoạt động từ cuối năm nay, điều này cho thấy sự tự tin về trở lại của các đơn hàng. Quý trước, May Sông Hồng có doanh thu hơn 1.300 tỉ đồng, thấp hơn 14% so với cùng kỳ nhưng lãi ròng cải thiện 7%, lên gần 92 tỉ.

Còn ông Phí Ngọc Trịnh - Tổng Giám đốc Công ty CP May Hồ Gươm - cho biết, công ty có nhiều đơn đặt hàng đến hết tháng 9, thậm chí một số chủng loại có đơn đến quý III và đang tận dụng những cơ hội dù là nhỏ nhất từ thị trường, mở rộng tệp khách hàng để có thêm doanh thu. Năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.000 tỉ đồng và chắc chắn sẽ đạt được.

Kinh tế tăng trưởng rất tích cực trong quý IV/2024

Trao đổi với PV Báo Lao Động, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia Kinh tế dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ rất tích cực trong quý IV/2024; các doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý IV/2024, thậm chí là quý I/2025.

“Đầu năm, tôi dự báo có hai phương án tăng trưởng GDP năm 2024. Phương án 1, tăng trưởng 5,5 - 6,5%, lạm phát 3,2-3,5% nếu giá hàng hóa tăng cao và thương mại thế giới khó khăn. Phương án 2, tăng trưởng 6,3-7%, lạm phát 3,5-3,8% nếu kinh tế thế giới cải thiện và Việt Nam tận dụng được cơ hội. Tuy nhiên, từ tháng 6 và tính ở thời điểm hiện tại, phương án thứ hai được đánh giá gần như chắc chắn đạt được, với mức tăng trưởng GDP 6,8-7,3% và lạm phát 3,8 - 4,1%. Ngoài ra, theo đánh giá các doanh nghiệp đang có nhiều đơn hàng đến hết quý IV/2024, lợi nhuận có xu hướng tăng cao. Xu hướng tăng trưởng sản xuất của doanh nghiệp dự kiến sẽ tốt trong năm 2024 do các chính sách kích cầu, giảm thuế và tăng lương của Chính phủ” - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh dự báo.

Nhìn chung, theo vị chuyên gia này, tình hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam cuối năm 2024 được dự báo sẽ rất tích cực, với tăng trưởng xuất khẩu và GDP dự kiến đạt mức cao. Các doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ hoàn thành mục tiêu trong thời gian còn lại của năm 2024, nhờ vào các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và triển vọng tích cực của một số ngành xuất khẩu chủ lực.

TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) - cho rằng, nhiều điểm sáng đã xuất hiện trong bức tranh kinh tế của nước ta, tạo tiền đề cho tăng trưởng những tháng còn lại của năm nay. Thương mại giữ được vai trò là trụ cột kinh tế; sản xuất công nghiệp đã phục hồi và có tính ổn định; vốn đầu tư nước ngoài giải ngân cao hơn cùng kỳ; tiêu dùng nội địa tăng trở lại...

"Bức tranh tăng trưởng kinh tế Việt Nam cuối năm 2024 kỳ vọng sẽ có thêm những kết quả tích cực, tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong trung, dài hạn. Các tổ chức quốc tế như WB, IMF, AMRO đều dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 tăng so với năm 2023, đạt khoảng 5,5 - 6%", TS Việt nói.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2024, TS Việt cho rằng, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ như tăng cường giải ngân đầu tư công đảm bảo đúng tiến độ; tập trung ưu tiên các chính sách và cải cách nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp. Đồng thời đảm bảo hài hòa, hiệu quả trong mục tiêu tăng trưởng tín dụng hỗ trợ sản xuất - kinh doanh. Nâng cao mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế và của các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, hoàn thiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy các yếu tố tạo giá trị gia tăng thực của nền kinh tế số.