Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu than khó

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Càng bán, càng lỗ do mức chiết khấu thấp, khan hiếm nguồn cung… là những khó khăn của nhiều doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh xăng dầu trong việc duy trì hoạt động thời gian qua.

Dạo qua một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Hà Nội và trao đổi với các thương nhân tỉnh khác, phóng viên nhận thấy mọi hoạt động kinh doanh vẫn bình thường, không xuất hiện việc tạm nghỉ, dừng hoạt động... dù đang gặp rất nhiều khó khăn.

Một cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại phố Trần Phú, Hà Đông. Ảnh: Nguyên Dương
Một cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại phố Trần Phú, Hà Đông. Ảnh: Nguyên Dương

Càng bán, càng lỗ

Đại diện một cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại quận Hà Đông cho biết, do diễn biến khó lường của thị trường xăng dầu thế giới khiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, với mức chiết khấu (tiền hoa hồng) vào khoảng 90 đồng/lít xăng đối với vùng I như hiện nay đã đẩy các cửa hàng kinh doanh xăng dầu vào tình trạng “khó chồng khó”, thu không đủ chi cho các khoản chi phí vận chuyển, kho bãi,... Muốn hòa vốn, bắt buộc mức chiết khấu phải đạt ở mức từ 700 - 800 đồng/lít, còn trên 800 đồng/lít xăng, lúc đó doanh nghiệp mới có lãi.

“Chỉ tính riêng 3 kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong tháng 8, doanh nghiệp bị lỗ gần 600 triệu đồng. Nếu còn tiếp diễn, doanh nghiệp phải đối diện rất nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, cũng như bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động” - vị này cho biết thêm.

Hoạt động mua bán xăng tại Cửa hàng xăng dầu trên phố Nguyễn Lương Bằng. Ảnh: Nguyên Dương
Hoạt động mua bán xăng tại Cửa hàng xăng dầu trên phố Nguyễn Lương Bằng. Ảnh: Nguyên Dương
 

Ngày 30/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có chỉ đạo “nóng”, thành lập 3 đoàn công tác để kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu ở 3 miền Bắc – Trung – Nam. Thành phần gồm, mỗi đoàn một đồng chí Thứ trưởng làm trưởng đoàn và đại diện 4 đơn vị: Tổng Cục Quản lý Thị trường, Vụ Thị trường trong nước, Thanh tra Bộ, Vụ Pháp chế.

Trong khi đó, nhân viên cửa hàng trên phố Nguyễn Lương bằng thông tin, công việc vẫn hoạt động bình thường, lương vẫn nhận đều, nhưng nếu tình hình kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó các khoản phụ phí chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Chưa nói tới giá xăng đã giảm nhưng các mặt hàng thiết yếu vẫn cao, gia đình chỉ còn cách tiết kiệm chi tiêu...

Trao đổi nhanh với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, đại diện một cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại Hưng Yên cho biết, doanh nghiệp là đại lý của Petrolimex nên nguồn hàng ổn định, việc chi trả lương cho nhân viên đảm bảo. Tuy nhiên, lợi nhuận cũng bị giảm hơn nửa, không bị âm, thua lỗ do chỉ là cửa hàng kinh doanh nhỏ thỉnh thoảng mới nhập hàng. Các cửa hàng to nhập trước rồi chắc chắn bị âm, lỗ. Do đó, những đại lý bán hàng cho đầu mối là tư nhân bình thường thù lao cao hơn, nhưng bây giờ nguồn cạn bị cắt thù lao là bình thường.

Đại diện nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu cũng cho rằng, đây là giai đoạn hết sức khó khăn của doanh nghiệp; nhìn lượng người xếp hàng vào đổ xăng dầu, đơn vị như “ngồi trên đống lửa”, vì đóng cửa không được nhưng càng bán lại càng lỗ. Do đó, nhiều doanh nghiệp kiến nghị cần có mức chiết khấu hoa hồng hợp lý nhằm ổn định kinh doanh, phục vụ thị trường.

Tại diễn đàn xăng dầu của chủ các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cũng đưa tin, do mức chiết khấu thấp, thậm chí xuống 0 đồng, dẫn đến càng kinh doanh càng thua lỗ. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh xăng dầu đã báo cáo Sở Công Thương địa phương xin tạm nghỉ, dừng hoạt động với muôn vàn lý do cũng là cách “lách luật” tránh bị kiểm tra, xử phạt của lực lượng chức năng.

Thực tế, ngay từ những ngày đầu tháng 8 đã có không ít doanh nghiệp phản ánh về mức chiết khấu thấp từ nhà phân phối tính cho các cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Đơn cử, Công ty CP Hóa dầu quân đội Mipec, chiết khấu cho xăng Ron 95 III là 450 đồng/lít, xăng E5 Ron 92 mức 400 đồng/lít, dầu diezel 500 đồng/lít. Công ty CP Xăng dầu và dịch vụ hàng hải S.T.S thông báo mức chiết khấu với xăng Ron 95 III là 450 đồng/lít, E5 Ron 92 là 400 đồng/lít, dầu diezel 550 đồng/lít,...

Nên hoạt động theo cơ chế thị trường

Do kỳ điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày 1/9 tới đây trùng vào dịp nghỉ lễ nên phải lùi tới ngày 5/9 mới điều chỉnh. Doanh nghiệp lo sẽ phải “gánh” khoản lỗ không nhỏ trong những ngày chậm điều chỉnh. Về việc này, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) Bùi Ngọc Bảo cho biết: Vinpa kiến nghị vẫn điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày 1/9, vì 10 ngày điều chỉnh một lần là hợp lý, nếu lùi đến 5/9 thì chu kỳ điều hành sau sẽ bị ngắn lại. Hơn nữa, cán bộ công chức được nghỉ từ 1 – 4/9, nhưng với các tổ chức, doanh nghiệp trong tuần chỉ được nghỉ 1 ngày vào Chủ Nhật sẽ cho nghỉ lễ từ 2-4/9, nên việc kiến nghị điều chỉnh tránh được kỳ sau bị sát thời gian.

PVOIL đang hỗ trợ xăng dầu miễn phí cho một xe cứu thương trong thời gian dịch. Ảnh minh họa
PVOIL đang hỗ trợ xăng dầu miễn phí cho một xe cứu thương trong thời gian dịch. Ảnh minh họa

Theo ông Bùi Ngọc Bảo, trong việc kinh doanh lỗ lãi là vấn đề muôn thuở, hiện tượng cửa hàng kinh doanh xăng dầu phản ánh lỗ nặng chủ yếu do quan hệ giữa đầu mối, thương nhân phân phối và cửa hàng liên quan tới vấn đề chiết khấu.

Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề nên sớm xây dựng chính sách để tiệm cận cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Thị trường là vấn đề giá cả, nên thị trường hóa càng sớm càng tốt, Nhà nước quản lý giá trần sẽ được minh bạch. Doanh nghiệp kinh doanh khó khăn bị tác động bởi tâm lý, nguồn nhập, nhất là giá xăng dầu thế giới biến động, tăng cao. Xăng dầu là mặt hàng đặc thù, Vinpa đồng tình với việc bỏ Quỹ Bình ổn, nhưng phải hoạt động theo đúng cơ chế thị trường. Thực tế, thị trường xăng dầu hiện với biện độ lớn quỹ không có khả năng hỗ trợ, chỉ có tác dụng không tăng sốt tại thời điểm nào đó.

Ông Bùi Ngọc Bảo đánh giá, việc Bộ Công Thương thành lập các đoàn kiểm tra là cần thiết. Bởi các doanh nghiệp đầu mối khẳng định cung cấp đủ hàng cho các đại lý, tổng đại lý, nhưng việc thực thi ra sao để tránh việc ký kết hợp đồng với nhiều nơi rồi không có trách nhiệm. “Việc kiểm tra là để xem việc thực thi các hợp đồng giữa doanh nghiệp, chứ không liên quan đến cơ chế, chính sách của Nhà nước” – vị này nói.

Còn việc các doanh nghiệp lỗ triền miên, không thể tiếp tục kinh doanh được phải có báo cáo, viện dẫn cụ thể. Đặc biệt, gần đây giá nhiên liệu thế giới biến động càng làm trầm trọng hơn, cũng như 5 lần giảm giá gần đây cho việc kinh doanh xăng dầu. Mỗi lần giảm giá là doanh nghiệp bị tác động, bởi tồn kho cao, giá nhập vào cao, giá bán ra giảm dẫn đến lỗ lớn.

Do đó, cơ quan chức năng xem xét, phản ánh chi phí, phụ phí xăng dầu trong nước (từ nhà máy lọc dầu về tới kho của doanh nghiệp đầu mối) vào cơ cấu giá bán lẻ, nhằm phản ánh đúng chi phí thực tế. Qua đó, giúp doanh nghiệp có thêm phần điều chỉnh chiết khấu, đủ bù đắp chi phí kinh doanh.

Tại cuộc họp “Bảo đảm nguồn cung xăng dầu” mới đây, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Việt Nam không thiếu nguồn cung bởi hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn đang đáp ứng khoảng 75-80% nhu cầu nội địa, còn lại là nhập khẩu.

Số liệu báo cáo cho thấy, kế hoạch sản xuất xăng dầu của hai nhà máy này trong quý III/2022 đạt khoảng 3,9 triệu m3 (chiếm 72% tổng nhu cầu, tương đương khoảng 1,3 triệu m3/tháng) và quý IV/2022, đạt khoảng 4,4 triệu m3 (chiếm 80% tổng nhu cầu, tương đương khoảng 1,46 triệu m3/tháng). Hiện hai nhà máy đang vận hành ở công suất tối đa, sẵn sàng cung ứng sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường.

“Thị trường xăng dầu của Việt Nam được đánh giá ổn định hơn so với tất cả các nước trong khu vực và thế giới. Đặc biệt, ngay cả trong lúc khó khăn nhất của thế giới, cũng chưa khi nào thiếu nguồn cung. Giá xăng dầu cũng cơ bản giữ được mức ổn định và luôn thấp hơn so với khu vực và thế giới. Vì vậy, có thông tin phản ánh khan hiếm nguồn cung là hiện tượng không bình thường, cần kiểm tra và xử lý” - Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

 

Nhà nước điều hành giá xăng dầu theo cơ chế đưa ra mức giá cơ sở từ giá thế giới sau khi cộng các khoản thuế phí. Doanh nghiệp đầu mối có thể tính toán với nhà phân phối, đại lý để có mức giá phù hợp. Nhà nước không thể can thiệp đến mức phân lợi nhuận cho đại lý. Trong kinh doanh, ai cũng tính đến lợi nhuận, việc bảo đảm lợi ích hài hòa, khi có lãi cao, khi thấp là rất bình thường. Điều này liên quan trực tiếp đến thỏa thuận về mức chiết khấu giữa các doanh nghiệp đầu mối, nhà phân phối với các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh xăng dầu.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long