Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp lo gặp khó nếu lãi suất cho vay tăng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất điều hành, lãi suất huy động của các ngân hàng đã được nâng lên ở nhiều kỳ hạn. Trong khi DN lại lo lãi suất cho vay tăng lên.

Lãi suất huy động ồ ạt tăng

SHB vừa tăng mạnh lãi suất huy động các kỳ hạn, từ 1 tháng đến dưới 6 tháng thêm 0,8 - 0,9%/năm, lên dao động 4,38 - 4,9%/năm. Lãi suất huy động vốn bằng VNĐ các kỳ hạn dưới 1 tháng cũng tăng lên mức tối đa 0,5%/năm.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

ACB tăng lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng thêm 0,3 - 1%/năm ở một số kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất huy động dưới 6 tháng tăng từ 4%/năm lên 5%/năm; 6 tháng lên 6,1 - 6,4%/năm; 9 tháng lên 6,3 - 6,6%/năm…

Trong biểu lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy mới nhất, SCB tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên tối đa 0,5%/năm; lãi suất các kỳ hạn từ 2 - 5 tháng cũng tăng lên mức kịch trần cho phép là 5%/năm. Các mức lãi suất này tăng khoảng 1 điểm % so với hồi đầu năm.

OCB cũng áp dụng biểu lãi suất mới, tăng ở các kỳ hạn ngắn 1 tháng lên 4,7%/năm, 3 tháng lên 4,9%/năm, tăng khoảng 1 điểm % so với trước đó.

Tại VPBank, các mức lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng cũng được điều chỉnh lên từ 4,5% - 4,8%/năm tùy theo khoản tiền gửi và kỳ hạn gửi, tăng tối đa khoảng 0,8 điểm % so với trước đó. Nhiều ngân hàng thương mại khác như HDBank, VIB, ACB, Eximbank... cũng tăng lãi suất ở các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng.

Trong khi đó, tại các ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, lãi suất huy động cao nhất vẫn ở dưới 6%/năm. Ở các kỳ hạn 1 - 5 tháng, những ngân hàng này cũng chỉ niêm yết 3,1 - 3,4%/năm, thấp hơn nhiều so với mức tối đa.

Giới phân tích dự báo lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 0,3 - 0,5 điểm % từ mức hiện tại vào cuối năm nay. Lãi suất tiền gửi bình quân 12 tháng ở các ngân hàng thương mại sẽ tăng lên mức 6,1 - 6,3%/năm vào cuối nay. Và sẽ tăng lên mức 6,6 - 6,8%/năm vào cuối năm 2023.

Lãi suất cho vay tăng theo?

Đây là lo ngại đối với DN vay vốn sau khi lãi suất điều hành đồng loạt tăng, nhất là ở giai đoạn nước rút sản xuất kinh doanh cuối năm…

Theo lãnh đạo một DN bất động sản, nếu tăng lãi suất, đơn vị sẽ chịu nhiều khó khăn và rủi ro. Vì bản thân DN bất động sản khi hoạt động cũng chủ yếu trên nguồn vốn đi vay ngân hàng, bản thân người mua nhà cũng phải vay tiền, nên ngành này sẽ chịu tác động kép.

3 năm gần đây các ngân hàng đã mạnh tay triển khai những chương trình cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi trong 1 - 2 năm đầu, thu hút nhiều người vay vốn để mua nhà, đầu tư bất động sản. Sau thời gian này, lãi suất thả nổi trong bối cảnh xu hướng lãi suất có thể tăng trở lại sẽ khiến áp lực tài chính tăng lên, khi thu nhập nhiều người trong 2 năm trở lại đây đã bị tác động tiêu cực do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tương tự, một DN chế biến nông sản trên địa bàn Hà Nội cho hay, vẫn phải vay ngân hàng với lãi suất 9 - 10%/năm. Nếu lãi suất cho vay tiếp tục tăng DN đã khó càng thêm khó, khi ngành nông nghiệp vẫn đối diện với nhiều rủi ro trong đứt gãy chuỗi cung ứng, hàng bị ùn ứ khi xuất khẩu.

Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh cũng cho rằng, hiện nhiều hợp đồng vay của DN đã có lãi suất trên 9%/năm, có hợp đồng đang gánh lãi suất cao nhất từ 9,5 đến 9,7%/năm. Trong khi trước đó thời dịch Covid-19 chỉ xoay quanh 8%/năm.

“Nếu chêch lệch giữa lãi suất huy động và cho vay quá hẹp (NIM), rất có thể các ngân hàng thương mại không đủ chi phí để thực hiện hoạt động và có lãi hợp lý để đảm bảo cho hoạt động kinh doanh” - TS Lê Đăng Doanh quan ngại.

Sau quyết định tăng lãi suất điều hành của NHNN, giới phân tích cho rằng, NIM toàn ngành sẽ thu hẹp, nhưng mức độ tác động sẽ không giống nhau...

Các ngân hàng có tỷ lệ LDR (tỷ lệ dư nợ tín dụng trên số vốn huy động) thấp như: HDB, MSB, VIB, VPB, hoặc những ngân hàng có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thấp như: ACB, HDB, MSB, VPB sẽ ít chịu áp lực về NIM hơn. Đặc biệt các ngân hàng có tỷ lệ CASA cao như TCB, MBB, và VCB sẽ chống chịu tốt hơn trước tác động của xu hướng gia tăng chi phí vốn.

Ông Vũ Thành Trung - thành viên Ban điều hành Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) nói: "Chúng tôi cố gắng cân đối giữa ngắn hạn, dài hạn và làm sao để có chi phí vốn hợp lý, qua đó đưa ra mức lãi cho vay đầu ra hợp lý nhất".

Đẩy mạnh ngân hàng số, tăng hiệu quả quản trị, tạo thuận lợi cho thanh toán không tiền mặt vừa để giữ chân người dùng, thu hút lượng tiền gửi không kỳ hạn Casa, vừa để tiết giảm chi phí ổn định lãi suất cho vay là cách mà nhiều ngân hàng thực hiện.

Trên thực tế, các ngân hàng thương mại có tăng lãi suất theo hay không, và mức tăng bao nhiêu còn phụ thuộc vào tình hình của từng nhà băng. NHNN chỉ điều chỉnh trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, nhưng theo nhiều chuyên gia, khi loạt lãi suất điều hành tăng 1% thì lãi suất huy động kỳ hạn dài cũng tăng lên trong thời gian tới là điều khó tránh khỏi. Mức độ tăng giữa các ngân hàng sẽ có sự phân hoá, tuỳ thuộc vào cơ cấu nguồn vốn của từng nhà băng.

 

Khi tăng lãi suất cho vay tăng, các DN cần sử dụng vốn phải tiết kiệm hơn. Các DN cần tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh, cần phải đảm bảo các hoạt động kinh doanh có hiệu quả, có thể thu lợi. Như giảm chi phí sản xuất bằng cách tìm những nguồn cung cấp hàng hoá đầu vào có giá cả thấp hơn hoặc cho chậm trả. Ngoài ra, cần phải đa dạng hóa nguồn vốn như phát hành trái phiếu, phát hành cổ phiếu bổ sung.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh