Doanh nghiệp mong cấp bù lãi suất sớm thực hiện

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cộng đồng DN đang mong đợi Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan sớm tung ra gói tín dụng hỗ trợ lãi suất quy mô 100.000 tỷ đồng (ngân sách cấp bù lãi suất khoảng 3.000 tỷ đồng).

Mong bơm vốn khẩn

Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập cho biết, mặc dù các ngân hàng đã công bố mức giảm lãi từ 0,3 - 1,5%/năm, cùng những gói tín dụng ưu đãi khác nhưng mức giảm này là không đáng kể so với thiệt hại, và DN hiện cũng chưa được hưởng bất cứ ưu đãi nào khác. Ông Lập đề nghị nhanh chóng có gói hỗ trợ từ nhà nước, giảm lãi suất đối với cả nguồn vốn vay hiện tại và vốn vay mới, với mức giảm lãi suất xuống còn từ 4 - 4,5%/năm thay vì mức lãi suất còn cao như hiện nay.

 Ảnh minh hoạ

Tổng thư ký Hiệp hội DN Hàng không Việt Nam (VABA) Bùi Doãn Nề bày tỏ: Từ năm 2020, Hiệp hội đã đề xuất cho DN hàng không được vay gói hỗ trợ 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất (ngân sách cấp bù 4%) trong thời gian 3 - 4 năm, và được áp dụng cơ chế tái cấp vốn vay với lãi suất 0%/năm như đã áp dụng với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho các hãng hàng không khác với quy mô vốn từ 4.000 tỷ đồng, thời hạn tối đa 3 năm. Song đến nay, gói hỗ trợ này vẫn chưa được phê duyệt. Ông Nề mong cơ quan chức năng nhanh chóng triển khai gói tín dụng hỗ trợ lãi suất, bởi DN gần như đã kiệt quệ.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam cho biết, hiện DN đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, rất nhiều DN bộc lộ ra sự đuối sức, thậm chí kiệt quệ. Do đó, nếu DN được tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất thấp sẽ giúp giảm được chi phí, qua đó sẽ khuyến khích DN mạnh mẽ hơn trong tái đầu tư sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, nếu chính sách giảm lãi suất cho vay này được đưa vào thực tế thì cũng chỉ hỗ trợ được 1 phần cho những DN đã có hoạt động tín dụng tốt với ngân hàng, tức là họ đã tiếp cận được tín dụng với ngân hàng, nay sẽ được tiếp cận với lãi suất thấp hơn, giảm chi phí lãi suất cho DN.

“Mong muốn của cộng đồng DN để chính sách về tín dụng được phát huy hết những tác dụng thì ngân hàng cũng cần tính toán làm sao để có thể cho được nhiều DN có thể tiếp cận tín dụng hơn. Do đó, cần một khoản tái cấp vốn để cho vay mới, bảo lãnh 100% tín chấp cho DN. Đồng thời, có điều kiện mở, theo thủ tục rút gọn, nếu cứ theo trình tự thì rất lâu, khi đó DN không còn cơ hội hồi phục” - ông Tô Hoài Nam nêu quan điểm.

Khẩn trương cứu doanh nghiệp

Cho rằng Việt Nam cần mạnh dạn chấp nhận một mức bội chi ngân sách cao hơn hiện nay, TS Nguyễn Đình Cung lý giải, dư địa chính sách chúng ta vẫn còn và tốt hơn nhiều so với trước đây, thể hiện qua lạm phát thấp và ổn định, hệ thống tài chính tuy còn rủi ro nhưng vững và ngày càng phát triển theo hướng tích cực. Cùng với đó, bội chi ngân sách và nợ công vẫn trong ngưỡng cho phép, cán cân đối ngoại tốt hơn, dự trữ ngoại tệ cao gấp 4-5 lần so với 10 năm trước. Về tiền tệ, ngoài lãi suất, nên tập trung mở cung tiền, tăng tín dụng nhiều hơn và có những gói tín dụng đặc biệt. Đây có thể là những giải pháp tài khoá hữu hiệu.

Đồng quan điểm, GS.TS Trần Thọ Đạt phân tích, không gian tài khóa vẫn còn đủ mạnh để có thể thực hiện chính sách tài khóa “mở rộng” với liều lượng mạnh hơn và độ bao phủ lớn hơn. Tỷ lệ bội chi ngân sách và trần nợ công cần được nới rộng trong điều kiện “bất thường”, không chỉ bảo đảm “an toàn” của ngân sách và nợ công trước các cú sốc mà cần hướng nhiều hơn đến vai trò trọng yếu là “đi ngược chu kỳ kinh tế”.

Theo GS.TS Trần Thọ Đạt, các gói cứu trợ và hỗ trợ tài khóa cần hướng đến gia tăng và mở rộng phạm vi hỗ trợ trực tiếp tiền mặt cho người dân, đặc biệt là bộ phận lao động tự do, lao động thuộc khu vực phi chính thức là những người chịu ảnh hưởng mất thu nhập, giảm sâu thu nhập nhưng chưa được hỗ trợ. Cần có cách tiếp cận mới theo phương thức không chính thức những đối tượng này qua các tổ chức thiện nguyện, các tổ chức phi chính phủ. Với tỷ lệ tiêu dùng cao, tác động của các biện pháp hỗ trợ thu nhập và do đó tiêu dùng của người dân sẽ có tác động trực tiếp “theo số nhân chi tiêu” đến GDP.

“Sáng kiến chính sách cấp bù lãi suất không chỉ giúp tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho DN, mà còn kích hoạt nguồn vốn trong xã hội”- GS.TS Trần Thọ Đạt nhấn mạnh.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, gói tín dụng cấp bù lãi suất 100.000 tỷ đồng này tuy chỉ tương đương 1% tổng dư nợ toàn hệ thống, song vẫn có thể tạo sự lan tỏa tốt. Về tiêu chí chọn DN, trong bối cảnh ngân sách có hạn, các bộ, ngành sẽ phải khoanh vùng đối tượng ưu tiên. Giải pháp hỗ trợ dựa trên chi phí lao động, trên quan điểm hỗ trợ có chọn lọc, đúng và trúng mục tiêu, đối tượng tránh việc hỗ trợ tràn lan, dàn trải.

Nên tập trung vào các ngành hàng thế mạnh, bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh và có tiềm năng, triển vọng phục hồi tốt sau dịch bệnh, như xuất khẩu (dệt may, nông sản, linh kiện điện tử), nông nghiệp, hàng không… Sau khi xác định rõ ngành nghề được tiếp cận gói tín dụng này, thì cơ quan chức năng cũng phải có cơ chế giám sát chặt nguồn vốn vay ưu đãi, tránh tình trạng cho cho DN thân hữu vay ưu đãi lãi suất như đã xảy ra năm 2009”, ông Thịnh nói.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ, hiện Bộ Tài chính đang tham mưu với Thủ tướng và Chính phủ về một số gói kích thích kinh tế. Ví dụ như gói hỗ trợ lãi suất, Bộ đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho NHNN chủ trì cùng với Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính để thực hiện gói này. "Gói hỗ trợ lãi suất này được lấy từ chính sách tài khóa, tức lấy từ nguồn ngân sách của Trung ương. Khoảng 20.000 tỷ đồng/năm chẳng hạn. Như vậy, sẽ hỗ trợ 2 - 3% cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề của dịch nhưng có đủ điều kiện để vay, để phát triển, sản xuất mới như lĩnh vực du lịch, dịch vụ vận tải, ăn uống…" - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.

Một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cuối năm 2019 khi chưa có dịch Covid-19 cho thấy, có 86% DN nhỏ và vừa không thể vay vốn ngân hàng nếu không có tài sản thế chấp; 63% cho rằng lãi suất và các điều kiện cho vay luôn khó khăn,... Khi dịch Covid-19 diễn ra, việc tiếp cận vốn vay còn khó khăn hơn. Điều này khiến DN bế tắc trong việc phục hồi sản xuất kinh doanh.