Doanh nghiệp mua bán điện mặt trời trực tiếp, tại sao không?

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc quản lý điện mặt trời đang gặp nhiều khó khăn, bất cập, khi quy hoạch còn chắp vá, hệ thống truyền tải yếu kém và hệ thống lưu trữ điện không được tích hợp, cần giải pháp cấp bách gỡ vướng cho DN để không lãng phí nguồn đầu tư và chuyển dịch sang năng lượng sạch. Trong đó, vấn đề để DN điện mặt trời được trực tiếp bán điện sẽ tăng tính cạnh tranh trên thị trường...

Đó là ý kiến của các chuyên gia, nha quản lý, DN đưa ra tại Tọa đàm “Nghịch lý thừa điện mặt trời: Giải pháp nào đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp?” chiều 15/6.
Các diễn giả tại buổi Tọa đàm.
Thiệt hại vô cùng lớn
Về tác động của thực trạng dư thừa nguồn điện mặt trời, Phó Giám đốc Ban Đầu tư Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn Lê Ngọc Hồ chia sẻ, điều này khiến nhiều DN đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, nay nhà máy không thể chạy hết công suất.
"Tình trạng cắt giảm công suất của các nhà máy điện mặt trời đang diễn ra thường xuyên, liên tục. Có nhà máy chưa từng có một ngày được hoạt động đúng công suất, ngay từ khi bắt đầu vận hành đã bắt buộc phải cắt giảm 50 - 60% công suất/ngày, thiệt hại từ 200 - 250 triệu đồng. Nếu tình hình cứ kéo dài, chắc chắn sẽ phá sản" - ông Hồ thông tin và nhấn mạnh: Thiệt hại về việc không giải tỏa hết công suất của nhà máy là vô cùng lớn, bởi nguồn vốn để triển khai dự án của DN chủ yếu đều vay vốn từ ngân hàng, trong khi đó việc bán điện "phập phù" như hiện tại gây khó khăn cho việc vận hành nhà máy cũng như phải trả lãi và gốc cho ngân hàng.
Phát triển điện mặt trời đã bộc lộ nhiều bất cập trong quy hoạch. Ảnh Nguyên Dương
Dù Bộ Công Thương đã thực hiện hàng loạt biện pháp để giảm tình trạng cắt giảm công suất, nhưng trong ngắn hạn, việc giảm phát, cắt giảm luân phiên khiến những DN đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng (chủ yếu là vốn vay) vào năng lượng tái tạo đứng trước bài toán nan giải về doanh thu và lợi nhuận.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, việc ồ ạt đầu tư, bùng nổ năng lượng điện mặt trời thời gian qua cho thấy rất nhiều quy hoạch có giá trị pháp lý cao, như điện VII đã bị phá vỡ.
Khẳng định không phải chỗ nào cũng phát triển được điện mặt trời, ông Ánh phân tích, dù Việt Nam có nhiều giờ nắng, nhưng thực tế các dự án năng lượng mặt trời lớn tập trung ở phía Nam Trung Bộ. Do đó, quy hoạch không chỉ về thời gian, mà còn không gian, địa điểm. Câu chuyện tiếp theo là năng lượng điện mặt trời bùng nổ nhưng truyền tải điện không theo kịp. Để đầu tư đường dây 220KV phải mất 2 - 3 năm, còn đường dây 500KV phải mất 5 năm, nên 6 tháng cho dự án điện mặt trời mà lại phân bổ tập trung vào địa phương là quá khó.
Ngoài các yếu tố về thời tiết, thời gian, thừa nhận nghịch lý thừa điện mặt trời rất đáng lo, ông Vũ Đình Ánh lý giải, thực tế phải nhìn thẳng vào ngành điện, điện là 1 hệ thống, không phải 1 mặt hàng thuần nhất. Điện có nhiều nguồn khác nhau, và nhiều chi phí. Ngành điện biến thiên cả cung - cầu, trách nhiệm của ngành điện phải giảm chênh lệch biến thiên, nên thừa thiếu điện có đáng lo hay không cũng không phải vấn đề. Về giá, mỗi nguồn có 1 giá, điện nằm trong danh mục quản lý giá.
Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh có công suất 45MW với tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng mỗi năm sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 75 triệu kWh năm của Tập đoàn T&T. Ảnh: Hoàng Anh
Để có thể giải phóng hết công suất các dự án nguồn điện mới bổ sung cần những giải pháp đột phá, trong đó nên mở cửa để tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng lưới điện truyền tải. DN tư nhân có tiền, có sự linh hoạt, nếu giao họ đầu tư hệ thống truyền tải sẽ đẩy nhanh được tiến độ dự án.
PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính)
Điện mặt trời tham gia vào thị trường lại có 1 biến số nữa. Thứ nhất là biến số nguồn năng lượng mặt trời, cần có dự phòng năng lượng mặt trời khi nguồn năng lượng này đột nhiên sụt giảm. Tiếp theo, gần đây, có biến thiên lớn về cầu của điện. Dịch Covid-19 đã tác động đến sản xuất, nhiều DN giải thể, dừng hoạt động, khiến tiêu thụ điện còn tăng trưởng bằng 1/3 so với trước đó. Nhưng chỉ một vài ngày tháng 6 vừa qua, cầu điện lại tăng vọt. Điều đó cho thấy, biến số về cầu điện cũng rất lớn. Dưới góc độ kinh tế, thừa hay thiếu điện mặt trời, xét cung - cầu không giống như thị trường hàng hoá thuần nhất.
Nên để doanh nghiệp tư nhân bán trực tiếp
Nói về tình trạng không có lưới truyền tải khiến các dự án phải cắt giảm công suất, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Phạm Nguyên Hùng phân tích, việc đầu tư điện mặt trời diễn ra nhanh trong khi lưới điện truyền tải phân phối chưa kịp bổ sung. Do đó, lưới điện tại các khu vực này bị quá tải, dẫn đến phải cắt giảm nguồn điện trong một số thời điểm.
Hệ thống điện mặt trời áp mái tại cảng cá Tam Quang của Tập đoàn Sơn Hà. Ảnh: Nguyên Dương
Theo ông Hùng, tại một số thời điểm, đặc biệt trong ngày nghỉ cuối tuần, dịp lễ Tết, hoặc thời gian dài ngày bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, phụ tải xuống thấp hơn kế hoạch… trong khi vẫn phải thực hiện duy trì các nguồn điện truyền thống để đảm bảo an ninh hệ thống, dẫn đến quá tải hệ thống nguồn điện. Điều đó khiến các nhà máy điện năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) đã phải điều chỉnh giảm công suất phát để đảm bảo vận hành an toàn lưới điện và an ninh hệ thống điện...
Giải pháp ngắn hạn, ông Hùng cho rằng tiếp tục giám sát, chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, A0 và các đơn vị liên quan thực hiện giảm phát theo quy định tại các văn bản pháp luật; tiếp tục điều chỉnh giờ phát cao điểm cho các thuỷ điện nhỏ, nâng cao khả năng vận hành linh hoạt của các hệ thống nhiệt điện than, tuocbin khí.
Tuy nhiên về lâu dài, áp dụng các giải pháp lưới điện thông minh hỗ trợ giám sát vận hành lưới điện (AGC, nhà máy điện ảo…); phát triển đồng bộ nguồn - lưới điện; tăng cường hạ tầng SCADA/EMS để giám sát các nguồn điện (chú trọng nguồn điện nhỏ); nghiên cứu hệ thống lưu trữ năng lượng…
Công nhân ngành điện kiểm tra hệ thống điện mặt trời tại một nhà dân trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Nguyên Dương
Bàn thêm về vấn đề này, ông Vũ Đình Ánh đánh giá cao đề xuất nên để DN điện mặt trời được bán trực tiếp. Về chính sách, cơ chế, cơ sở hạ tầng, DN điện được bán cho các hộ gia đình nhu cầu sử dụng điện lớn, kèm theo biện pháp quản lý, giá điện trực tiếp giữa người mua - bán điện. Qua đó, sẽ có được những kinh nghiệm rất tốt để phát triển thị trường điện trong thời gian tới, cùng với cả thị trường điện truyền thống. Một yếu tố cũng rất quan trọng khi xu thế hiện nhu cầu điện đối với hộ tiêu thụ điện lớn là môi trường trong hội nhập quốc tế, việc mua bán điện trực tiếp cũng sẽ đưa được các yếu tố thị trường, cạnh tranh vào.
Theo tính toán của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, riêng điện gió, điện mặt trời mấy năm trước từ chỗ chỉ sản xuất được có mấy trăm MW/năm thì đến nay sản lượng đã đạt trên 17.000MW.
Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt các nhà máy điện mặt trời công suất lớn đã khiến nguồn cung dư thừa (quy hoạch điện VII đặt ra mục tiêu công suất nguồn điện mặt trời năm 2020 là 850MW và 1.200 MW tới 2030 nhưng thực tế đến nay công suất lắp đặt về điện mặt trời trên cả nước đã gấp gần 20 quy hoạch), phải cắt giảm sản lượng.
Đáng nói, Việt Nam dù vẫn đứng trước nguy cơ thiếu điện nhưng khoảng 1,7 tỷ kWh điện năng lượng tái tạo sẽ bị cắt giảm trong năm 2021, trong đó hơn 500 triệu kWh cắt giảm do thừa nguồn điện mặt trời vào các điểm trưa và quá tải đường dây 500 kV.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần