Doanh nghiệp, ngân hàng ngóng sửa đổi Thông tư 03/2021- NHNN

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người dân, nhà kinh doanh vay tiền ngân hàng đang muốn gia hạn thời gian trả nợ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng các quy định tại Thông tư 03/2021- NHNN lại khiến họ gặp khó. Đại dịch Covid-19 đã tác động xấu đến nợ vay ngân hàng, dẫn đến Thông tư 03 dù mới ban hành hơn 4 tháng đã không còn phù hợp...

Mở rộng đối tượng, thời gian cơ cấu, gia hạn nợ

Hồi đầu tháng 4/2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 03/2021 quy định về việc các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 17/5 vừa qua. 

Thông tư 03/2021 nêu rõ: Cho phép các ngân hàng được tiếp tục cơ cấu nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ngày 31/12/2021, tức chỉ còn hơn 4 tháng nữa. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, kể cả trường hợp gia hạn nợ, không được vượt quá 12 tháng kể từ ngày ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

 Ảnh minh họa

Quy định này gây không ít khó khăn cho người vay tiền lẫn các ngân hàng vì thời gian cơ cấu nợ tối đa 12 tháng là quá ngắn. Lấy ví dụ, khách hàng được hoãn trả tiền gốc và lãi trong 4 tháng dịch bệnh. Tuy nhiên, số tiền gốc và lãi của 4 tháng này sẽ cộng dồn và chia đều, phải trả trong tối đa 8 tháng tiếp theo. Điều này khiến tăng gánh nặng nợ cho doanh nghiệp chỉ sau vài tháng được cơ cấu.

Nhiều người vay tiền cho hay nếu cho họ tạm ngưng trả nợ mấy tháng như Thông tư 03 sau đó áp lực nợ gia tăng mạnh là chưa thật sự hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. “Bởi nếu được ngân hàng cho phép hoãn trả tiền gốc và lãi trong mấy tháng dịch bệnh nhưng sau đó số tiền gốc lẫn lãi vẫn sẽ bị cộng dồn rồi chia đều để trả trong những tháng tiếp theo. Điều này cũng có nghĩa dù được tái cơ cấu nợ nhưng vẫn phải thanh toán hết khoản vay ngay trong một năm tính từ lúc bắt đầu cơ cấu nợ theo quy định tại Thông tư 03. Đây là điều bất khả thi vì khi doanh nghiệp vẫn đóng cửa, tạm ngừng sản xuất hay bị phong tỏa không có doanh thu thì lấy tiền đâu mà trả ngân hàng” – anh Trần Văn Mai, chủ một doanh nghiệp nhựa chia sẻ. 

Bên cạnh đó, dư nợ được xem xét cơ cấu nợ hiện nay cũng chỉ áp dụng đối với nghiệp vụ cho vay, cho thuê tài chính, không bao gồm dự nợ phát sinh từ các nghiệp vụ cấp tín dụng khác như thẻ tín dụng, bảo lãnh, LC, bao thanh toán... Tuy nhiên, dịch bệnh ảnh hưởng đến nhiều khách hàng không phân biệt hình thức cấp tín dụng. Đặc biệt, thẻ tín dụng là hình thức phổ biến với nhiều người nhưng lại chưa nằm trong diện được giãn hoãn, miễn giảm lãi.

Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính FE Credit Nguyễn Thanh Phúc cho rằng, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tất cả khách hàng mà không phân biệt hình thức cấp tín dụng. Trong đó, thẻ tín dụng là một hình thức cấp tín dụng rất phổ biến hiện nay. Xét trên mức độ ảnh hưởng thì việc cho phép cơ cấu nợ đối với số dư thẻ tín dụng là cần thiết.

Trên thực tế, cả doanh nghiệp và các ngân hàng đều mong chờ NHNN mở rộng phạm vi cơ cấu nợ, thay vì chỉ áp dụng cho các khoản vay giải ngân trước 10/6/2020 như hiện nay.

Cả người vay và các ngân hàng đều cho rằng, cần phải cơ cấu lại hạn trả nợ một số kỳ hạn và cần thiết phải giãn số tiền này sang các kỳ sau ngày cuối cùng của thời hạn cho vay. Hiệp hội ngân hàng gợi ý, NHNN có thể giữ nguyên quy định theo Thông tư 01 trước đó, là "không vượt quá 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay".

Ở góc độ chuyên gia, TS Cấn Văn Lực cho rằng, cần mở rộng đối tượng và các khoản nợ được cơ cấu lại, kể cả những khoản nợ phát sinh sau ngày 10/6/2020 vì dịch còn diễn biến phức tạp. Đồng thời không giới hạn số lần cơ cấu lại nợ mà nên giao cho tổ chức tín dụng chủ động, căn cứ vào tình hình dịch bệnh thực tế. Thời hạn trả nợ, gia hạn nợ nên được nới rộng tối thiểu là 24 tháng kể từ ngày thực hiện cơ cấu lại thời gian trả nợ thay vì 12 tháng như quy định...

Nới thời gian trích lập dự phòng bổ sung

Ngoài việc mở rộng phạm vi về thời gian như trên, các ngân hàng và Hiệp hội Ngân hàng cũng đề nghị NHNN sửa đổi các quy định về trích lập dự phòng rủi ro về các khoản nợ thực hiện miễn, giảm lãi theo Thông tư 03, khoanh nợ đối với dư nợ được cơ cấu…

Cụ thể, để gỡ khó, các ngân hàng kiến nghị NHNN xem xét mở rộng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo hướng phù hợp hơn với nguồn thu, dòng tiền của khách hàng cũng như mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đại diện ngân hàng VietinBank cho biết, đến thời điểm này, danh mục khách hàng bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh lên tới 25-30%. Mặc dù số lượng đủ điều kiện cơ cấu ít hơn khá nhiều nhưng nếu không chỉnh sửa Thông tư 03 thì chắc chắn ảnh hưởng lớn đến tình hình hoạt động của VietinBank và suy ra với các ngân hàng khác về cơ bản cũng gặp tình trạng tương tự. “Dù ngân hàng có trích lập dự phòng đầy đủ trong 3 năm, nhưng hệ luỵ trong thời gian tới rất lớn chứ không phải là các con số ngân hàng đang tính toán” - Phó Tổng giám đốc VietinBank Nguyễn Đình Vinh băn khoăn.

Lãnh đạo các TCTD cũng bày tỏ, hiện các TCTD cũng bị tác động rất lớn của dịch Covid-19. Ngoài nỗ lực duy trì hoạt động, các TCTD còn có trách nhiệm hỗ trợ khách hàng thông qua các biện pháp như cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi suất, phí... Điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận, kết quả kinh doanh của ngân hàng. Do vậy, quy định các TCTD phải trích tối thiểu 30% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung đến ngày 31/12/2021 là khá lớn, rất khó cho TCTD.

Vì vậy, bên cạnh kiến nghị sửa đổi một số quy định tại Thông tư 03, các TCTD cũng mong muốn được kéo dài thời hạn trích lập dự phòng bổ sung, có thể trong 5 năm, để giảm tải áp lực tài chính, giúp các TCTD có thêm nguồn lực vừa phát triển kinh doanh, vừa triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng hiệu quả hơn.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, NHNN sẽ thực hiện điều chỉnh Thông tư 01 và 03 cho phù hợp với tình hình mới. Theo hướng tăng cường hỗ trợ hơn cả về thời điểm được cơ cấu cũng như kéo dài thời hạn được phép cơ cấu các khoản nợ cho các doanh nghiệp, bảo đảm sự hỗ trợ tốt hơn, quyết liệt, chủ động hơn để trợ lực kịp thời cho các doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần