Hồi phục chưa đồng nhất
Báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán VPBank cho thấy, theo kết quả kinh doanh quý I/2024 của ngành thép, nếu loại trừ 3 cổ phiếu đầu ngành là HPG, NKG hay HSG, doanh thu của các doanh nghiệp niêm yết còn lại thuộc ngành thép (bao gồm cả sản xuất và thương mại theo phân ngành ICB cấp độ 5) ghi nhận mức giảm 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số lượng doanh nghiệp ghi nhận mức doanh thu giảm vẫn chiếm hơn 63%, cho thấy toàn ngành vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt với các doanh nghiệp có thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước, việc tìm đầu ra cho hàng hóa vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi thị trường tiêu thụ chính là xây dựng dân dụng vẫn còn tương đối ảm đạm, dẫn tới nhu cầu thấp.
Các doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng chủ yếu có các yếu tố khác biệt như đa dạng thị trường bán hàng (nội địa và xuất khẩu), quy mô, công nghệ sản xuất (đáp ứng được yêu cầu ở các dự án đầu tư công và nhiều công trình lớn) và có lợi thế về khả năng bán giá cạnh tranh khi thị trường tiêu thụ thép hiện tại vẫn là thị trường dư cung.
Đầu ra vẫn còn là yếu tố khó khăn với phần lớn các doanh nghiệp, nhưng quãng thời gian khó khăn cũng đã trôi qua, thị trường đã đào thải những doanh nghiệp yếu kém trong khi các doanh nghiệp có thể tái cấu trúc, tiết kiệm chi phí trong bối cảnh doanh thu eo hẹp đang từng bước hồi phục chờ đợi chu kỳ mới.
Có thể thấy, các chỉ số biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trên thị trường đã tạo đáy từ giai đoạn 2022 và đang trên đà hồi phục. Trong đó, lợi nhuận trước thuế của đa số doanh nghiệp nhìn chung đã thoát khỏi ngưỡng âm, giúp đem lại động lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong bối cảnh hiện tại, những doanh nghiệp nào có khả năng chủ động và sức mạnh thương thuyết cao cùng chiến lược quản lý hàng tồn tốt sẽ ghi nhận sự cải thiện về biên lợi nhuận rõ rệt hơn nữa trong năm 2024.
Nhìn chung, tài sản của các doanh nghiệp niêm yết ngành thép vẫn tăng trưởng nhưng với tốc độ khá hạn chế khi loại đi doanh nghiệp lớn nhất là Tập đoàn Hòa Phát.
Đà hồi phục có phần chững lại
Nợ chung của các doanh nghiệp ngành thép đang tăng nhanh trong quý 1/2024, về gần lại mức vay nợ trong thời điểm đáy của chu kỳ ngành thép trong năm 2022. Như vậy, mặc dù nhiều chính sách và tín hiệu dự báo ngành thép đã đi qua vùng đáy, nhưng các khó khăn còn hiện hữu trong bối cảnh chu kỳ mới chưa quay trở lại khiến cho nhiều doanh nghiệp phải gia tăng đòn bẩy giúp gồng đỡ chờ đợi thời cơ mới.
So sánh một số doanh nghiệp nổi bật trên thị trường, có thể thấy khả năng đáp ứng về tỷ lệ nợ và khả năng trả nợ tốt nhất nằm ở 3 cổ phiếu quen thuộc của ngành thép là HPG, NKG và HSG. Phần còn lại của thị trường nhìn chung vẫn duy trì tỷ lệ nợ tương đối lớn, đi kèm chỉ số thanh toán lãi vay rất thấp, cho thấy hiệu quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn chưa quá khả quan để có thể bù dòng tiền trả nợ, từ đó sẽ tiếp tục cần huy động nợ vay và tạo thành vòng xoáy vay nợ tới khi có những tín hiệu tích cực hơn về chu kỳ tiếp theo.
Mặc dù đà sản xuất đã bị hụt tương đối trong 3 tháng đầu năm nhưng ngành thép Việt Nam vẫn duy trì được tăng trưởng nhẹ 5,5% so với cùng kỳ từ mức nền thấp của năm 2023. Đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng chủ yếu đến từ các mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu cao như HRC với sản lượng đạt 1,86 triệu tấn (+14,8% YoY) và Tôn mạ với sản lượng 1,33 triệu tấn (+29,8%) trong khi Thép xây dựng và thép ống có mức độ sản xuất suy giảm.
Mức độ sản xuất cho thấy thị trường hiện đang ở mức khá cân bằng sau hồi phục và trước 1 chu kỳ mới, kỳ vọng tăng trưởng tiếp chủ yếu đến từ mức tương quan nền thấp trong quý 2 trong bối cảnh chưa có tín hiệu xác nhận sự quay lại của chu kỳ ngành. Tồn kho các mặt hàng của toàn ngành nhìn chung có sự sụt giảm mạnh ở thép tôn mạ và thép ống trong khi thép xây dựng bắt đầu có tín hiệu tăng trở lại sau giai đoạn quý cuối 2024 tiêu thụ tốt do yếu tố mùa vụ.
Sản lượng bán hàng cũng ghi nhận kết quả tăng trưởng nhẹ trong quý 1/2024, đạt khoảng 6,07 triệu tấn (+10,1% YoY). Trong đó, xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng của ngành với tổng sản lượng xuất khẩu các loại thép đạt khoảng 2,19 triệu tấn trong 3 tháng đầu năm, tương đương tăng trưởng 62,33% so với cùng kỳ. Tiêu thụ trong nước duy trì được đà tăng trưởng nhưng với mức hạn chế, chỉ tăng 1,8% so với cũng kỳ.
Sự tích cực của thị trường xuất khẩu ngoài việc hồi phục của các thị trường quốc tế còn có sự đóng góp lớn đến từ xu hướng giá thép chênh lệch giữa các quốc gia. Có thể thấy, chênh lệch giá HRC xuất khẩu một số thị trường chính như các nước phương Tây (Mỹ, châu Âu) với khoảng cách giá từ 25% - 60%. Điều này tạo một lợi thế lớn cho thép xuât khẩu Việt Nam trong cuộc cạnh tranh về giá, nhất là trong bối cảnh thị trường thép quốc tế đang dư cung.
Báo cáo cho thấy, bất động sản dân dụng vẫn là yếu tố đầu ra quan trọng nhất đối với khả năng tiêu thụ nội địa của ngành thép. Hiện tại các doanh nghiệp chủ yếu vẫn đang thực hiện nốt các dự án đã xong pháp lý, hoàn thiện đầy đủ thủ tục để bàn giao khách hàng.
Thị trường bất động sản trong thời gian tới dự kiến nhu cầu xây dựng mới, nhu cầu thép xây dựng ở mức hạn chế, chưa thể có động lực tăng trưởng vào sóng mạnh mẽ, nhiều khả năng sóng cụm ngành bất động sản – xây dựng – vật liệu xây dựng sẽ phải kéo dài sang giai đoán 2025 – 2026.