Doanh nghiệp nhà nước thu gần 8.600 tỷ đồng từ thoái vốn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong đó, số vốn được các doanh nghiệp nhà nước thoái từ những lĩnh vực đầu tư ngoài ngành là 8.213 tỷ đồng.

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tính đến hết quý 1/2015, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 6.980 doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trong đó cổ phần hóa 4.237 doanh nghiệp. Về tài chính tính đến hết thời điểm trên, số vốn đã thoái là 8.213 tỷ đồng và số thu về là 8.599 tỷ đồng.

Tuy nhiên tốc độ cổ phần hóa qua từng năm lại có độ chênh lệch khá lớn. Cụ thể, giai đoạn 2011-2013, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 180 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 99 doanh nghiệp và sắp xếp theo các hình thức khác 81 doanh nghiệp. Nhưng tới năm 2014 đã sắp xếp được 167 doanh nghiệp, tăng gấp 1,65 lần và cổ phần hóa 143 doanh nghiệp, tăng gấp gần 2 lần so với năm 2013.

 
Ngân hàng sẽ là ngành được DNNN tập trung thoái vốn trong 2015
Ngân hàng sẽ là ngành được DNNN tập trung thoái vốn trong 2015
Ngay tại quý 1/2015, đã có 29 doanh nghiệp được cổ phần hóa. Theo đúng kế hoạch giai đoạn 2014-2015 cả nước sẽ thực hiện cổ phần hóa 432 doanh nghiệp.

Về kết quả thoái vốn: Năm 2012, thoái được 348 tỷ đồng, thu được 356 tỷ đồng. Năm 2013, thoái được 874 tỷ đồng, thu được 745 tỷ đồng. Năm 2014, thoái được 4.184 tỷ đồng, thu được 4.292 tỷ đồng. Riêng trong Quý I/2015, thoái được 2.807 tỷ đồng, thu được 3.206 tỷ đồng.

Đánh giá về kết quả thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa và thoái vốn của DNNN, ông Đặng Quyết Tiến Phó Cục trưởng Cục Tài chính cho biết, về cơ bản các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước đã tích cực triển khai heo tinh thần Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở các đề án đã được phê duyệt, các tập đoàn, tổng công ty đã tiến hành rà soát, phân loại, xác định danh mục ngành nghề, phạm vi kinh doanh chính, ngành nghề có liên quan và xây dựng kế hoạch cổ phần hóa. Một số tập đoàn và tổng công ty đã chủ động sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành nhằm tinh giảm biên chế, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, ông Tiến nhận xét.

Tuy nhiên, ông Tiến cũng chỉ ra rằng, quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN vẫn còn một số hạn chế như tốc độ cổ phần hóa còn chậm, đặc biệt là ở giai đoạn 2011 - 2012 (năm 2011 cổ phần hóa 12 doanh nghiệp, năm 2012 cổ phần hóa 13 doanh nghiệp) kém hơn nhiều so với giai đoạn 2013 - 2014 tiến độ đã nhanh hơn (năm 2013 cổ phần hóa 74 doanh nghiệp; năm 2014 cổ phần hóa 143 doanh nghiệp). Ngoài ra, quá trình này cũng bộc lộ nhiều vấn đề đối với DNNN như một số khoản đầu tư ngoài ngành có hiệu quả thấp, thua lỗ, không bảo toàn được giá trị đầu tư ban đầu …

Ông Tiến cũng cho biết mới đây Chính phủ đã thống nhất về chủ trương cho phép áp dụng một số định hướng về cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn trong cổ phần hóa, thoái vốn DNNN, như: thoái vốn tại doanh nghiệp cổ phần hóa chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán và chưa bàn giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước thì thoái vốn theo lô với nguyên tắc bán đấu giá công khai. Áp dụng cho các doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ cổ phần. Không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai đối với các đợt bán đấu giá theo lô.

Đối với doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa nhưng chưa có điều kiện IPO ngay, thì giá bán cổ phần cho người lao động và tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp bằng 60% giá khởi điểm theo phương án cổ phần hóa.

Theo đúng kế khoạch, đến hết năm 2015, DNNN sẽ phải thoái hết 19.517 tỷ  đồng. Trong đó, vốn đổ vào lĩnh vực ngân hàng và bất động sản sẽ phải thoái khoảng 12.000 tỷ đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần