Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp Nhật hoạt động tại Việt Nam báo lãi chiếm 54,3%

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam dự báo có lãi trong hoạt động kinh doanh năm 2021 là 54,3%, tăng 4,7 điểm so với năm 2020.

Đó là nội dung chính tại buổi họp báo Công bố kết quả khảo sát “Thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương năm tài chính 2021”, trong đó có Việt Nam ngày 19/1.

Ban tổ chức thông tin về báo cáo.
Ban tổ chức thông tin về báo cáo.

Báo cáo của Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy, tại Việt Nam, doanh nghiệp quan tâm nhiều nhất đến “Tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm tài nguyên” trong xu thế nỗ lực giảm lượng phát thải khí hiệu ứng nhà kính. Có ít doanh nghiệp đang hợp tác với doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam (5%) và doanh nghiệp có dự định hợp tác (3%), nhưng doanh nghiệp có quan tâm hợp tác là 30%, cao hơn mức trung bình của khu vực châu Á - châu Đại Dương.

Theo Trưởng Văn phòng Đại diện tại Hà Nội Takeo Nakajima, ở lần khảo sát thứ 35 này, chương trình đã nhận được phản hồi từ 4.635 doanh nghiệp Nhật Bản (tổng số 14,175 công ty được yêu cầu trả lời khảo sát), trong đó có 702 doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam.

Đáng chú ý, thời gian khảo sát từ ngày 25/8 - 24/9/2021, trùng với khoảng thời gian Việt Nam thực hiện các biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt do dịch bệnh Covid-19, đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả trả lời của các doanh nghiệp.

Song số doanh nghiệp Nhật đang đầu tư, hoạt động tại Việt Nam trả lời lợi nhuận kinh doanh “cải thiện” đã tăng lên so với khảo sát lần trước vào năm 2020, đạt 31,4%. Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên việc phục hồi của các doanh nghiệp chậm hơn so với các nước khác. Đặc biệt, tại miền Nam và miền Trung, có hơn 40% các doanh nghiệp trả lời lợi nhuận kinh doanh “suy giảm” do tỷ lệ vận hành giảm. 

Tỷ lệ các doanh nghiệp Nhật hoạt động tại Việt Nam dự báo có lãi trong hoạt động kinh doanh năm 2021 là 54,3%, tăng 4,7 điểm so với năm 2020. Riêng với ngành chế tạo, tỷ lệ các doanh nghiệp dự báo có lãi là 57,5%; ngành phi chế tạo là 51,5%.

Hướng đến năm 2022, 56,2% các doanh nghiệp được khảo sát trả lời “cải thiện” về triển vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2022 so với năm 2021. Hơn 50% cả ngành chế tạo và phi chế tạo được kỳ vọng sẽ cải thiện. Trong khi đó, 10% ngành chế tạo được dự báo sẽ xấu đi. Lý do “cải thiện” trong dự báo lợi nhuận kinh doanh trong ngành chế tạo của Việt Nam là do mở rộng xuất khẩu. Mặt khác, lý do của “sụt giảm’’ là do ảnh hưởng của Virus Corona, như là tốc độ vận hành giảm, giá thu mua tăng, xuất khẩu sụt giảm.

Tỷ lệ các doanh nghiệp có dự định mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1 - 2 năm tới là 55,3%, tăng 8,5 điểm so với năm trước, đứng đầu ASEAN và đứng thứ 4/20 quốc gia trong chương trình khảo sát, chỉ sau Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan.

Về lợi thế môi trường đầu tư, khả năng thị trường, tiềm năng phát triển; tình hình chính trị, xã hội ổn định; chất lượng nhân viên cao là những điểm nổi bật của Việt Nam so với các quốc gia ASEAN khác. Mặc dù mức lương tối thiểu năm 2021 không tăng nhưng tại các doanh nghiệp của Nhật Bản, lương tăng trung bình 5,4%.

Tỷ lệ thu mua tại chỗ của các doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam năm 2021 tăng nhẹ lên 37,4%, cao 0,4 điểm so với năm 2020. Nhiều doanh nghiệp muốn mở rộng việc thu mua tại chỗ nhưng có những vấn đề như chất lượng, kỹ thuật của bên đối tác thu mua chưa đủ; thu mua linh kiện, nguyên vật liệu trong nước còn khó khăn. Tuy nhiên, vẫn có sự khác nhau trong từng loại ngành nghề.

Xuất khẩu của các doanh nghiệp này chủ yếu sang Nhật Bản, chiếm 67%. Tỷ lệ sử dụng FTA/EPA là 60% và tăng dần qua từng năm.

 

Về môi trường đầu tư của Việt Nam: Quy mô thị trường/tiềm năng tăng trưởng (69,3%, tăng 3.0 điểm so với năm trước); Tình hình chính trị - xã hội ổn định (61,4%, giảm 4.3 điểm); Chi phí nhân công rẻ (56,9%, tăng 0.4 điểm) là những điểm lợi thế của Việt Nam mà các công ty trả lời trên 50%. Khi đánh giá đầu tư, các hạng mục mà các công ty Nhật Bản nhận thấy là điểm lơi thế của Việt Nam so với các nước ASEAN khác là Tính thị trường/Tiềm năng tăng trưởng, Tình hình chính trị, xã hội ổn định, Chất lượng nhân viên cao...