Doanh nghiệp nội địa "nhắm" các công trình lớn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Năm 2009 là năm phát triển của các doanh nghiệp trong nước với các dự án quy mô lớn và xu hướng này tiếp tục được duy trì cho năm 2010.

KTĐT - Năm 2009 là năm phát triển của các doanh nghiệp trong nước với các dự án quy mô lớn và xu hướng này tiếp tục được duy trì cho năm 2010.

Ngày càng nhiều các doanh nghiệp trong nước đầu tư phát triển các dự án khách sạn 5 sao, tòa nhà văn phòng chọc trời, khu resort sang trọng... trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài suy giảm do bị ảnh hưởng mạnh của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. Xu hướng này được các chuyên gia nhận định sẽ tiếp tục được phát huy trong năm nay.

Sự kiện các doanh nghiệp trong nước giữa cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu lại có một cuộc chạy đua nhằm thay chân tập đoàn Riviera (Nhật Bản) để được phát triển dự án khách sạn 5 sao Hoa Sen (Hà Nội) vào giữa cuối năm ngoái khi nhà đầu tư nước ngoài này xin rút lui đã gây sự chú ý trong dư luận cũng như nhiều nhà đầu tư.

Kết quả là Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) giành được quyền phát triển dự án khách sạn lớn nhất Hà Nội gồm 550 phòng với tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu đô la Mỹ.

Chẳng những thế, KBC còn tận dụng diện tích khu đất rộng 4,3 héc ta cạnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia, huyện Từ Liêm, để xây khách sạn có quy mô lớn hơn so với kế hoạch ban đầu của nhà đầu tư nước ngoài với số phòng có thể lên đến 800.

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT của KBC cho biết, theo kế hoạch, dự án sẽ được khởi công vào nửa đầu năm nay và hoàn thành giai đoạn 1 sau 24 tháng.

Theo giới kinh doanh bất động sản và du lịch, việc KBC - một doanh nghiệp trong nước tận dụng thời cơ kinh tế thế giới khó khăn để được quyền phát triển dự án bất động sản lớn thay thế nhà đầu tư nước ngoài không phải là cá biệt trong năm qua mà nó đang có xu hướng phát triển cho cả năm nay.

Có thể nói khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu đã buộc nhiều nhà đầu tư nước ngoài phải thu hẹp việc đầu tư các dự án ở các nước, trong đó có Việt Nam, do việc huy động vốn không còn dễ dàng như trước.

Đây lại là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước tận dụng thời cơ, nhanh chân nhảy vào thay chân nhà đầu tư nước ngoài.

Dự án khu khách sạn và biệt thự cao cấp Raffles ở Đà Nẵng cũng được xem là một bằng chứng cụ thể nữa trong việc chuyển nhượng dự án đầu tư giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đây là dự án khu phức hợp khách sạn tiêu chuẩn 5 sao với 142 phòng và 39 biệt thự được xây dựng trên 15,4 ha đất ven biển tại bờ biển Non Nước, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng với tổng mức đầu tư 100 triệu đô la Mỹ.

Dự án này gặp rất nhiều khó khăn trong gần 6 năm, qua tay hai đại gia ngoại quốc là Công ty Magnum Investment Group (Hoa Kỳ) và sau đó là Công ty TNHH Vegas Hotel & Villas do hai tập đoàn Kingdom Hotel Investments và European Hotel Corporation góp vốn thành lập.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính gây ảnh hưởng xấu và buộc các doanh nghiệp này phải cắt giảm đầu tư. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Vegas Hotel & Villas buộc phải tìm đối tác để chuyển nhượng dự án.

Cho đến khi Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư, dự án này mới được tái khởi công hồi tháng 11-2009.Theo Vingroup, khi đưa vào vận hành và khai thác, Raffles Đà Nẵng sẽ được quản lý bởi Tập đoàn Quản lý khách sạn danh tiếng Thế giới-Raffles.

Theo công ty tư vấn bất động sản CB Richard Ellis (CBRE) Việt Nam, do thị trường khó khăn, áp lực về vốn đã buộc không ít doanh nghiệp địa ốc, trong đó đa phần là các nhà đầu tư nước ngoài, bán tháo một phần, thậm chí toàn bộ dự án của mình để trả nợ.

Tuy nhiên, những dự án được chuyển nhượng thời gian qua chủ yếu lại do các công ty trong nước mua chứ không phải do các doanh nghiệp nước ngoài.

Trong một cuộc gặp gỡ báo chí gần đây, ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành Công ty CB Richard Ellis (CBRE) Việt Nam, nhận định rằng năm 2009 là năm phát triển của các doanh nghiệp trong nước với các dự án quy mô lớn và xu hướng này tiếp tục được duy trì cho năm 2010 khi hàng loạt các dự án quan trọng như cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao lại được các doanh nghiệp trong nước triển khai nhanh chóng.

Điển hình là tòa tháp cao nhất TPHCM Bitexco Financial Tower cao 68 tầng đang được xây dựng tại trung tâm quận 1; hay tòa nhà văn phòng trung tâm thương mại Vincom Center Shopping Mall ở quận 1... sẽ đưa vào khai thác trong năm nay.

Trong khi đó, các dự án có quy mô lớn khác của các nhà đầu tư nước ngoài thì có vẻ trầm lắng, dậm chân tại chỗ hoặc chuyển nhượng cho các nhà đầu tư khác.

Ông Marc Towsend khẳng định, cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế thế giới đã dẫn đến nhiều thay đổi trên thị trường bất động sản và chắc chắn việc chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư là điều khó tránh khỏi; song phần lớn việc chuyển nhượng này mang tính giao dịch ngầm giữa các nhà đầu tư với nhau nên khó thể hiện ra bên ngoài.

Lý giải về việc này, các chuyên gia kinh tế phân tích rằng do các nước trên thế giới hội nhập kinh tế sâu rộng hơn ở Việt Nam nên khi xảy ra khủng hoảng, các nhà đầu tư thế giới bị tác động nhiều hơn, nhất là về vốn so với các doanh nghiệp trong nước.

Các doanh nghiệp trong nước cũng xác nhận rằng trong hai năm qua là thời điểm khó khăn nhưng đó cũng là cơ hội vàng để những doanh nghiệp nắm bắt cơ hội đầu tư kinh doanh.

Như vậy về cơ bản các doanh nghiệp Việt Nam đang “rót” vốn mạnh cho các dự án khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, tòa nhà văn phòng chọc trời, khu resort sang trọng … - một điều vốn chỉ dành cho các nhà đầu tư nước ngoài vào những năm trước, hiếm thấy ở các doanh nghiệp trong nước.

Theo các doanh nghiệp, việc tiếp nhận dự án, doanh nghiệp có ưu thế là tiết kiệm thời gian làm thủ tục pháp lý.

Thêm vào đó, giá chuyển nhượng rẻ hơn rất nhiều so với chi phí mà doanh nghiệp trước đó bỏ ra và đặc biệt là địa điểm đầu tư rất tốt. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lưu ý, công ty sẽ gặp rất nhiều rủi ro nếu vốn ít, năng lực quản lý có hạn.

"Nếu doanh nghiệp mua lại dự án chưa lường hết sức mình, khả năng quản lý, điều phối dự án non kém sẽ dẫn tới năng lực bị tiêu hao. Và đương nhiên, họ sẽ bị triệt tiêu theo quy luật thị trường", ông Đặng Thành Tâm tâm sự.

Xu hướng đầu tư khách sạn, cao ốc của doanh nghiệp trong nước hiện nay không chỉ giới hạn ở thị trường nội địa mà đang được các doanh nghiệp đẩy mạnh ra nước ngoài.

Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) gần đây khẳng định vẫn tiếp tục theo đuổi kế hoạch mua khách sạn tại Mỹ và Nhật để phát triển cơ sở của Saigontourist tại hai thị trường lớn này nhằm quảng bá và thu hút khách. Hiện tại, kế hoạch của công ty vẫn là sẽ mua khách sạn ở San Francisco.

Ngoài khách sạn mà Saigontourist có ý định mua vào năm ngoái, tổng công ty đang làm việc với một số khách sạn khác để tìm được khách sạn tốt nhất và có giá phù hợp.

"Giá khách sạn ở Mỹ đang giảm nên chúng tôi phải khảo sát rất kỹ và đang tìm thời điểm tốt nhất ký hợp đồng nhằm có giá tốt nhất", ông Nguyễn Hữu Thọ, Tổng giám đốc Saigontourist nói với TBKTSG o­nline.

Trong khi đó, Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI) đang có dự án đầu tư Khách sạn SGI-LaoHung tiêu chuẩn 3 sao quốc tế tại tỉnh Houaphan của Lào. Dự án được xây dựng trên diện tích khoảng 6 ha với tổng vốn đầu tư là 62,5 tỉ đồng. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào năm 2012.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần