Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Doanh nghiệp ở Hà Nội thay đổi nhu cầu tuyển dụng theo trình độ

Kinhtedothi – Các DN chủ yếu tuyển dụng lao động có trình độ đại học trở lên, tiếp đến là lao động phổ thông, công nhân kỹ thuật không bằng. Trong tháng 5/2025, ba ngành có nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao là dịch vụ du lịch, lữ hành; y tế - chăm sóc sức khỏe và công nghệ thông tin.

Nhu cầu tuyển dụng lao động 55.600 vị trí

Phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn TP Hà Nội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần tăng trưởng sản xuất, đóng góp trực tiếp vào GRDP của Thủ đô. Một trong những giải pháp quan trọng để phát triển thị trường lao động, kết nối cung – cầu là nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Sàn giao dịch việc làm (GDVL) Hà Nội, kết nối DN với người lao động, học sinh, sinh viên trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Kết quả, tháng 4/2025, Hà Nội đã tạo việc làm cho 31.454 người lao động, tăng 21,62% so với cùng kỳ năm 2024. Trong 4 tháng đầu năm 2025, toàn TP Hà Nội đã giải quyết việc làm cho hơn 88.102 người lao động, đạt 52,1% kế hoạch năm.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm để kết nối DN tuyển dụng và người lao động tìm kiếm việc làm. Ảnh: Trần Oanh

Theo báo cáo thị trường lao động Hà Nội tháng 4/2025 do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội mới phát hành cho thấy, ước tính nhu cầu tuyển dụng lao động trên toàn TP khoảng 55.600 vị trí. Trên cơ sở khảo sát, thu thập thông tin 8.291 việc làm trống của 1.573 DN tại Trung tâm, nhu cầu tuyển dụng có một số đặc điểm nổi bật. Đó là, lĩnh vực thương mại – dịch vụ tiếp tục chiếm tỷ trọng cao về nhu cầu tuyển dụng; tiếp đến là ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 12,71%, xây dựng chiếm 12,25% và giáo dục đào tạo chiếm 4,41%. Các DN trong những lĩnh vực trên có xu hướng tập trung tuyển dụng các vị trí nhân viên bán hàng, nhân viên kinh doanh, chăm sóc khách hàng, kỹ thuật viên lắp đặt – bảo trì dịch vụ.

Về cơ cấu nhu cầu tuyển dụng theo trình độ có sự thay đổi trong tháng 4. Các DN chủ yếu tuyển dụng lao động có trình độ đại học trở lên, chiếm 38,91% tổng nhu cầu tuyển dụng; tiếp đến là lao động phổ thông 19,71%; công nhân kỹ thuật không bằng 16,02%. Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông và công nhân kỹ thuật không bằng trong các DN tăng đáng kể so với tháng trước phản ánh sự phục hồi và mở rộng sản xuất của nhiều DN sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Các DN chủ yếu chi trả cho người lao động mức lương từ 5 – 10 triệu đồng/tháng, chiếm 56,9% tổng số nhu cầu tuyển dụng, dành cho các vị trí công nhân sản xuất, nhân viên bán hàng, lái xe taxi, xe tải, công nhân xây dựng. Mức lương từ 10 – 20 triệu đồng/tháng, chiếm 24,1% dành cho các vị trí đòi hỏi kinh nghiệm hoặc chuyên môn cao hơn như kế toán, quản lý bán hàng và tiếp thị, kỹ sư xây dựng...

Ba nhóm ngành tăng nhu cầu tuyển dụng lao động

Trong tháng 4, ước tính trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 39.600 người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm. Trên cơ sở khảo sát, thu thập thông tin 3.016 hồ sơ người tìm việc của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy: nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động tập trung ở các ngành nghề như thợ lắp ráp và vận hành máy móc, thiết bị; lao động giản đơn và nhân viên trợ lý văn phòng. Các vị trí này không đòi hỏi trình độ chuyên môn cao nhưng phù hợp với số đông người lao động phổ thông và người có trình độ trung cấp.

Người lao động tìm hiểu thông tin các vị trí tuyển dụng, ứng tuyển tại phiên giao dịch việc làm quận Nam Từ Liêm năm 2025. Ảnh: Trần Oanh

Trình độ chuyên môn kỹ thuật của người tìm việc chủ yếu ở nhóm chưa qua đào tạo chiếm 41,68%, tập trung vào các công việc như công nhân sản xuất, nhân viên bán hàng...; tiếp đến là trình độ công nhân kỹ thuật không có bằng/chứng chỉ chiếm 29,07%, tìm kiếm việc làm ở các công việc như công nhân lắp ráp linh kiện, thợ cơ khí, thợ xây dựng...

Mức lương mong muốn của người tìm việc chủ yếu ở phân khúc phổ thông từ 5 - 10 triệu đồng/tháng, chiếm 84,81%; từ 10 – 20 triệu đồng/tháng chiếm 10,61%; mức lương trên 20 triệu đồng/tháng khoảng 1%.

Để hỗ trợ DN và người lao động trong quá trình tìm kiếm việc làm, trong tháng 4, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức 22 phiên GDVL và có 734 lượt đơn vị tham gia với tổng số 18.745 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh. Kết quả có 3.411 lượt người lao động được phỏng vấn tại các phiên GDVL, qua đó có 757 người lao động được nhận hồ sơ, tuyển dụng thông qua các phiên GDVL.

Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tăng cường công tác định hướng đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho người lao động thất nghiệp; tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm trên hệ thống Sàn GDVL trên địa bàn TP... để hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động.

Về bức tranh thị trường lao động Hà Nội trong tháng 5, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội dự báo tăng trưởng chậm lại do tác động tiêu cực của nhiều yếu tố bất lợi về kinh tế - xã hội trong khu vực và trên toàn cầu. Tuy nhiên, một số ngành có nhu cầu nhân lực cao như dịch vụ du lịch, lữ hành tăng 5%; y tế - chăm sóc sức khỏe tăng trưởng 4%; công nghệ thông tin tăng 3,5%.

Để tiếp tục hỗ trợ và phát triển thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội trong tình hình mới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm. Trong đó có mở rộng công tác thu thập thông tin thị trường lao động; đẩy mạnh công tác tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động, cung ứng lao động cho DN.

Cùng với việc nâng cao số lượng, chất lượng hoạt động tư vấn và tăng cường tổ chức các lớp kỹ năng tham dự phỏng vấn tuyển dụng cho người lao động, trong tháng 5, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tăng tần suất tuyên truyền phổ biến chính sách về giải quyết việc làm; tổ chức 21 phiên GDVL để kết nối DN và người lao động.

Doanh nghiệp tăng tốc tuyển dụng lao động ngành Thương mại – Dịch vụ

Doanh nghiệp tăng tốc tuyển dụng lao động ngành Thương mại – Dịch vụ

Ba nhóm ngành đang cần tuyển dụng lao động nhiều nhất

Ba nhóm ngành đang cần tuyển dụng lao động nhiều nhất

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Chế độ với người được huy động, tham gia chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn

Chế độ với người được huy động, tham gia chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn

21 May, 05:30 PM

Kinhtedothi - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 105/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, trong đó quy định cụ thể chế độ, chính sách đối với người được huy động, người tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ