Doanh nghiệp “oải” vì chính sách lao động

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới hạn làm thêm giờ của Việt Nam đang khắt khe hơn rất nhiều so với các nước như...

Kinhtedothi - Giới hạn làm thêm giờ của Việt Nam đang khắt khe hơn rất nhiều so với các nước như Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc)... Việc này sẽ làm giảm tính cạnh tranh của Việt Nam, đồng thời cản trở phát triển các ngành công nghiệp, chế tạo, chế biến... là lo ngại chung của các DN có mặt tại Hội nghị đối thoại với DN về chính sách lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội (BHXH) diễn ra cuối tuần qua.

Quy định về làm thêm giờ quá khắt khe

Theo phản ánh của ông Chu Văn An - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến & Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các DN xuất khẩu thủy sản đang gặp khá nhiều rào cản xuất phát từ một số quy định chưa hợp tình, hợp lý của Bộ luật Lao động. Luật Lao động 2012 quy định, chủ DN phải “bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động (NLĐ) không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong một ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày, không quá 30 giờ/tháng và không quá 200 giờ/năm. Trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm”.
Các DN xuất khẩu thủy sản đang gặp nhiều rào cản từ một số quy định chưa hợp lý của Bộ luật Lao động.              Ảnh:  Hùng Huy
Các DN xuất khẩu thủy sản đang gặp nhiều rào cản từ một số quy định chưa hợp lý của Bộ luật Lao động. Ảnh: Hùng Huy
Các DN cho rằng, quy định như vậy là quá khắt khe, trong khi ở Nhật Bản là 360 giờ/năm, Malaysia: 104 giờ/tháng, Đài Loan: 46 giờ/tháng... “Trên thực tế, khi tôm trúng mùa, nông dân chuyển đến nhà máy thì DN không thể không nhận, mà nhận sản xuất thì bị đối tác nước ngoài đánh lỗi là làm không đúng quy định của Bộ luật Lao động” – ông An phân trần. Mặt khác, để giao hàng đúng hẹn, DN buộc phải tăng ca dẫn đến vi phạm thời gian làm thêm, bị cơ quan quản lý phạt. Đại diện VASEP bức xúc: “DN cũng chẳng mặn mà với làm thêm giờ vì phải trả ít nhất 150% lương cho làm thêm giờ bình thường, 215% cho tăng ca vào ban đêm, 300% cho làm thêm vào ngày lễ và 200% làm thêm ngày Chủ nhật. Nhưng nếu không tăng ca, làm thêm giờ thì không kịp đơn hàng”.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch Hiệp hội DN Hưng Yên cho rằng, không chỉ DN cần làm thêm giờ mà chính NLĐ cũng mong muốn được làm thêm để tăng thu nhập: “Trung bình lương mỗi công nhân là 4 triệu đồng/tháng, nhưng làm thêm giờ thì có thể được 7 triệu đồng/tháng nên ai cũng muốn làm thêm. Nếu không được làm thêm ở công ty, hết giờ làm, nhiều lao động lại chạy làm thêm ngoài để trang trải cuộc sống. Trong khi chủ DN loay hoay vì thiếu lao động”. Cũng theo ông Dương, các nhà làm luật nên thay đổi quan điểm: “Giờ đây, NLĐ không còn ở thế yếu như trước, họ được quyền chọn chủ lao động. Hiểu như vậy thì sẽ có hướng sửa đổi Luật Lao động phù hợp hơn với thực tế”.

Các DN kiến nghị nên chỉnh sửa để bảo đảm số giờ làm thêm của NLĐ không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong một ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày; không quá 50 giờ/tháng và không quá 500 giờ/năm.

Nên cân nhắc tăng lương tối thiểu vùng

Một số DN cho rằng, Chính phủ và Hội đồng Tiền lương quốc gia cần cân nhắc kỹ việc tăng lương tối thiểu vùng, vì tăng lương thì các vật giá thiết yếu với người dân cũng tăng từ 20 - 30%. Trong khi đó, DN hiện đã trả lương cao hơn mức tối thiểu vùng. Việc tăng lương tối thiểu khiến cho DN phải tăng chi phí đóng BHXH và phí Công đoàn. Làm một phép tính ở Tập đoàn Chế biến thủy sản Minh Phú với 15.000 lao động cho thấy, năm 2014, Minh Phú đóng các khoản BHXH, BH y tế, BH tự nguyện theo mức lương tối thiểu vùng II là hơn 113 tỷ đồng. Nhưng năm 2015, số tiền này sẽ lên tới gần 153 tỷ đồng. Phí Công đoàn phải đóng năm 2014 hơn 7,1 tỷ đồng, nhưng năm 2015 khoảng 9,7 tỷ đồng. Như vậy, với mức lương bình quân tại Minh Phú năm 2014 (5,3 triệu đồng/tháng) và 5 tháng đầu năm 2015 (5 triệu đồng/tháng) - cao gần gấp đôi lương tối thiểu vùng thì việc tăng lương tối thiểu vùng không tác động nhiều tới cuộc sống hiện tại của NLĐ mà chủ yếu gia tăng gánh nặng đóng BHXH, BH y tế, BH tự nguyện và phí Công đoàn năm 2015 cho DN (tăng 35%).

Cũng liên quan tới việc đóng BHXH, Luật BHXH 2014 đưa ra quy định từ 1/1/2016 - 1/1/2018, tiền lương đóng BHXH là tiền lương và phụ cấp lương. Nhưng từ 1/1/2018, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH sẽ gồm tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Theo các DN, quy định này không hợp lý và gây rất nhiều khó khăn khi tính toán mức đóng vì phụ cấp lương và các khoản bổ sung sẽ thay đổi phụ thuộc vào năng suất, chất lượng lao động, tình hình sản xuất, kinh doanh của DN. Đặc biệt, trong bối cảnh các DN còn đang chật vật thì tăng mức đóng sẽ là tăng thêm gánh nặng cho DN.

Lắng nghe các kiến nghị của DN về chính sách lao động, tiền lương và BHXH, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân khẳng định những ý kiến xác đáng của DN sẽ được Bộ tiếp thu và kiến nghị Chính phủ và Quốc hội điều chỉnh trên tinh thần là bảo vệ quyền lợi NLĐ và hài hòa lợi ích của DN. Các ý kiến khác cũng sẽ được Bộ trả lời, giải thích cụ thể.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần