Doanh nghiệp toàn cầu xoay xở trước làn sóng thuế quan mới của Mỹ
Kinhtedothi - Các tập đoàn trên thế giới đang đối mặt với tình trạng bất định chưa từng có khi chính quyền Mỹ tuyên bố áp thuế quan mới lên hàng loạt mặt hàng nhập khẩu.

Nhiều doanh nghiệp phải đưa ra phương án thích nghi với mức thuế quan mới. Ảnh: ShutterStock
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch, động thái này được ví như một “cơn địa chấn chính sách” khiến các doanh nghiệp lớn nhỏ phải gấp rút điều chỉnh chiến lược. Việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng, tăng giá bán hoặc dịch chuyển sản xuất ra khỏi các quốc gia chịu ảnh hưởng đang trở thành những lựa chọn buộc phải tính đến. Dù nhiều tập đoàn đã quen với việc đối phó rủi ro chính trị và thị trường, cường độ và quy mô của các chính sách thuế lần này được đánh giá là vượt ngoài dự đoán.
Ngành ô tô là một trong những lĩnh vực bị tác động trực diện và mạnh mẽ nhất. Tập đoàn Jaguar Land Rover, biểu tượng công nghiệp xe hơi của Vương quốc Anh, đã ra quyết định tạm ngừng xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong bối cảnh chưa thể xác định rõ thiệt hại cụ thể từ thuế suất 25%. Việc đưa xe đến Mỹ trong thời điểm hiện tại sẽ khiến giá bán đội lên mức khó cạnh tranh, ảnh hưởng đến lượng tiêu thụ và tiềm năng mở rộng thị phần. Trong khi đó, tập đoàn Stellantis đã có động thái cứng rắn hơn khi thông báo tạm dừng hoạt động một số nhà máy tại khu vực Bắc Mỹ. Cùng với việc cho nghỉ việc tạm thời hàng loạt công nhân, Stellantis cho biết họ sẽ đánh giá lại toàn bộ kế hoạch sản xuất trong thời gian tới nếu bối cảnh thương mại vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.
Tại Mỹ, các công ty trong lĩnh vực thời trang cũng bắt đầu thể hiện quan ngại. Nike, Gap và Ralph Lauren đang chứng kiến giá cổ phiếu tụt dốc nhanh chóng trên sàn chứng khoán. Sự bất ổn đến từ khả năng tăng giá bán sản phẩm do chi phí nhập nguyên vật liệu và phụ kiện tăng theo thuế, trong khi người tiêu dùng Mỹ ngày càng nhạy cảm với giá cả. Báo cáo từ Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ cho thấy hơn 70% doanh nghiệp ngành này đang đối mặt với nguy cơ cắt giảm lao động hoặc đóng cửa một phần hệ thống phân phối. Đặc biệt, các thương hiệu phụ thuộc vào sản xuất gia công tại Trung Quốc và Đông Á đang bị ảnh hưởng rõ rệt, do phần lớn sản phẩm không thể chuyển hướng trong thời gian ngắn.
Ngành công nghệ, vốn có khả năng linh hoạt, cũng đang rơi vào thế bị động. Hãng trò chơi điện tử và thiết bị Nintendo vừa tuyên bố tạm hoãn kế hoạch đặt hàng trước cho máy chơi game Switch 2 tại thị trường Mỹ. Mặc dù ngày ra mắt chưa thay đổi, nhưng mức thuế 24% áp lên thiết bị điện tử buộc công ty phải tính toán lại mức giá cuối cùng, điều chỉnh chiến dịch truyền thông và xem xét chuyển một phần sản xuất sang các quốc gia chưa bị ảnh hưởng bởi thuế quan. Một số tập đoàn công nghệ lớn khác cũng đã bắt đầu đánh giá lại chuỗi cung ứng toàn cầu, tìm kiếm cơ sở sản xuất tại Ấn Độ, Việt Nam và khu vực Đông Nam Á như một phương án thay thế lâu dài.
Trên phương diện rộng hơn, các chuyên gia cảnh báo chính sách thuế mới của Mỹ có thể tạo ra hiệu ứng domino đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc hàng hóa bị kẹt tại cảng, chi phí logistics tăng cao và tiến độ giao hàng bị ảnh hưởng đang khiến các nhà bán lẻ và nhà nhập khẩu rơi vào tình thế khó khăn.
Tình trạng thiếu hụt hàng hóa cục bộ có thể xảy ra, đặc biệt với các mặt hàng phụ thuộc vào linh kiện hoặc thành phẩm từ Trung Quốc. Trong khi đó, thị trường tài chính quốc tế cũng ghi nhận những phản ứng mạnh mẽ. Giá dầu thô giảm sâu, và các chỉ số chứng khoán tại Tokyo, Frankfurt, New York dao động lớn theo từng tuyên bố mới từ Washington.
Về phía chính phủ các nước, phản ứng bắt đầu có xu hướng rõ ràng hơn. Liên minh châu Âu cho biết họ đang đề xuất một số phương án giảm thuế công nghiệp để giữ chân đầu tư và duy trì quan hệ thương mại ổn định với Mỹ. Tuy nhiên, Liên minh Châu Âu cũng không loại trừ khả năng áp dụng các biện pháp đối phó nếu Mỹ tiếp tục mở rộng quy mô thuế quan sang các lĩnh vực khác.
Tại châu Á, Trung Quốc đưa ra thông điệp cứng rắn, tố cáo Mỹ đang thực hiện chính sách “áp đặt đơn phương” và cam kết sẽ đưa ra phản ứng tương xứng. Một số quốc gia đang phát triển như Indonesia, Thái Lan và Mexico thì nhân cơ hội này để thu hút vốn đầu tư từ các công ty có nhu cầu dịch chuyển sản xuất.

Giá dầu sẽ sớm đảo chiều dù đối mặt bất ổn thuế quan của Mỹ?
Kinhtedothi - Giá dầu vừa chứng kiến tuần lao dốc thứ 7 liên tiếp - chuỗi giảm giá dài nhất kể từ tháng 11/2023. Tuy nhiên, theo Rystad Energy, xu hướng giảm giá này chỉ là tạm thời.

OECD: kinh tế toàn cầu suy giảm do thuế quan của Mỹ
Kinhtedothi - Tổ chức này nhận định các chính sách thuế quan của ông Trump sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu.

Kỳ vọng vào thuế quan mềm mỏng hơn, S&P 500 tăng 3 phiên liên tiếp
Kinhtedothi - Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ tiếp tục đi lên trong bối cảnh giới đầu tư đã có kỳ vọng lớn hơn vào lập trường chính sách thương mại linh hoạt hơn từ chính quyền Tổng thống Donald Trump vào tuần tới.