Doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tham gia đấu thầu mua sắm công

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi tham gia đấu thầu mua sắm công tại địa phương. Đây là nội dung trong báo cáo khảo sát được công bố tại Hội thảo “Đấu thầu mua sắm công từ góc nhìn của doanh nghiệp”.

Sự kiện do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức ngày 16/6, với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Úc.

Phó Tổng Thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn và Phó Trưởng Đại diện Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) Patrick Haverman điều hành Hội thảo. Ảnh: Khắc Kiên
Phó Tổng Thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn và Phó Trưởng Đại diện Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) Patrick Haverman điều hành Hội thảo. Ảnh: Khắc Kiên

Doanh nghiệp còn e dè

Phó Tổng Thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn cho biết, nghiên cứu này nhằm tìm hiểu những vấn đề vướng mắc cụ thể mà cộng đồng doanh nghiệp đang gặp phải, khi tham gia hoạt động đấu thầu mua sắm công tại địa phương. Từ đó, tìm kiếm giải pháp tháo gỡ, khắc phục, góp phần tăng cường tính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả pháp luật về đấu thầu mua sắm công và công tác thực hiện, đồng thời góp phần cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Báo cáo khảo sát tập trung đánh giá 2 vấn đề chính trong mua sắm đấu thầu công, gồm: Đánh giá của doanh nghiệp về quá trình thực hiện thủ tục đấu thầu mua sắm công tại địa phương; đánh giá việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. 

Thực tế cho thấy, những khó khăn mà doanh nghiệp thường gặp nhiều nhất bao gồm thời gian chuẩn bị (nộp) hồ sơ dự thầu quá ngắn, thư mời thầu không công bố rộng rãi, điều kiện thực hiện hợp đồng quá khó, tiêu chuẩn về năng lực và kinh nghiệm nhà thầu khó bất thường, tiêu chí phụ không thỏa đáng, khó/không mua được hồ sơ mời thầu. Các vấn đề khó khăn càng phổ biến hơn đối với doanh nghiệp tham gia các gói đấu thầu của những cơ sở y tế công lập.

Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn còn e dè khi kiến nghị xem xét lại kết quả lựa chọn nhà thầu và những vấn đề liên quan. Với những doanh nghiệp lựa chọn gửi kiến nghị, khiếu nại, tố cáo khi có vướng mắc, kết quả khảo sát cho thấy dường như các doanh nghiệp lâu năm được giải quyết vướng mắc thỏa đáng hơn so với các doanh nghiệp mới thành lập. 

Một trong những nguyên nhân chủ yếu tại sao doanh nghiệp lựa chọn giải pháp không kiến nghị xem xét lại khi có vướng mắc, theo ông Đậu Anh Tuấn, là do e ngại thủ tục kiến nghị phức tạp. Các lý do khác được doanh nghiệp đưa ra bao gồm chi phí, công sức kiến nghị tốn kém so với lợi ích thu lại, lo ngại bị đối xử bất công trong tương lai, chưa tin tưởng vào việc giải quyết kiến nghị của bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền và xử lý tố cáo của cơ quan quản lý Nhà nước.

Phó Trưởng Đại diện Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) Patrick Haverman nhấn mạnh, nâng cao tính minh bạch và đẩy mạnh quá trình số hóa trong hoạt động đấu thầu công, bao gồm trong lĩnh vực y tế là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam nhằm đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững. Điều này càng quan trọng hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 để giúp ứng phó một cách hiệu quả đối với khủng hoảng và phục hồi kinh tế nhanh chóng sau đại dịch.

“Doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong thúc đẩy những thông lệ tốt về quản trị doanh nghiệp, nâng cao tính minh bạch và liêm chính doanh nghiệp” - ông Patrick Haverman nhấn mạnh.

Các diễn giả chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên
Các diễn giả chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên

Ở đâu có ép giá, ở đó không có chất lượng

 

Báo cáo khảo sát gần 10.000 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành trong năm 2021 nhằm tìm hiểu trải nghiệm và cảm nhận của các doanh nghiệp về hoạt động đấu thầu mua sắm công tại địa phương, trong đó có lĩnh vực y tế công. Báo cáo sử dụng dữ liệu điều tra với các câu hỏi được lồng ghép vào khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021 - một điều tra doanh nghiệp thường niên quy mô lớn do VCCI triển khai trong nhiều năm qua tại Việt Nam.

Chia sẻ về vấn đề, PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho hay, đấu thầu là để lựa chọn người làm phù hợp đưa ra sản phẩm, công trình chất lượng. Do đó, luật cần minh bạch và làm rõ sản phẩm xây dựng không thể đồng nhất với các sản phẩm khác. Sản phẩm xây dựng khác ô tô, khác thuốc. Bởi sản phẩm xây dựng là sản phẩm trong khi đấu thầu chưa có sản phẩm, nhưng thuốc, hay ô tô là đã có sản phẩm.

Trước thầu có gói kỹ thuật và gói giá. Cuối cùng thắng lợi vẫn phụ thuộc gói giá. Ở đâu có ép giá, ở đó không có chất lượng. “Là sản phẩm trong tương lai, thời điểm đấu thầu chưa biết sản phẩm sẽ như thế nào, nên nếu đấu giá sản phẩm xây dựng thì không hợp lý. Các nước họ chọn chỉ số tổng hợp. Cần có quy trình và các bước phù hợp cho sản phẩm xây dựng” - vị này nói.

Đồng thời cho rằng, về tiêu chí cần phải được đổi mới. Hiện nay quá chú trọng về tiêu chí truyền thống, nên có những doanh nghiệp mới thành lập 5 năm, nếu cứ có điều kiện truyền thống sẽ không có được sự đột phá. Quan trọng là con người, chọn trang thiết bị kỹ thuật chứ không phải nên chọn số năm mà doanh nghiệp/nhà thầu đó đã hoạt động.

“Kinh nghiệm không phải là số năm hoạt động mà phải là những sản phẩm nào đã làm ra. Có 2 tiêu chí quan trọng đó là con người và năng lực quản trị. Quản lý khoa học tạo ra năng suất chất lượng và giảm thiểu các vấn đề không mong muốn. Iso 9000 chính là công cụ tốt” - ông Trần Chủng chỉ ra.

Tiêu cực sẽ không xuất hiện nếu làm tốt quản lý sau đấu thầu. Người Nhật kiểm soát thi công hầm Hải Vân, khi nhà thầu chọn chỉ huy công trình uy tín, nhưng khi thi công lại không phải người đó. Vị này dẫn dụ, có công trình năm 1998 đã sụp đổ, 20 người làm, 6 chết, 11 bị thương, bởi trong hồ sơ đều là công nhân chuyên nghiệp, nhưng thực tế chỉ có 2 người có chuyên môn, chứng chỉ, còn lại là nông dân đi làm thợ, tháo dỡ công trình không đúng quy trình kỹ thuật. Do vậy, cần thêm phân khúc đấu thầu nhà đầu tư. Trước đây ta đấu thầu người làm thuê, nay cần đấu thầu ông chủ đó là những nhà đầu tư.

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm mua sắm thuốc tập trung quốc gia Nguyễn Thị Ngọc Bảo cho rằng, theo báo cáo hơn 50% doanh nghiệp đấu thầu y tế phản ánh có tiêu cực cho chi phí, nhưng lại chưa biết có tiêu cực nào cả. Luật Đấu thầu cơ bản đã đầy đủ. Vậy vì sao vẫn có những vụ việc mà cơ quan công an phải tham gia? Gần đây, Trung tâm phải tiếp 4 đoàn, là kiểm toán, thanh tra, Ủy ban Kiểm tra T.Ư và C03 (Bộ Công an) trên cơ sở thanh tra Chính phủ kiến nghị vào cuộc. 4 đoàn đều kết luận không vấn đề. C03 vào cuộc vì một doanh nghiệp có thư giả giá 3,9 tỷ đồng, ký và không đóng dấu... Vẫn chấp nhận thư giả giá vì làm lợi cho ngân sách Nhà nước. Nhưng Ủy ban Kiểm tra nói luật để làm gì, theo luật thì phải loại nhà thầu này. “Tôi chấp nhận phạm luật để làm lợi cho Nhà nước 3,9 tỷ đồng. Tiêu chí đầu thầu là công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Nhưng vấn đề là phải an toàn. Nếu lợi nhà thầu 3,9 tỷ đồng, số tiền rơi vào túi ai. Do đó, chưa đến mức phải sửa luật” - bà Ngọc Bảo nêu quan điểm.

Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, đấu thầu mua sắm công nảy sinh nhiều vấn đề thực tế, như chưa đồng bộ giữa Luật Đấu thầu với các luật khác. Theo rà soát của VCCI, có sự chồng chéo với luật khác tương đối lớn. Quy trình đấu thầu khiến đầu tư công chậm, đấu thầu chưa thực sự thuận lợi… Thời gian vừa qua mức độ canh trạnh, minh bạch, công tác giám sát còn hạn chế dẫn đến nhiều vụ tiêu cực. Kỳ họp thứ tư tháng 10 này sẽ bàn Luật Đấu thầu sửa đổi. Quốc hội đã bổ sung vào kỳ họp 2023. Dự kiến thông qua vào kỳ họp thứ 5, tháng 5/2023. Vì vậy, việc tổng kết đánh giá thực hiện Luật rất cần thiết để xem có điều gì cần khắc phục.

 

Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc chuyển biến toàn diện công tác đấu thầu, nâng cao công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, hoạt động đấu thầu mua sắm công đã nảy sinh không ít vấn đề khiến việc sửa đổi Luật Đấu thầu trở nên rất cấp thiết.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần