Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (15/4), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Báo cáo Thường niên Doanh nghiệp Việt Nam 2014.

Doanh nghiệp Việt: Giảm về lượng, tăng về chất

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đánh giá: Doanh nghiệp Việt Nam vừa trải qua cuộc thăng trầm của những năm vừa qua, năm 2014 đã có dấu hiệu phục hồi nền kinh tế, công cuộc tái cấu trúc doanh nghiệp đã có những khởi động bước đầu. Tuy nhiên, bước sang đầu 2015, tình hình doanh nghiệp vẫn rất khó khăn. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động, đóng của, giải thể vẫn cao, tỷ lệ tăng trưởng doanh nghiệp vẫn thấp.

Chứng minh đánh giá này, ông Lộc cho biết, trước đây, tăng trưởng doanh nghiệp trung bình khoảng 20%/năm, nhưng nay chỉ đạt khoảng 7-8%/năm. Bên cạnh đó, quy mô trung bình của doanh nghiệp không được cải thiện trong nhiều năm, thậm chí còn nhỏ đi. Doanh nghiệp Việt có hội chứng quy mô nhỏ. Hơn nữa, phần lớn các đơn vị kinh doanh ở Việt Nam hoạt động phi chức thức.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Điều này nảy sinh một thực tế đáng buồn, theo ông Lộc, “Việt Nam đang thiếu đội ngũ doanh nghiệp đủ lớn để có thể kết nối, gắn với các chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là một hạn chế lớn của doanh nghiệp Việt. Qua mấy chục năm đổi mới, Việt Nam mới chỉ có khoảng 2% doanh nghiệp cỡ vừa. Đây là vấn đề lớn cho nền kinh tế”.

Đại diện nhóm nghiên cứu Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2014 của VCCI, ông Lương Minh Huân, cho biết: Năm 2014, cả nước có 74.842 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 432.286 tỷ đồng, giảm 2,7% về số doanh nghiệp và tăng 8,4% về số vốn đăng ký so với năm 2013. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp năm 2014 đạt 5,8 tỷ đồng, tăng 11,5% so với 2013. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới năm 2014 là 1,091 triệu lao động, tăng 2,8% so với năm 2013.

Bên cạnh những con số điểm sáng nêu trên, số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể năm 2014 vẫn khá lớn, tăng tới 11,7% so với năm 2013, tương ứng 67.823 doanh nghiệp. Đáng chú ý, theo ông Huân, xét theo quý, số lượng doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động có xu hướng tăng lên trong năm 2014. Trong đó, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động các quý của năm 2014 đều tăng so với năm 2011-2013. Kết quả này cho thấy, “năm 2014 vẫn tiếp tục là một năm đầy khó khăn với đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam, mặc dù môi trường kinh doanh đã có nhiều cải thiện”- ông Huân nhấn mạnh.

Sự cải thiện môi trường kinh doanh, ông Huân cho rằng, nó được thể hiện qua việc xét trên khía cạnh quy mô vốn, doanh nghiệp thành lập mới năm 2014 đã tăng hơn cùng kỳ năm 2013. Điều đó cũng cho thấy, môi trường kinh doanh được cải thiện đã tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh. Thực tế, năm qua, 22.758 lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm là hơn 595.000 tỷ đồng. Nhờ đó, tổng vốn đăng ký mới và bổ sung thêm vào nền kinh tế năm qua là hơn 1,027 triệu tỷ đồng. Tức là doanh nghiệp thành lập mới giảm đi về số lượng, nhưng lại tăng về chất.

Cần hệ thống chính sách đủ sức hỗ trợ doanh nghiệp lớn dần lên

Kết quả khảo sát về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2014 và dự cảm năm 2015 của VCCI cho thấy, tình hình sản xuất kinh doanh chung của doanh nghiệp năm 2014 đã cải thiện hơn so với năm 2013. Sự cải thiện này là kết quả của các yếu tố thành phần, trong đó có mức độ cải thiện chủ yếu ở tổng doanh số, lượng đơn đặt hàng, năng suất lao động.

Các doanh nghiệp cũng dự cảm rằng, tình hình sản xuất kinh doanh năm 2015 sẽ tốt hơn năm 2014. Nguyên nhân là do tất cả các yếu tố thành phần (tổng doanh số, giá bán bình quân, lợi nhuận trên đơn vị sản phẩm, hiệu suất sử dụng máy móc, số lượng công nhân viên, năng suất lao động bình quân, lượng đơn đặt hàng) đều được dự cảm tốt lên, bao gồm cả yếu tố lợi nhuận.

Trong số các yếu tố tác động đến tình hình sản xuất kinh doanh, việc tiếp cận vốn vay năm 2014 được doanh nghiệp đánh giá đã dễ dàng hơn rất nhiều, gồm lãi suất vay mềm hơn, thủ tục vay vốn và điều kiện được vay vốn của ngân hàng được thông thoáng hơn. Các doanh nghiệp dự cảm yếu tố này sẽ được cải thiện lớn trong năm nay.

Bên cạnh đó, điều kiện tiếp cận thông tin về thị trường và công nghệ, hạ tầng tiện ích, hạ tầng giao thông… vẫn tiếp tục là yếu tố được cải thiện với mức cải thiện nổi trội. Nhu cầu thị trường quốc tế và trong nước đều được cải thiện, nhưng nhu cầu trong nước cải thiện yếu hơn so với thị trường quốc tế.   

Một trong những yếu tố rất quan trọng tác động đến điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp là môi trường chính sách và điều hành vĩ mô. Qua khảo sát cho thấy, năm 2014 chính sách đã có sự cải thiện đáng kể so với năm 2013. Điều này thể hiện qua sự cải thiện các quy định pháp lý, hiệu lực thực thi chính sách, thủ tục hành chính liên quan tới doanh nghiệp; sự cải thiện trong thái độ, ý thức trách nhiệm của các cán bộ công quyền, sự ổn định của môi trường pháp lý và điều hành kinh tế. Trong đó, mức độ cải thiện các thủ tục về thuế và hải quan là lớn nhất.

Với thực tế này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, khẳng định: Chính sách liên quan đến doanh nghiệp rất quan trọng. Việt Nam rất cần hệ thống chính sách có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp lớn dần lên, trưởng thành lên. Vì hiệu quả, chất lượng doanh nghiệp hiện còn chuyển biến rất chậm… trong đó, có cả nguyên nhân do trình độ quản trị doanh nghiệp, khả năng tiếp cận công nghệ còn yếu. Để giải quyết vấn đề này, ông Lộc cho là cần thời gian, không thể trong ngày một ngày hai. Dù hiện tại chúng ta đã có thể kỳ vọng thủ tục hành chính được đơn giản hóa, môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Nhưng như thế chưa đủ, mà rất cần chính sách có hệ thống, đồng bộ để có thể hỗ trợ giải quyết vấn đề này”./.