Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp Việt làm chủ sân nhà

Thuần Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh ngành gọi xe gặp nhiều thách thức, phải cạnh tranh với những nền tảng đa quốc gia có vốn hóa hàng chục tỷ USD, Be vẫn mạnh mẽ vươn lên, cạnh tranh sòng phẳng. Và Be đang trên đà trở thành đại diện tiêu biểu của xu hướng mobility tại Việt Nam.

Thành công vì nắm bắt được xu thế
CEO Be Group Nguyễn Hoàng Phương cho hay, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, để khẳng định vị thế của mình trong thập kỷ tiếp theo, rõ ràng Việt Nam phải “mở” trong tâm thế làm chủ được thị trường nội địa. "Chúng tôi nhận ra, nếu DN Việt Nam không tự đứng lên làm chủ những mảng kinh doanh quan trọng thì không thể làm chủ ngay trên trên sân nhà" - CEO Be Group Nguyễn Hoàng Phương nói.
 Lễ bế giảng khóa huấn luyện tài xế công nghệ chuyên nghiệp.
Về sản xuất hàng hóa tiêu dùng, Việt Nam có thể mua máy móc, thiết bị nhập từ nước ngoài để tiết kiệm thời gian nghiên cứu, chế tạo, tận dụng thành tựu của thế giới. Nhưng về công nghệ số, để làm chủ thực sự, chỉ có một cách duy nhất là tự xây dựng mọi thứ. Và điều cộng đồng DN rất vui mừng khi trong vòng hơn một năm trở lại đây, Chính phủ đã có những chủ trương sáng suốt về mô hình kinh tế nền tảng (ví như: Quyết định 999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 8/2019 về việc thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ; Nghị quyết 52 vào tháng 9/2019 của Bộ Chính trị, nhấn mạnh phải coi việc chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội để Việt Nam bứt phá; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/1/2020 về thúc đẩy phát triển DN công nghệ số Việt Nam...).

"Đây là thông điệp truyền cảm hứng rất nhiều cho đội ngũ Be, một ứng dụng hoàn toàn thuần Việt. Đội ngũ sáng lập và phụ trách công nghệ của ứng dụng Be hoàn toàn là người Việt Nam. Chúng tôi mong muốn thu hút và phát triển nguồn nhân lực Việt chất lượng cao, đóng góp cho quá trình nâng tầm chất lượng công nghệ của đất nước. Trong bối cảnh đó, Be Group nhận thức được con đường của mình phải là đầu tàu trong hệ sinh thái mở của Việt Nam. Trong hai năm qua, dù còn nhỏ bé, nhưng chúng tôi tự phát triển ứng dụng, tự nghiên cứu phát triển bản đồ số thuần Việt, tự đào tạo đội ngũ nhân sự công nghệ người Việt. Và đang nỗ lực xây dựng hệ sinh thái mở để cùng các DN Việt Nam phát triển. Và hai năm qua, thực tế đang chứng minh chúng tôi đi đúng hướng" - CEO Nguyễn Hoàng Phương chia sẻ.

Bằng chứng cụ thể, ứng dụng gọi xe lăn bánh trên thị trường từ tháng 12/2018, đến tháng 6/2019, Be đã nắm giữ vị trí thứ 2 về thị phần gọi xe công nghệ Việt Nam. Đến nay, ứng dụng này đã được tải về hơn 10 triệu thiết bị di động, tạo việc làm cho 100.000 tài xế trên toàn quốc. Be Group trở thành công ty gọi xe đầu tiên đạt điểm hòa vốn kinh doanh chỉ sau hai năm hoạt động, và đang trên đà phát triển thành một đại diện tiêu biểu của xu hướng mobility trong bối cảnh mới.
 Be bắt tay cùng Vinataxi triển khai dịch vụ beTaxi với hai lựa chọn 4 chỗ và 7 chỗ cho khách hàng tại TP Hồ Chí Minh.
Cách làm của Be là trở thành một nền tảng mở để có thể nhanh nhất kết hợp được nguồn lực của các đối tác cùng tham gia vào nền tảng. Ngoài ra, các đối tác cũng có thể tận dụng hệ thống giải pháp và tập khách hàng lớn của Be để cung cấp dịch vụ. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước khó khăn vì dịch bệnh, thì việc các đối tác, thậm chí đối thủ cùng bắt tay nhau để cung cấp dịch vụ cho khách hàng chính là cốt lõi cho sự sống còn của DN.

Be đang lấy kim chỉ nam là nền tảng mở

Hiện tại, Be đang lấy kim chỉ nam là nền tảng mở để áp dụng cho kế hoạch phát triển trong các năm sắp tới, với 3 định hướng phát triển: Vận tải hành khách, Hợp tác với các hãng hàng không, các chuỗi khách sạn, các công ty xe buýt, metro, tàu hỏa, xe khách liên tỉnh (Vexere); Hình thức thanh toán không tiền mặt đa dạng nhất trên thị trường.

Dẫu có những thành tựu nhất định, song với một DN trẻ như Be Group cũng nhận ra không ít khó khăn, thách thức phía trước. Một là phải trực tiếp cạnh tranh với các đối thủ đa quốc gia có thâm niên phát triển, có số vốn hóa hàng tỷ đô la, gấp hàng chục lần nội lực của Be Group; Hai là ngay từ ngày đầu thành lập, Be đã đăng ký là công ty vận tải công nghệ, hoạt động theo quy định dành cho một công ty vận tải, nhiều ràng buộc hơn so với đối thủ.

Vì vậy, lãnh đạo của Be Group cũng như nhiều chuyên gia đều cho rằng, để các DN công nghệ Việt phát triển bền vững, Chính phủ cần tiếp tục tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các DN công nghệ trong nước phát triển mạnh mẽ để có thể làm chủ thị trường nội địa, từng bước hội nhập khu vực một cách thuận lợi và có chiều sâu.
Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ tốt hơn cho việc thu hút vốn đầu tư của các DN Start-ups và tạo điều kiện hơn nữa để các DN công nghệ nội địa đạt chuẩn tham gia vào các dự án của Chính phủ, bộ ngành, góp phần chung tay cùng Chính phủ thực hiện các mục tiêu quốc gia về chuyển đổi số.
Cùng với đó, khuyến khích sự liên kết trong cộng đồng DN Việt Nam để nhanh chóng tạo ra những đại thụ đủ năng lực cạnh tranh với các công ty nước ngoài, không để mất thị trường nội địa, không để người Việt là người làm thuê, không để bị thâu tóm dữ liệu, về lâu dài ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Công ty CP Be Group, startup công nghệ Việt Nam, khởi nghiệp trong lĩnh vực vận tải công nghệ với ứng dụng gọi xe Be cung cấp nhiều dịch vụ. Hiện nay, ứng dụng gọi xe Be đã được tải xuống 10 triệu thiết bị di động với 100.000 tài xế, khoảng 350.000 chuyến xe được yêu cầu mỗi ngày. Theo báo cáo từ Công ty Nghiên cứu thị trường ABI Research tại Việt Nam (2019, 2020), Be Group hiện vươn lên vị trí số hai và là DN Việt duy nhất trong top 3 những ứng dụng gọi xe phát triển nhất trên thị trường.