Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng trước các mức thuế đối ứng của Mỹ sau ngày 9/7

Kinhtedothi - Trước thông tin mới về thoả thuận thương mại Mỹ - Việt, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi kịch bản có thể xảy ra. Trong bất kỳ tình huống nào, các DN luôn xác định nguyên tắc không “bỏ trứng vào một giỏ”.

Thủy sản, đồ gỗ tăng tốc xuất khẩu

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 5 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng trưởng ấn tượng đạt 4,2 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo, trong 6 tháng đầu năm sẽ đạt khoảng 5,1 - 5, 2 tỷ USD.

Các doanh nghiệp thuỷ sản đang tập trung xuất khẩu trước khi thuế đối ứng mới áp dụng từ ngày 9/7. Ảnh minh hoạ

Thông tin thêm, Phó Tổng thư ký VASEP Lê Hằng cho biết, kể từ tháng 4, khi chính sách thuế đối ứng của Mỹ bắt đầu nổi lên, các DN tập trung vào xuất khẩu trước khi thuế đối ứng áp dụng ở mức cao hơn từ ngày 9/7. Do đo, nhu cầu từ các thị trường đều sự tăng tốc mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm có duy trì mức tăng trưởng này không thì phụ thuộc vào kết quả đàm phán thuế đối ứng với Mỹ.

“Ở kịch bản khả quan, thuế đối ứng được mức 10% trở xuống, xuất khẩu của ngành thuỷ sản sẽ đạt mức trên 10 tỷ USD. Trong trường hợp thuế đối ứng cao hơn 10%, ngành thủy sản sẽ khó khăn hơn “thuế chồng thuế”. Ngoài thuế đối ứng còn thuế chống bán phá giá với tôm. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sẽ chỉ đạt mức 9 tỷ USD” – bà Lê Hằng dự báo.

Tương tự, đến hết tháng 5/2025, ngành công nghiệp gỗ đã xuất khẩu được gần 7 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2024. Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài nhận định, dù không tăng trưởng cao như mọi năm, song trong bối cảnh như hiện nay kết quả này là chấp nhận được.

Trước đó, các DN rất lo lắng thuế đối ứng từ Mỹ sẽ tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam. Tuy vậy, do kỳ hoãn thuế đối ứng 90 ngày nên các DN cũng tranh thủ xuất khẩu. Trong khi chờ đợi kết quả đàm phán, các DN gỗ đã và đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sang các nước như Australia, Trung Đông và New Zealand nhằm tránh "bỏ trứng vào một giỏ". Tuy vậy, khối lượng gia tăng vào các thị trường này rất là khiêm tốn nên khó có thể bù đắp được thị trường từ Mỹ.

“Hiện các DN trông đợi rất nhiều kết quả đàm phán giữa hai Chính phủ. Chúng tôi kỳ vọng hai bên tìm được tiếng nói chung minh bạch, công bằng đảm bảo các DN gỗ ko bị thua thiệt với các DN cùng ngành hàng ở các nước khác.” – ông Ngô Sỹ Hoài bày tỏ.

Đa dạng thị trường và sản phẩm

Chia sẻ về tình hình xuất khẩu, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết, sau đợt yêu cầu tăng năng lực sản xuất để giao hàng trước ngày 9/7, các đối tác từ Mỹ đang có tâm lý chờ đợi thông tin áp thuế để quyết định đơn hàng sản xuất của nửa cuối quý III và quý IV.

Dây chuyền sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng Công ty May 10. Ảnh: Đức Hiếu

Tuy nhiên, với tỷ trọng xuất khẩu lớn, Mỹ là thị trường rất khó để thay thế. Vì vậy, để hạ giá thành trong trường hợp thuế đối ứng vẫn ở mức cao, DN tập trung vào tăng năng suất lao động thông qua đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao và đầu tư vào thiết bị hiện đại.

Cụ thể, DN đầu tư vào những máy lập trình gần như tự động hoàn toàn có thể tăng năng suất từ 20 - 30%. Cùng với đó, DN cũng tập trung vào giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất gồm có định mức nguyên vật liệu, định mức thời gian chế tạo ra sản phẩm cần thiết. Điều này sẽ giúp giảm giá thành sản xuất cũng như giảm áp lực giảm giá từ phía khách hàng.

Đặc biệt, DN đang nỗ lực đa dạng nguồn cung ứng nguyên phụ liệu, trong đó mua những vải có xuất xứ nguồn gốc bông từ Mỹ. Bởi, khi chứng minh được sản phẩm làm từ vải nguồn gốc từ Mỹ thì là điểm cộng trong việc giảm mức thuế nhập khẩu vào nếu thuế đối ứng tăng trong thời gian tới.

Theo Phó Tổng thư ký VASEP Lê Hằng, chuẩn bị cho mọi kịch bản có thể xảy ra, các DN chủ động đa dạng hóa cả thị trường tiêu thụ lẫn danh mục sản phẩm. Trong đó, ASEAN được xem là thị trường tiềm năng đối với ngành thủy sản Việt Nam nhờ vị trí địa lý gần, giúp tiết kiệm chi phí logistics. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn tại đây không quá khắt khe như ở Mỹ hay EU.

Tuy nhiên, nội luật của từng quốc gia ASEAN vẫn đặt ra nhiều thách thức đáng kể. Đó là các yêu cầu về kiểm dịch, ghi nhãn, cũng như chứng nhận Halal đã và đang làm tăng chi phí và kéo dài thời gian xuất khẩu của DN.

Do đó, để giảm thiểu ảnh hưởng từ các rào cản phi thuế quan và tăng khả năng cạnh tranh trong chuỗi cung ứng khu vực, Việt Nam cần song song thúc đẩy cải cách chính sách trong nước và tăng cường năng lực đàm phán quốc tế.

Trích dẫn
Trích dẫn 1

20 giờ ngày 2/7 (giờ Việt Nam), Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump về quan hệ giữa hai nước và đàm phán về thuế đối ứng. Tại cuộc điện đàm, Tổng thống Donald Trump đánh giá cao việc Việt Nam cam kết giành quyền tiếp cận thị trường ưu đãi cho hàng hóa của Mỹ, trong đó có xe ô tô phân khối lớn. Ông khẳng định Mỹ sẽ cắt giảm đáng kể thuế đối ứng cho nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong giải quyết những vướng mắc ảnh hưởng đến quan hệ thương mại song phương, nhất là trong các lĩnh vực mà hai bên ưu tiên.

Chuyển hóa khủng hoảng thành động lực cải cách trước chính sách thuế đối ứng của Mỹ

Chuyển hóa khủng hoảng thành động lực cải cách trước chính sách thuế đối ứng của Mỹ

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ