Tại sự kiện thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) do Alibaba.com phối hợp cùng Cục Xúc tiến Thương mại (Vietrade), BQL Các Khu chế xuất và công nghiệp TP Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, đại diện Alibaba cho biết, các DNVVN Việt Nam lâu nay đã không còn xa lạ với những cụm từ TMĐT và chuyển đổi số. Tuy nhiên, dù rất nhiều DN mong muốn chuyển đổi số, họ vẫn gặp phải những rào cản và thử thách, dẫn đến sự chần chừ và khó khăn để bắt đầu.
Tại Việt Nam, nhiều DNVVN đã thành công khi đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu xuyên biên giới qua các sàn TMĐT. |
“Với kinh nghiệm lâu năm của một sàn TMĐT, chúng tôi biết các nhà cung cấp cần gì để thành công trên sàn Alibaba.com. Chúng tôi tiếp tục mở rộng đầu tư của mình vào Việt Nam để hợp tác với các đối tác địa phương và hơn thế. Trong thế giới TMĐT, không có người chiến thắng tuyệt đối và không có thời điểm tốt nhất để tham gia. Chúng ta chỉ có thể thành công khi thực sự bắt tay vào làm”- ông Roger Lou, Giám đốc quốc gia Alibaba.com Việt Nam cho biết.
Tại Việt Nam, rất nhiều DNVVN đã gặt hái thành công khi đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu xuyên biên giới qua các sàn TMĐT. Đơn cử, trên Alibaba.com, các DN thuộc những lĩnh vực chủ chốt như nông nghiệp, thực phẩm, nhà và làm vườn, may mặc,… đã tìm kiếm được rất nhiều cơ hội đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nền tảng này đã ghi nhận doanh thu 5 triệu đô la (tương đương với 114 tỷ đồng) đến từ ngành hàng Nhà và Làm vườn thông qua xuất khẩu trên TMĐT, hay một công ty thuộc lĩnh vực đóng gói đã mở rộng thị trường xuất khẩu tới hơn 10 quốc gia chỉ nhờ việc áp dụng TMĐT vào kinh doanh. Điều đó cho thấy, mô hình này là phù hợp với năng lực sản xuất và nhu cầu kinh doanh của hầu hết các DN Việt Nam.
Bà Bùi Hồng Hạnh, CEO Công ty Legendary Việt Nam cho biết, có 6 năm hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ chocolate ở thị trường Việt Nam, bắt đầu mở rộng chinh phục thị trường xuất khẩu từ năm 2019 bằng việc đưa sản phẩm lên bán tại Alibaba.com. Sau 2 năm triển khai kênh TMĐT, hiện đã đạt 50 đơn/tháng xuất khẩu mặc dù xảy ra đại dịch.
Theo bà Bùi Hồng Hạnh, các sàn TMĐT là nơi nhanh nhất để nhà sản xuất tương tác với khách hàng. Từ “feedback” của khách hàng, doanh nghiệp có thể nhanh chóng tìm ra nguyên nhân, thay đổi nhà xưởng, xây dựng phòng lab kiểm tra tiêu chuẩn vi sinh, đổ tiền vào máy móc để giảm quá trình thủ công và nhân công trong sản xuất; đầu tư mạnh hơn cho marketing, quảng bá sản phẩm, xây dựng hình ảnh…
Mới đây, phía Alibaba.com Việt Nam đã công bố báo cáo Toàn cảnh chuyển đổi số Việt Nam B2B 2022 và định hướng chiến lược kinh doanh năm 2022 cho các DNVVN. Theo đó, thời gian qua, nền tảng này đã không ngừng hỗ trợ các DNVVN Việt Nam khám phá các cơ hội kinh doanh toàn cầu trực tuyến, đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số để biến những bất ổn của đại dịch thành cơ hội kinh doanh bền vững. Đại diện Alibaba.com nêu rõ những tín hiệu tích cực của xuất nhập khẩu Việt Nam theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đồng thời phân tích ba xu hướng xuất khẩu số nổi bật trong năm 2022, đó là Nông nghiệp, Làm đẹp và Chăm sóc cá nhân, Nhà và Làm Vườn. Cơ hội phát triển kinh doanh trực tuyến của DNVVN Việt Nam từ các ngành nói trên là rất lớn, nhờ có nhu cầu tiêu dùng khổng lồ từ các thị trường quốc tế.
Ngoài ra, ông Roger Lou- Giám đốc quốc gia Alibaba.com Việt Nam cũng tiết lộ kế hoạch của Alibaba.com Việt Nam trong thời gian tới, hướng tới mục tiêu cung cấp các giải pháp kỹ thuật số cho 10.000 DNVVN xuất khẩu thành công thông qua nền tảng vào năm 2025, nâng cao tổng kim ngạch xuất khẩu và quảng bá thương hiệu Việt Nam trên thế giới bằng nguồn lực của nền tảng này. Để đạt được những mục tiêu này, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của các cơ quan chính phủ, hiệp hội ngành hàng, tổ chức thương mại, đối tác trong hệ sinh thái trên khắp Việt Nam. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, ông chia sẻ câu chuyện thành công của hai DNVVN Việt Nam trên nền tảng Alibaba.com thuộc ngành đồ uống và hăm sóc sắc đẹp - chăm sóc cá nhân, nhờ vào việc tận dụng các cơ hội kinh doanh mà nền tảng mang lại.