Doanh nghiệp Việt trước những xu hướng mới trên thế giới

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các doanh nghiệp Việt Nam cần nhìn ra xu thế mới của những thị trường trên thế giới để từ đó nắm bắt những cơ hội mới.

Đó là nhận định chung của các đại biểu trong Tọa đàm các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và doanh nghiệp: "Triển khai Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển lấy doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ - Giải pháp và Hành động" diễn ra sáng 10/12. 
Tọa đàm mở đầu chuỗi các sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, có sự tham dự của các Trưởng Cơ quan đại diện (CQĐD) Việt Nam ở nước ngoài, các Đại sứ, Tổng Lãnh sự mới được bổ nhiệm, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ chủ trì Tọa đàm.
 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại Tọa đàm. 
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ khẳng định, Tọa đàm là sự kiện rất quan trọng và có ý nghĩa trong bối cảnh Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Ngoại giao xác định một trong các đối tượng phục vụ chính trong công tác là cộng đồng doanh nghiệp.
Trong khi đó, quan tâm chính của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là nắm bắt được thời thế, đón chắc cơ hội để thích ứng tốt, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.
Theo đó, hai mục tiêu của tọa đàm là các Trưởng CQĐD Việt Nam ở nước ngoài chia sẻ xu hướng mới về đầu tư, đổi mới sáng tạo, giáo dục đào tạo, tham mưu cho các doanh nghiệp Việt Nam cơ hội để gặt hái thành công.  Đồng thời đây cũng là diễn đàn để thông tin 2 chiều, chia sẻ thông tin để gia nhập thị trường, tìm kiếm đối tác đầu tư vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài.
Theo đại diện Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp là lực lượng, là trung tâm phục vụ phát triển. Trong hoạt động đối ngoại của các đơn vị Bộ Ngoại giao trong nước cũng như 94 CQĐD Việt Nam ở nước ngoài, đối tượng phục vụ chính là doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả DN từ lớn đến nhỏ.
Xuất khẩu sang Mỹ là cơ hội lớn của DN Việt
Trong phát biểu đầu tiên tại phiên thảo luận, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc nhấn mạnh, ngoại giao phục vụ doanh nghiệp trở thành trọng tâm cốt lõi trong hoạt động của các CQĐD tại nước ngoài.
 Đại sứ Hà Kim Ngọc phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: VOV
Trong đó,  Mỹ là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tính đến tháng 11 năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều đã vượt trên 90 tỷ USD và cuối năm sẽ cán mốc 100 tỷ. Trong đó, Việt Nam xuất siêu và con số xuất siêu ngày càng tăng.

Do đó, xuất khẩu sang Mỹ là một cơ hội lớn của doanh nghiệp Việt Nam, thị trường này cũng rất mở cửa.Tuy nhiên, Đại sứ cho biết, các hàng rào kỹ thuật tại thị trường Mỹ cũng được dựng lên ngày càng nhiều, do đó, trong cơ hội luôn tồn tại những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức chú ý. Nhất là các mặt hàng tăng nhanh vào thị trường Mỹ sẽ dễ rơi vào “tầm ngắm”.
Bên cạnh đó, Đại sứ Hà Kim Ngọc nhấn mạnh, thị trường Mỹ rất tiềm năng và có nhu cầu thu hút đầu tư. Các sự kiện thu hút đầu tư được thúc đẩy thường xuyên, hiện nay có 200 dự án đầu tư của Việt Nam vào Mỹ, trong đó có các doanh nghiệp mạnh như Vinfast, An Phát.
Thời gian tới, theo Đại sứ Hà Kim Ngọc, hai lĩnh vực kinh tế mà Việt Nam có thể chú trọng hợp tác với Mỹ là kinh tế số và kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng rất chú trọng 2 lĩnh vực này.
Mở rộng tiềm năng của thị trường Trung Quốc
Chia sẻ về cơ hội, xu hướng mới ở nước ngoài cho các DN Việt Nam của Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai nêu bật một số cơ hội và thách thức với doanh nghiệp. Theo Đại sứ, ít nhất trong vài thập niên tới, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn, quan trọng của Việt Nam. Trung Quốc có ưu thế về vị trí địa lý với Việt Nam, có thị trường nội địa rộng lớn cùng sức mạnh kinh tế lớn. Vì thế, thị trường này rất tiềm năng đối với doanh nghiệp Việt.
Tuy nhiên, để biến những cơ hội đó thành những hiệu quả đầu tư cụ thể, doanh nghiệp Việt Nam cần sớm tìm cách khắc phục một số điểm yếu còn tồn tại.
Thứ nhất, theo Đại sứ, đó là phần giá trị của Việt Nam trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc còn thấp.
Thứ hai, dù Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, song sau 30 năm, sản phẩm của nước ta xuất khẩu sang thị trường này không có hệ thống phân phối riêng và phụ thuộc hoàn toàn vào các doanh nghiệp sở tại.
Thứ ba, hàng hóa Việt Nam xuất sang Trung Quốc vẫn dựa nhiều vào tiểu ngạch, trong khi Trung Quốc đang chuẩn bị thay đổi chính sách quản lý trong lĩnh vực này.

Tận dụng xu hướng đa phương hóa tại Australia

Theo Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành, xu hướng tại Australia hiện nay khá rõ ràng. Đó là chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa. Trong những năm gần đây, Australia tăng cường tìm kiếm các nhà xuất khẩu, các nhà đầu tư, nên có nhiều chính sách hỗ trợ. Nhiều DN Việt Nam đã nhìn thấy chính sách này và đã có bước chuyển lớn.

Xu hướng đa phương đa dạng của Australia là nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Với chủ trương này, Australia tham gia FTA lớn, các chuỗi cung ứng khu vực. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương của Australia, đặc biệt các bang Victoria và Queensland đã nở có văn phòng tại TP HCM.

Hai xu thế lớn cho DN Việt Nam kinh doanh tại nước ngoài

Ông Hà Thế Dương, Phó Tổng giám đốc Viettel Global đã đề cập hai xu thế lớn mà Viettel nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh tại nước ngoài cần quan tâm.

Đầu tiên là chuyển đổi số. Quá trình này đã mở ra nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh và không gian kinh doanh mới. Chuyển đổi số đã giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các start-up trong lĩnh vực công nghệ và áp dụng công nghệ như Uber, Grab, Airbnb, có thể vươn ra thế giới. Đồng thời, nó cũng mở ra nhiều ngành nghề mới như livestreamer, thể thao điện tử.

Chuyển đổi số cũng thu hẹp nhanh chóng khoảng cách giữa các doanh nghiệp, giúp các start-up áp dụng công nghệ để phát triển. Việc áp dụng công nghệ ngay khi triển khai tại thị trường mới đã giúp Viettel nhanh chóng phát triển, dẫn đầu thị trường viễn thông tại 5/10 thị trường. Đồng thời, Viettel cũng đẩy nhanh hoạt động số hóa, phát triển, đồng bộ ứng dụng thành ứng dụng lớn.

Thứ hai, đó là biến động của tình hình thế giới đòi hỏi các doanh nghiệp phải thích nghi tốt hơn trước môi trường mới, dù là bất ổn chính trị, nội chiến hay xung đột. Điều này đòi các doanh nghiệp, trong đó có Viettel, phải thích nghi tốt hơn, nhanh hơn, đặc biệt là thông qua áp dụng sâu sắc công nghệ số, thúc đẩy hỗ trợ phát triển kinh tế số, giao thông số…