Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp xây dựng phục hồi tích cực

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2021, nhiều dự án bị ngưng trệ, cùng với đó là sự thiếu hụt nguồn lao động, gia tăng tiền lương... Thế nhưng, bằng nhiều biện pháp, chính sách thích hợp, từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp xây dựng lấy lại đà phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Từ đầu năm, nhiều DN xây dựng vẫn đang từng bước phục hồi, cố gắng "xây dựng lại tốt hơn sau đại dịch".
Từ đầu năm, nhiều DN xây dựng vẫn đang từng bước phục hồi, cố gắng "xây dựng lại tốt hơn sau đại dịch".

Tín hiệu tích cực

Năm 2021, do giãn cách xã hội nên nhiều dự án bị ngưng trệ, thiếu hụt nguồn lao động, gia tăng tiền lương, giá cả nguyên vật liệu tăng cao, kèm theo các chi phí để thực hiện các yêu cầu về phòng, chống dịch..., nên nhiều công trình thi công chậm tiến độ, tiến độ giải ngân vốn chậm.

Bước sang năm 2022, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, các hoạt động xây dựng trên địa bàn Hà Nội được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn, vì nhiều lý do như thiếu lao động có tay nghề, thiếu vốn, giá VLXD vẫn ở mức cao gây bất lợi.

Đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings, nhà thầu xây dựng lớn tại Việt Nam thừa nhận, lao động đang là vấn đề khiến ban lãnh đạo doanh nghiệp lo lắng, khi mới có được khoảng 70% số nhân công cần thiết.

Theo ông Trần Hồng Phúc - Tổng Giám đốc Phục Hưng Holdings, xây dựng là ngành đặc thù, cơ giới, tự động hóa không hỗ trợ được nhiều nên vẫn cần lượng lao động lớn. Tuy nhiên, hiện đang là thời điểm doanh nghiệp rất khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn lực này.

Với riêng Phục Hưng Holdings, để giải quyết vấn đề lao động, công ty đã thực hiện nhiều giải pháp như trực tiếp xuống địa phương tìm kiếm, tăng cường tuyển dụng thông qua các đơn vị cung ứng lao động, thậm chí còn bố trí xe đưa đón tận nơi, ứng trước tiền lương, cải thiện nơi ăn ở,... nhưng nhiều người vẫn chưa sẵn sàng trở lại thành phố làm việc.

"Chúng tôi đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng kết quả chưa nhiều khả quan, hiện giá nhân công đã tăng cao từ 30 - 40% mà vẫn khó tuyển người. Trước là người lao động tìm doanh nghiệp, giờ thì chúng tôi phải đi tìm lao động, vận động họ làm việc cho mình" - ông Trần Hồng Phúc chia sẻ.

Đáng nói, dù có tuyển được lao động, song vấn đề khác khiến doanh nghiệp đau đầu là chất lượng tay nghề. Đơn cử như tại Phục Hưng Holdings đang phải áp dụng chế độ cầm tay chỉ việc cho người mới theo nguyên tắc “một kèm một” để giúp lao động sớm quen với công việc, nâng cao năng suất.

 

Để kéo người lao động trở lại làm việc thì không chỉ đòi hỏi nỗ lực của các nhà thầu, mà cần có sự chung sức từ nhiều phía, trong đó quan trọng là cần tạo được tâm lý yên tâm cho người lao động. Mặt khác, cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần đẩy mạnh và sâu sát hơn các chương trình hỗ trợ giúp doanh nghiệp nhanh chóng ổn định sản xuất, kinh doanh, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế của đất nước" - Tổng Giám đốc Phục Hưng Holdings Trần Hồng Phúc

Theo ghi nhận, nhiều DN xây dựng vẫn đang từng bước phục hồi, cố gắng "xây dựng lại tốt hơn sau đại dịch". KTS Ngô Tâm - Công ty CP Tư vấn xây dựng COVIC cho biết, cuối năm 2021 đến đầu năm 2022, ngành xây dựng đã khởi sắc do vaccine được tiêm phủ cả nước và chính sách mở cửa trở lại nền kinh tế của Chính phủ.

Dẫu vậy, hiện vẫn còn một số vấn đề khó như nguồn cung cấp VLXD gặp khó, dẫn đến tình trạng tăng giá, gây ảnh hưởng một phần đến các dự án mà DN xây dựng đang triển khai, nhất là dự án ngân sách đã duyệt dự toán.

"Tuy nhiên trong cái rủi cũng có cái may, hàng loạt cơ hội và xu hướng phát triển được khởi tạo từ những thử thách mà ngành xây dựng phải vượt qua. Ví như, các công trình dân dụng (nhà cao tầng, biệt thự ...) đã và đang sử dụng các VLXD mới và đây sẽ là xu hướng tất yếu" - KTS Ngô Tâm phân tích.

Đẩy mạnh các giải pháp phục hồi, phát triển

Các DN đang rất kỳ vọng vào việc Nhà nước xây dựng và triển khai kế hoạch tổng thể phục hồi kinh tế. Đồng thời, mong muốn thực hiện các gói hỗ trợ nhanh, quyết liệt hơn, quy mô lớn hơn để tiếp tục phục hồi, phát triển thuận lợi.

Nhu cầu xây dựng của người dân tăng cao khiến nhiều DN, chủ đầu tư "đau đầu" khi các đội thợ xây thiếu người làm.
Nhu cầu xây dựng của người dân tăng cao khiến nhiều DN, chủ đầu tư "đau đầu" khi các đội thợ xây thiếu người làm.

Ông Nguyễn Huy Quang - chuyên gia xây dựng Công ty TNHH Kiểm toán định giá và Tư vấn Tài chính Việt Nam (Facom) bày tỏ: "Phải có kế hoạch kích thích để cho DN, đặc biệt là khối DN vừa và nhỏ phục hồi lại. Bây giờ vấn đề quan trọng nhất là cam kết của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương là khi DN đầu tư trở lại, thì chúng tôi được phép làm, chứ nếu nay đóng, mai mở sẽ làm cho tâm lý của người kinh doanh bất an. Cần có sự quyết liệt hỗ trợ các DN bằng việc chỉ chỗ nào có dịch thì khoanh lại, phạm vi càng nhỏ càng tốt".

Để từng bước phục hồi, phát triển, việc triển khai các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ, thúc đẩy ngành công nghiệp xây dựng là hết sức cần thiết. Các hoạt động xây dựng đang trong quá trình phục hồi trên cơ sở bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, TP Hà Nội đã triển khai đồng bộ 10 nhóm giải pháp, gồm nâng cao hiệu quả thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong hoạt động xây dựng; Bảo đảm cân đối ngân sách, bổ sung, hỗ trợ nguồn vốn, đẩy mạnh giải ngân, gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công;

Phấn đấu tỷ lệ giải ngân hằng năm đạt trên 95% kế hoạch vốn, các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP tiếp tục tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ các DN hoạt động xây dựng chịu ảnh hưởng bởi dịch;

Hoàn thiện bổ sung cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển các hoạt động xây dựng; đẩy mạnh cải cách hành chính, quyết liệt cắt giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng;

Phục hồi, mở rộng các chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, kênh phân phối kiểm soát, bình ổn giá cả các mặt hàng nguyên, VLXD; thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế cho DN tham gia hoạt động xây dựng.

 

"Các mô hình và cách thức kinh doanh mới đã xuất hiện sau đại dịch. Một trong những chiến lược chính mà DN thực hiện là đa dạng hóa nhà cung cấp để hạn chế tối đa rủi ro. Bằng cách như vậy, các DN sẽ có những nhà cung cấp sẵn sàng thay thế và là nguồn dự phòng ổn định để hỗ trợ ngay khi xuất hiện gián đoạn trong chuỗi cung ứng". - Chuyên gia xây dựng Công ty Facom Nguyễn Huy Quang