Phù hợp với quy hoạch khoáng sản
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, đến nay, ngành công nghiệp sản xuất xi măng hoàn toàn đáp ứng nhu cầu xi măng trong nước. Các sản phẩm xi măng đã cung cấp tới tất cả các vùng miền, với thị phần tiêu thụ miền Bắc chiếm khoảng 38 - 40%, miền Trung và Tây Nguyên khoảng 25 - 27% và miền Nam khoảng 33 - 36%. Đồng thời, Việt Nam còn xuất khẩu sản phẩm clanke và xi măng sang thị trường Philippines, Trung Quốc, các nước châu Phi.
Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng đã được phê duyệt rất lớn, tuy nhiên phân bố tài nguyên không đồng đều và nguồn nguyên liệu phụ gia còn thiếu. Theo thống kê, hiện cả nước có hơn 327 khu vực đá vôi đã được thăm dò khảo sát, với tổng tài nguyên trữ lượng ước hơn 31 tỷ tấn; 294 khu vực sét, đá sét đã được thăm dò khảo sát, với tổng tài nguyên trữ lượng ước hơn 8,4 tỷ tấn; 167 khu vực nguyên liệu phụ gia các loại đã được thăm dò khảo sát, với tổng tài nguyên, trữ lượng ước gần 2,4 tỷ tấn.
Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra yêu cầu chỉ đầu tư dây chuyền sản xuất xi măng có công suất không nhỏ hơn 5.000 tấn clanke/ngày, gắn với vùng nguyên liệu và đầu tư hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải, đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu về công nghệ và môi trường. Tỷ lệ sử dụng clanke trong sản xuất xi măng trung bình toàn ngành tối đa ở mức 65%, phụ gia cho xi măng sử dụng tối thiểu 35%.
Cả nước có 88 dây chuyền sản xuất clanke xi măng, với tổng công suất thiết kế 303.750 tấn clanke/ngày (tương đương với 113 triệu tấn xi măng/năm), tuy nhiên, hiện tại có 5 dây chuyền với công suất thấp hoạt động không hiệu quả đang dừng sản suất gồm: 2 dây chuyền của Công ty CP Xi măng Hữu nghị, 1 dây chuyền của Công ty CP Xi măng Bắc Giang, 2 dây chuyền ở Công ty hữu hạn Xi măng Lucks (Việt Nam).
Bên cạnh đó, với xu hướng tất yếu giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam về trung hòa carbon năm 2030 và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nhiều DN đã nhận diện được tầm quan trọng của việc quản lý, giảm phát thải và khai thác hiệu quả tài nguyên làm vật liệu xây dựng.
Nắm bắt xu hướng
Theo các chuyên gia, ngành vật liệu xây dựng, trong đó có sản xuất xi măng tại Việt Nam đang trên đà phát triển và hội nhập sâu rộng với thế giới. Công tác bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản đã được các DN chú trọng hơn. Trên cả nước đã hình thành nhiều khu chế biến khoáng sản tập trung, kiểm soát được bụi, ồn, khí thải, nước thải ra môi trường.
Tổng Giám đốc INSEE Việt Nam Eamon John Ginley chia sẻ, INSEE Việt Nam hiện đang áp dụng nhiều giải pháp hiệu quả góp phần giảm thiểu khí nhà kính ít nhất 24% với mỗi tấn xi măng sản xuất thông qua việc kiểm soát tối đa chất thải và khí thải. Các sản phẩm hiện có mức phát thải CO2 trung bình thấp hơn 17 – 51% so với mức phát thải trung bình của 898kg CO2 / tấn xi măng.
Còn với xi măng Vicem Hà Tiên hiện nay có 2 nhà máy chính (Nhà máy xi măng Kiên Lương và Nhà máy xi măng Bình Phước) sản xuất từ công đoạn khai thác đá vôi, đất sét để cho ra thành phẩm clanke, xi măng.
Ngoài ra, DN này còn có 3 trạm nghiền (Trạm nghiền xi măng Phú Hữu, Trạm nghiền xi măng Long An và Trạm nghiền xi măng Cam Ranh), với tổng công suất 7,5 triệu tấn xi măng/năm.
Nắm bắt xu hướng phát triển chuyển dịch xanh của thị trường xây dựng, vật liệu xây dựng trên thế giới, Vicem Hà Tiên đã thực hiện một cuộc “cách mạng xanh” từ khâu khai thác đến sản xuất và hạn chế sử dụng nguyên nhiên liệu hóa thạch, vải vụn, đế cao su, đế giày dùng làm nguyên liệu đốt trong sản xuất clinke.