Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nhân Nguyễn Mạnh Thản -Làm giàu trên đất quê hương

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ông Nguyễn Mạnh Thản - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua - một người con của Ba Vì cùng với 3 tập thể được Thành phố đề nghị Trung ương xét tặng danh hiệu “Anh hùng lao động”.

Người xây dựng nghĩa trang tư nhân đầu tiên

Mỗi người đều có vị trí và vai trò nhất định trong xã hội, nhưng cái cách chọn “điểm xuất phát” của ông Nguyễn Mạnh Thản có gì đó rất khác biệt, dù ông luôn cho rằng: “Con đường mà tôi lựa chọn là hết sức bình thường trong đời thường”. Tháng 10/2003, ông được các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tây (cũ) cho phép thực hiện dự án xây dựng Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng với diện tích 20,6ha, kinh phí 20 tỷ đồng trên địa bàn hai xã Phú Sơn, Vật Lại thuộc huyện Ba Vì.

Đúng một năm sau - năm 2004 - Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng chính thức đi vào hoạt động với địa thế đồi núi và cảnh quan được bố trí đẹp, hợp lý có dịch vụ chu đáo, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội về môi trường. Như khẳng định cho con đường mà ông đã lựa chọn là chuẩn xác, 5 năm sau đó, ngày 25/3/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/NĐ-CP về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang - đây là ghi nhận của nhà nước đối với mô hình kinh tế mà doanh nghiệp của ông đã thực hiện.

 
Doanh nhân Nguyễn Mạnh Thản -Làm giàu trên đất quê hương - Ảnh 1

ông Nguyễn Mạnh Thản - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua

Không bằng lòng với những thành công đạt được, ông lại luôn tư duy tìm ý tưởng kinh doanh mới. Ông kể, năm 2010 khi mà Nghị quyết của HĐND thành phố về việc đóng cửa nghĩa trang Văn Điển đã gần đết hạn chót mà Hà Nội vẫn chưa tìm được nơi nào thay thế cho Nghĩa trang Văn Điển, tôi đã mạnh dạn xin thành phố cho mở rộng dự án Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng. Nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo thành phố và các cơ quan chức năng, chỉ trong thời gian 85 ngày, vừa thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, vừa thi công xây dựng, Dự án Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng mở rộng đã được đưa vào thay thế cho việc chôn hung táng tại nghĩa trang Văn Điển kể từ ngày 1/7/2010, đáp ứng được tiến độ yêu cầu của thành phố. Hiện Ao Vua đã xin đầu tư xây dựng nhà hỏa táng công suất 6 lò đốt, tổng mức đầu tư khoảng 80 tỷ đồng với hình thức xã hội hóa 100%. Dự án đang được triển khai xây dựng và được sự đồng tình ủng hộ rất cao của chính quyền và nhân dân địa phương. Dự kiến dự án này sẽ được khai trương đưa vào hoạt động trong năm 2014. 
 
Khu du lịch Đầm Long
Khu du lịch Đầm Long
Làm giàu từ vùng quê nghèo

Ông Thản còn được mệnh danh là “phù thủy” có tài biến những vùng đất khô cằn, hoang hóa, sình lầy thành những khu du lịch nổi tiếng. Cả 3 khu du lịch của Công ty CP Ao Vua là: khu du lịch Ao Vua, Đầm Long (Ba Vì); Đảo Ngọc Xanh (Thanh Thùy- Phú Thọ) đều có chung điểm xuất phát là những vùng đất sỏi khô cằn.  Khoảng hơn chục năm trước, ai đã từng đi qua đầm lầy Đầm Long với diện tích gần 100ha được bao quanh bởi một khu rừng nguyên sinh có diện tích 17,5ha ở đó đầm rộng, nước chua, bỏ hoang hóa, người dân chả làm ăn gì được và là vùng khó khăn của huyện. Vậy mà ông Thản đã mạnh dạn xây dựng kế hoạch, đề xuất với lãnh đạo cải tạo thành công nơi đây trở thành Khu du lịch sinh thái, khu bảo tồn các loại động vật hoang dã.

Tiếp đến tháng 3/2011, dự án Khu du lịch Đảo Ngọc của ông tại địa bàn huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ) được các cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai đem đến niềm vui cho cộng đồng dân cư khu vực này. Đây là một vùng bãi nổi giữa sông Đà mà từ nhiều đời nay người dân chỉ sử dụng trồng ngô, đậu, lạc và chăn thả trâu bò, hiệu quả kinh tế thu được chẳng đáng là bao.

Với phương thức “du lịch vì cộng đồng”, công ty đã đầu tư vài trăm tỷ đồng (giai đoạn 1) để đầu tư thành khu du lịch cao cấp. Trong  thời buổi khủng hoảng kinh tế và suy thoái tài chính toàn cầu, nhiều DN “lấy đất bờ xôi ruộng mật” còn để hoang hóa nhiều năm, làm đâu đầu chính quyền địa phương thì với bãi nổi La Phù Công ty vẫn dốc lực để đẩy nhanh tiến độ dự án, trở thành một hình mẫu nhà đầu tư lý tưởng của tỉnh Phú Thọ. Dự án hoàn thành giai đoạn 1 và chính thức khai trương hoạt động chỉ sau 1 năm triển khai. Đảo Ngọc Xanh trở thành một địa chỉ tin cậy trong những kỳ nghỉ cuối tuần đối với du khách trên địa bàn thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận. Nơi đây có đầy đủ các dịch vụ như ăn uống, nghỉ ngơi, tắm nóng, thư giãn và các hoạt động vui chơi giải trí phù hợp với mọi lứa tuổi, đối tượng. Khu du lịch Đảo Ngọc đã được lãnh đạo tỉnh Phú Thọ xác định là dự án trọng điểm của tỉnh, là điểm xuất phát để ngành du lịch Phú Thọ tạo đà phát triển dịch vụ du lịch trong hành trình về miền đất Tổ...
Doanh nhân Nguyễn Mạnh Thản -Làm giàu trên đất quê hương - Ảnh 2

Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh về đêm.

Niềm vui là được giúp nhiều người

Niềm vui của ông trong kinh doanh là điều ai cũng thấy và điều đó cũng đã phần nào giúp cho người dân ở những địa phương doanh nghiệp triển khai dự án có thêm điều kiện cải thiện cuộc sống. Trong cuộc đời, ông cho rằng, có những điều cần phải nhớ, ấy là sự giúp đỡ của nhiều người đối với mình trong lúc cơ hàn mà sau này mình không có điều kiện gặp lại, vì vậy có giúp đỡ được ai cũng là sự trả ơn với cuộc đời. Năm 2013, ông đã dành trên 1,3 tỷ đồng cho việc thực hiện các hoạt động từ thiện, xã hội. Ngoài các hoạt động ủng hộ quỹ vì người nghèo, hướng về biển đảo, tặng bò theo chương trình Ngân hàng Bò của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, xây nhà tình nghĩa... trong hành trình giúp đỡ người nghèo và các đối tượng chính sách, Công ty CP Ao Vua luôn tìm ý tưởng mới để giúp đỡ người nghèo thoát nghèo hiệu quả. Và chỉ tính riêng 10 năm qua, ông đã giành gần 10 tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện xã hội. Và gần đây nhất, ông đã thành lập hai Ngân hàng Bò của Công ty CP Ao Vua, trị giá 6 tỷ đồng cho nông dân tỉnh Phú Thọ và huyện Ba Vì (Hà Nội) vay vốn.