Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Độc đáo lồng chim làng Vác

Kinhtedothi - Chẳng biết thú chơi chim cảnh có từ bao giờ, chỉ biết đây là một thú chơi tao nhã không chỉ của người dân Hà thành.
Người dân làng Vác đang thực hiện các công đoạn làm lồng chim.
Người dân làng Vác đang thực hiện các công đoạn làm lồng chim.
Trong giới chơi chim cảnh, hễ nhắc tới lồng chim là người ta nghĩ ngay tới làng Vác, thôn Canh Hoạch, xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, địa danh được coi là lò sản xuất những “ngôi nhà” cho chim đẹp nhất hiện nay.

Những người thợ tài hoa

Về làng Vác vào một ngày nắng nóng giữa tháng 7, mới đến đầu làng đã nghe tiếng máy tiện, máy cắt tre ro ro, râm ran khắp làng trên, xóm dưới. Ca dao xưa có câu: “Ai về làng Vác thì nhờ/Mua lồng Canh Hoạch, đồ thờ Võ Lăng”, để nói lên sự nổi tiếng của sản phẩm lồng chim nơi đây.

Ông Trần Văn Thể - Phó Chủ tịch UBND xã Dân Hòa cho biết, nghề làm lồng chim ở làng Vác có từ lâu đời. Đi cùng thăng trầm của đất nước, nghề làm lồng chim làng Vác vẫn tồn tại và phát triển cho tới ngày nay theo cách cha truyền con nối. “Theo các cụ trong làng kể lại, thời kỳ Pháp thuộc, sản phẩm lồng chim của làng từng đoạt nhiều huy chương tại các kỳ đấu xảo ở Hà Nội” - ông Thể chia sẻ.

Lồng chim làng Vác đa dạng về kiểu dáng, chủng loại, đủ kích cỡ, to, nhỏ, cao, thấp, vuông, tròn. Với ưu điểm bền, đẹp, lồng chim làng Vác rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Thương hiệu của lồng chim làng Vác được đón nhận khắp cả nước. Giới chơi chim cảnh khắp trong Nam, ngoài Bắc ai cũng biết nên rủ nhau về đây đặt hàng.

Ông Nguyễn Thanh Sứ, thôn Canh Hoạch, là một người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề làm lồng chim chia sẻ, để làm ra một chiếc lồng chim đẹp, bền, sang đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách là cả một quá trình. Ngoài việc phải có tay nghề khéo léo, thì người làm nghề còn phải tỉ mỉ trải qua rất nhiều công đoạn từ chọn tre, ngâm tre, luộc tre, hun tre, phơi tre, vót nan, chạm khắc hoa văn… Trong đó, khó hơn cả là công đoạn chạm đường viền cho các vanh lồng. Với đôi tay tài hoa, khéo léo, người thợ làng Vác đã chạm khắc lên vanh lồng những hoa văn tinh xảo, hay những họa tiết cầu kỳ dựa theo các tác phẩm dã sử nổi tiếng như Tam Quốc, Thủy Hử, Bát Tiên… Nguyên liệu để làm lồng chim phải là loại tre, trúc rừng được chọn mua kỹ càng từ các tỉnh miền núi Tuyên Quang, Hòa Bình, Cao Bằng... Sản phẩm lồng chim của làng có 2 loại chính là “hàng chợ” và “hàng kỹ”. “Hàng chợ” là loại lồng được sản xuất đại trà, với kỹ thuật và chất lượng ở mức trung bình, có giá buôn từ vài chục tới vài trăm ngàn đồng. Còn “hàng kỹ” thường được làm theo đơn đặt hàng của khách. Loại lồng này đòi hỏi kỹ thuật, tay nghề cao và nguyên liệu phải là tre, trúc già được chọn lựa kỹ càng. Giá lồng chim loại này có thể dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, thậm chí có lồng được đặt làm tới cả trăm triệu đồng.

Làm giàu bằng nghề truyền thống

Ông Lê Văn Hoạch - Phó Chủ nhiệm HTX Dân Hòa cho biết, thời điểm hưng thịnh, cả làng có 800 hộ dân thì có tới trên 90% hộ tham gia vào các công đoạn sản xuất lồng chim. Mỗi ngày, làng nghề sản xuất ra hàng ngàn chiếc lồng, đường làng xe tấp nập lấy hàng để chuyển đi khắp các nơi trên cả nước. Thị trường chủ yếu của lồng chim Canh Hoạch là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và xuất khẩu ra cả nước ngoài như châu Âu, Mỹ, Nhật... Việc phát triển làng nghề truyền thống bên cạnh tăng thu nhập cho người dân, còn đóng góp không nhỏ cho kinh tế - xã hội ở địa phương. Đời sống của người dân nơi đây nhờ làm nghề cũng được nâng lên đáng kể. Đặc biệt, làng nghề đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nông nhàn ở địa phương, từ người già, thanh niên, phụ nữ đến trẻ nhỏ cũng có thể tham gia phụ giúp gia đình. Với những người có tay nghề cao, mỗi tháng có thể thu nhập hàng chục triệu đồng. Đối với lao động phổ thông thì bình quân một tháng cũng được từ 3 - 4 triệu đồng. “Nhờ nghề sản xuất lồng chim mà nhiều hộ gia đình đã xây nhà lầu, mua xe hơi, nuôi con cái ăn học thành tài” - ông Hoạch cho biết thêm.

Vấn đề trăn trở hiện nay của làng nghề là sản phẩm lồng chim của làng chưa được bảo hộ nhãn hiệu. Mặt khác, để phục vụ sản xuất, việc ngâm tre, hun tre, bụi bặm, tiếng ồn đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống người dân. Hơn nữa, những năm gần đây do tác động của suy thoái kinh tế, nhu cầu tiêu thụ của thị trường giảm, nên việc sản xuất lồng chim của làng Vác có xu hướng chững lại. Bởi thế, người làng Vác rất mong được các cấp chính quyền huyện và TP quan tâm tạo điều kiện để sản phẩm của làng tiếp tục phát triển bền vững.           
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Thương hiệu OCOP đưa làng nghề cất cánh

Thương hiệu OCOP đưa làng nghề cất cánh

03 May, 05:21 AM

Kinhtedothi - Thủ đô Hà Nội được biết đến là “cái nôi” của 1.350 làng nghề, làng có nghề truyền thống. Đây cũng là lợi thế rất lớn của TP trong triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hướng đến mục tiêu nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường cho sản phẩm làng nghề.

Hà Nội - lá cờ đầu trong xây dựng nông thôn mới

Hà Nội - lá cờ đầu trong xây dựng nông thôn mới

02 May, 05:01 AM

Kinhtedothi - Những năm qua, Hà Nội tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả nổi bật, khẳng định vị thế “lá cờ đầu” của cả nước trong xây dựng nông thôn mới; qua đó tiến gần việc hoàn thành các mục tiêu Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII.

Tiếp sức để nông dân bám đất, bám làng

Tiếp sức để nông dân bám đất, bám làng

23 Apr, 05:07 AM

Kinhtedothi - Đề xuất tiếp tục kéo dài chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) được dư luận đồng tình ủng hộ. Chính sách này kỳ vọng tiếp tục là nguồn tài chính hỗ trợ trực tiếp cho nông dân và ngành nông nghiệp tiến gần hơn với nền nông nghiệp hiện đại.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ