Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Độc đáo nét văn hóa dân tộc thiểu số Ba Vì

Hồng Lịch (CTV)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là huyện miền núi của Thủ đô Hà Nội, do sự khác biệt của yếu tố địa hình đã tạo nên nét văn hóa đặc trưng riêng của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Ba Vì.

Đây cũng là vùng đất cổ giàu truyền thống, nhiều di tích lịch sử văn hóa, lễ hội. Đời sống tinh thần, nhất là hoạt động tín ngưỡng của đồng bào trên địa bàn huyện rất đa dạng, mang đậm bản sắc riêng của từng dân tộc.
Vùng đất của di tích lịch sử

Cụm di tích đền Thượng, đền Trung, đền Hạ là một trong số 75 di tích thờ Thánh Tản Viên trên vùng đất thiêng Ba Vì. Vào ngày 14,15 và 16 tháng Giêng hằng năm, Nhân dân trong vùng lại nô nức tổ chức lễ hội tưởng nhớ vị Thánh có công trị thủy, bảo vệ mùa màng để người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây là một trong số ít lễ hội cấp vùng hiện nay còn giữ được gần như nguyên vẹn nét đẹp văn hóa vốn có. Thay bằng những tiếng trống hội rền vang, hay lễ rước hoành tráng, là tiếng cồng chiêng hào hùng, tạo không gian dưới chân núi Ba Vì một không khí lễ hội từng bừng náo nhiệt. Hàng nghìn phật tử, du khách từ khắp nơi trên trở về, trang nghiêm, kính cẩn xếp hàng làm lễ.. Đi cùng phần lễ, phần hội còn có các hoạt động văn hóa - thể thao miền núi được huyện duy trì trong Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh vào ngày Rằm tháng Giêng hàng năm. Đây chính là dịp để đồng bào các dân tộc thiểu số của huyện có dịp trình diễn những nét văn hóa đặc sắc của mình. Đó là các môn thể thao, như: Đẩy gậy, bắn cung, bắn nỏ, leo núi, ném còn. Không gian núi rừng vốn tĩnh mịch nay được hòa cùng bởi tiếng hò reo cổ vũ của những chàng trai cô gái người dân tộc thiểu số và du khách tứ phương.
 

Lên với đồng bào Mường thuộc các xã miền núi như Minh Quang, Ba Trại, Vân Hòa của huyện trong những ngày đầu xuân mới, du khách còn được khám phá những lời ca, câu hát qua những giai điệu Ru Ún, hòa mình vào các bản hòa tấu bằng cồng chiêng dền ấm nhưng âm vang cả bản. Ru ún là loại hát ru con, hấp dẫn và đặc sắc bởi những âm điệu cũng như tiết tấu cùng lời ca độc đáo, đậm chất thi ca. Một trong những thể loại dân ca phổ biến của người Mường. Trước hết ngôn ngữ Mường gần giống tiếng Kinh, nên ta nghe cũng có thể đoán được ý hoặc chỉ cần chú thích một vài tiếng là hiểu. Bản nhạc “Ru Ún” trong bài này là loại ru ban ngày. Chúng gần một số giai điệu cơ bản. “Ru Ún” là những khúc dân ca Mường đậm chất thi ca. Trong lời ru ta tìm thấy hình ảnh những người mẹ nặng trĩu tình yêu bao la dành cho con trẻ, dành cho hạnh phúc gia đình.
Toàn huyện Ba Vì hiện có 28.000 người thuộc 18 dân tộc khác nhau. Trong đó dân tộc Mường và Dao chiếm phần đông dân số, tập trung tại 7 xã miền núi. Huyện có 75 di tích thờ Thánh Tản Viên Sơn, trong đó Cụm di tích đền Thượng, đền Trung, đền Hạ, được tổ chức vào dịp 14, 14 tháng riêng hàng năm là một trong những lễ hội tâm linh cấp vùng nổi bật nhất. 
Theo thống kê của phòng Dân tộc huyện Ba Vì, hiện có 11 bộ cồng chiêng đang được lưu giữ ở các xã miền núi của huyện, các bộ cồng chiêng đều đã và đang được cất giữ và đảm bảo phát huy tác dụng. Bà Nguyễn Thị Lâm – người có những đóng góp rất lớn việc bảo tồn môn biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng của người Mường xã Ba Trại chia sẻ: “Nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng được coi là một nét đẹp văn hóa trong những dịp lễ hội, ngày tết, ngày cưới của người Mường chúng tôi. Không những thế tiếng cồng còn gắn bó sâu sắc với người Mường từ lúc sinh ra cho đến lúc qua đời”.
 Cúng tế tại Tết nhảy người Dao xã Ba Vì
Đa dạng về văn hóa

Xã Minh Quang có khoảng 23% dân số là người Mường. Ở đây, xã hiện cũng có 4 đội cồng chiêng thường xuyên tập luyện và phục vụ bà con khi tết đến xuân về, khi sinh hoạt cộng đồng. Đội cồng chiêng của xã có cả người già và người trẻ tuổi đã từng đi giao lưu, biểu diễn ở nhiều nơi và để lại nhiều dấu ấn đối với người xem. Chính quyền và các nghệ nhân nơi đây luôn tâm niệm một điều: là làm sao để truyền dạy cho lớp trẻ tiếp nối và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ba Vì là xã có tỷ lệ người Dao chiếm tới 98% dân số. Cùng với múa Chuông, múa Khèn, Lế Cấp sắc thì Tết nhảy là nét đặc trưng nhất của đồng bào Dao nơi đây. Theo các già làng của thôn Yên Sơn xã Ba Vì, từ rất lâu rồi, khi tổ tiên người Dao ở phía Bắc vượt biển Đông vào Việt Nam thì một số thuyền gặp phải gió bão, họ phải nhảy lên xin thần tiên cứu giúp và xin hứa khi thoát nạn vào bờ thì sau này sẽ làm lễ Tết nhảy để tạ ơn. Tết nhảy chỉ làm ở “Nhà cái” (con trưởng, trưởng họ), thường vài năm làm một lần, nhưng không được lâu quá 12 năm, vì như thế là vong ân bội nghĩa với tổ tiên, trời đất. Gia đình nào làm Tết nhảy được cả bản chung tay sắm sửa. Bắt đầu vào lễ, bà con lập bàn thờ ở nơi cao ráo, sạch sẽ, bày biện đồ cúng, rồi khấn mời Bàn vương, thần thánh và tổ tiên người Dao về dự lễ. Ông Triệu Phú Đức – Nguyên Chủ tịch UBND xã Ba Vì, nay cũng là người có uy tín của Bản Yên Sơn kể rằng: “ Tại Tết Nhảy, sau những điệu múa chuông, múa gậy, múa rìu, múa chim, những người đàn ông đứng tuổi người Dao như chúng tôi mang trang phục truyền thống, hành lễ nghiêm trang, tay rung chuông, chân lướt như bay trên nền đất theo tiếng nhạc... Múa "Tam nguyên an ham" do thầy múa và khoảng 10 thanh niên biểu diễn để mời thần thánh các binh tướng về dự. Cuối cùng mới đến điệu múa bắt rùa (hay ba ba) - điệu múa đặc sắc nhất của Tết Nhảy”.

Sau Tết Nhảy là đến Tết Nguyên đán. Từ ngày mùng 1 đến hết Tết, các gia đình cúng tổ tiên và vui xuân như các dân tộc khác. Cùng với những hoạt động trên, việc duy trì và phát triển của các làng nghề, như dệt thổ cẩm, văn hóa nhà sàn, bàn thờ người Dao; các hội thi truyền thống và một số trò chơi dân gian, cùng những sản phẩm văn hóa vật thể, như chuông chiêng người Dao, quần áo người Mường…” đã góp phần tạo nên không gian văn hóa thực sự riêng biệt và đậm chất đặc trưng của đồng bào thiểu số trên địa bàn huyện. Đồng thời nó cũng góp phần làm phong phú, đa dạng nền văn hóa truyền thống giàu bản sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số của Việt Nam.
 Nghệ nhân dân gian cồng chiêng xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì
Đoàn kết xây dựng đời sống mới

Là cán bộ quản lý của phòng Dân tộc huyện Ba Vì, ông Đặng Tiến Hữu – Phó Trưởng phòng cho biết: “Ba Vì chiếm tới một nửa số xã có đồng bào dân tộc thiểu số của thành phố Hà Nội. Đồng bào các xã miền núi của huyện luôn đón nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện luôn được gắn liền với việc xây dựng đời sống văn hóa mới, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Nhưng để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc thiểu số được lâu dài và bền vững, cũng cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời đối với nghệ nhân dân gian, những người am hiểu văn hóa truyền thống dân tộc. Đồng thời, tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực là người dân tộc thiểu số”.

Mỗi dân tộc thiểu số có một nét văn hóa độc đáo riêng của mình; Dân tộc Mường và Dao trên đất Ba Vì cũng có nét văn hóa riêng biệt, nhưng tựu chung lại vẫn mang một nét chung đó là nền văn hóa rất phong phú, đậm đà bản sắc,vơi nhiều phong tục được truyền qua bao thế hệ, để ngày nay mang trong minhg một sức sống lâu bền, mạnh mẽ. Những thế hệ người dân tộc thiểu số trên quê hương Núi Tản hòa cùng với anh em người Kinh trên đất Ba Vì đã và đang cùng nhau chung tay xây dựng bản làng, phát triển đời sống tinh thần, cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Xã Ba Vì có tới 98% là người dân tộc Dao; Tết nhảy là Tết đặc trưng nhất của người Dao. Toàn huyện hiện có 11 bộ cồng chiêng. Các xã duy trì và phát triển môn nghệ thuật cồng chiêng là Khánh Thượng, Minh Quang, Ba Trại, Vân Hòa.