Độc đáo nghề chế tác đá ong

Bài, ảnh: Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ những viên đá ong vô tri vô giác, qua bàn tay tài hoa của người thợ ở xã Bình Yên (huyện Thạch Thất) đã biến thành những công trình xây dựng, những tác phẩm nghệ thuật giá trị, có hồn cốt, tạo nên tên tuổi cho mảnh đất xứ Đoài.

Nghề lắm công phu
Được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho nguồn tài nguyên đá ong vô giá, từ xa xưa, người dân xã Bình Yên đã biết khai thác loại khoáng sản này dùng làm vật liệu trong ngành xây dựng, như làm nhà, xây tường bao, xây dựng đình, chùa… Ngoài độ cứng cao, đá ong ở Bình Yên còn có màu vàng óng, tạo nên một vẻ đẹp mộc mạc, quyến rũ riêng. Đá ong được chia làm 3 lớp, lớp đầu tiên là đá sản, sau đó đến đá thăn và cuối cùng là lớp đá chân. Trong đó, lớp đá thăn có chất lượng và màu sắc đẹp nhất. Để khai thác được đá ong, ngoài một số mỏ đá lộ thiên, đa phần người thợ phải đào sâu xuống lòng đất từ 0,8 - 1m mới khai thác được loại khoáng sản này.

Anh Nguyễn Khả Thế đang chế tác tác phẩm giếng đá ong.

Ông Trần Văn Nghiêm, thôn Thái Bình, xã Bình Yên - một người có nhiều năm trong nghề chế tác đá ong cho biết, để tạo nên một tác phẩm đẹp, người thợ không những phải dụng công mà còn phải dụng tâm, có sự tính toán tỉ mỉ đến từng chi tiết. Không giống như những loại vật liệu khác, đá ong có kết cấu đặc biệt là các xương đá, nếu chỉ sơ sẩy một chút là cả tác phẩm sẽ vỡ. Vì thế, người thợ phải làm hoàn toàn bằng thủ công. Tác phẩm đá ong hoàn thiện phải thể hiện được vẻ mộc mạc, độc đáo của các xương đá, đây chính là đặc trưng của loại đá này. Vì thế mà không phải ai cũng có thể làm được nghề này. Hiện nay, số thợ có thể tạc được những tác phẩm nghệ thuật từ đá ong ở làng chỉ được đếm trên đầu ngón tay.
Đa dạng sản phẩm
Xu hướng hiện nay nhiều người muốn quay về với lối kiến trúc cổ, vì vậy lượng khách hàng tìm về làng nghề ngày một đông. Có nhiều khách hàng ở tận các tỉnh miền Trung, miền Nam cũng lặn lội về tận đây để đặt hàng. Vài năm gần đây, người dân Bình Yên còn sử dụng đá ong để chế tác các tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao. Từ khối đá vô tri vô giác, qua bàn tay và khối óc của người thợ đã tạo nên tác phẩm nghệ thuật đặc sắc có hồn những bức phù điêu, tượng đài, các con giống… Tác phẩm bằng đá ong thường được thiết kế, trưng bày ở không gian gần gũi với thiên nhiên.
Nhận xét về ưu điểm của sản phẩm thi công bằng đá ong, anh Nguyễn Khả Thế, thôn Sen Trì - chủ một cơ sở chuyên khai thác và thi công các công trình xây dựng bằng đá ong cho biết, công trình bằng đá ong rất chắc chắn, có độ bền cao. Càng được “dầm mưa dãi nắng”, tác phẩm càng bền đẹp, toát lên được vẻ cổ kính, mộc mạc, hồn cốt đặc trưng của đá. Những ngôi nhà được xây bằng đá ong sẽ tạo cảm giác ấm cúng vào mùa Đông, mát mẻ vào mùa Hè. Giá thành để xây dựng một ngôi nhà bằng đá ong dao động từ 1,5 - 2,3 triệu đồng/m2, những con giống nhỏ có giá từ 2 - 5 triệu đồng, những con giống lớn có giá trị lên tới cả trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, tài nguyên thiên nhiên không phải là vô tận, đến một lúc nào đó các mỏ đá ong sẽ dần cạn kiệt. Vì vậy, chính quyền địa phương và người dân nơi đây cần xây dựng lộ trình khai thác nguồn tài nguyên này một cách hợp lý, nhằm bảo tồn và phát triển nghề một cách bền vững.