Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Độc đáo nghề điêu khắc Dư Dụ

Bài, ảnh: Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làng Dư Dụ, xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai nổi tiếng với nghề điêu khắc gỗ truyền thống. Với bàn tay tài hoa và trí tưởng tượng phong phú, người thợ làng nghề đã biến những gốc cây vô tri thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, hữu dụng trong đời sống.

Anh Nguyễn Hải Bắc thôn Dư Dụ đang hoàn thiện một tác phẩm.
Về Dư Dụ những ngày cuối năm, không khí sản xuất luôn tấp nập. Tiếng đục đẽo lách cách, tiếng máy cưa, máy chà gỗ rè rè, cộng thêm tiếng trao đổi của các tốp thợ và khách mua hàng càng làm cho không khí thêm sôi động. Nhưng ấn tượng nhất khi tới làng nghề này chính là mùi thơm thoang thoảng của những loại gỗ bách xanh, hoàng đàn, huyết long… Sản phẩm điêu khắc Dư Dụ rất đa dạng, phong phú, có thể dùng để trưng bày, trang trí nội thất, có thể là những bức tượng Phật trong chùa. Nhưng phổ biến nhất của làng nghề hiện nay vẫn là mặt hàng phục vụ thú chơi trưng bày tượng Phúc, Lộc, Thọ, Phật Di Lặc, Đạt Ma…
Đang miệt mài hoàn thành một tác phẩm để kịp giao cho khách, anh Nguyễn Hải Bắc vui vẻ cho biết: Ở Dư Dụ hầu như ai cũng biết điêu khắc. Đây là nghề không quá nặng nhọc và phù hợp với nhiều tầng lớp lao động ở địa phương. Bên cạnh đó, thu nhập từ nghề cũng khá cao, với những thợ phụ có thể thu nhập 4 - 5 triệu đồng/tháng, còn những tay thợ lành nghề có thể thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, thợ điêu khắc ngoài tay nghề vững, còn phải có tình yêu với nghề thì mới truyền được linh hồn vào từng tác phẩm.
Toàn thôn Dư Dụ có 400 hộ thì có tới 90% số hộ tham gia làm nghề điêu khắc. Làng nghề đang ở trong giai đoạn phát triển khá hưng thịnh, một số cơ sở sản xuất trong làng còn sang Trung Quốc mở cửa hàng kinh doanh. Đầu ra sản phẩm ổn định, vì vậy thu nhập của người dân cũng được nâng cao. Hiện nay mức thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt mức 48 triệu đồng/người/năm.
Bên cạnh việc tập trung sản xuất, chính quyền địa phương cũng đặc biệt quan tâm tới vấn đề bảo vệ môi trường làng nghề. Nếu như trước đây, ô nhiễm môi trường do quá trình sơn PU là một vấn đề nhức nhối ở nơi đây thì nay chính quyền địa phương đã có biện pháp giải quyết triệt để. Ông Nguyễn Công Đắp - Trưởng thôn Dư Dụ cho biết: Để nâng cao ý thức của các hộ sản xuất, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra, giám sát quá trình sản xuất của làng nghề. Hướng dẫn người dân trang bị các thiết bị hút bụi gỗ, trang bị bình bọt chữa cháy, đặc biệt nghiêm cấm các hành vi sơn PU trong khu dân cư, nếu hộ nào cố ý vi phạm sẽ kiên quyết xử lý.
Hiện nay, trong làng có 4 cơ sở chuyên phun sơn được đầu tư thiết bị hiện đại, đảm bảo đúng quy cách, xa khu dân cư. Theo đó, những cơ sở sản xuất sau khi hoàn thành phần thô sẽ chuyển tới các cơ sở phun sơn để hoàn thiện. Nhờ đó mà môi trường làng nghề đã được cải thiện đáng kể. “Mong muốn lớn nhất của làng nghề hiện nay là sớm có điểm công nghiệp tập trung để các hộ có thể đầu tư mở rộng sản xuất, bên cạnh đó có thể khai thác, phát huy tiềm năng du lịch của làng nghề” - ông Đắp bày tỏ.