Nếu gắn các hoạt động đối ngoại này vào mối liên hệ với những phát biểu và hành động kể từ khi lên cầm quyền mà kết quả là quan hệ Philippines - Mỹ không còn được gắn bó và tin cậy như trước nữa thì sẽ thấy định hướng chính sách đối ngoại của ông Duterte tuy không hẳn là bán anh em xa mua láng giềng gần, nhưng không thể không là đổi đồng minh xa lấy đối tác gần.
Mỹ vốn là đồng minh chiến lược truyền thống của Philippines. Ở thời người tiền nhiệm của ông Duterte, mối quan hệ song phương này đặc biệt phát triển và là chỗ dựa quan trọng nhất của Philippines trong đối phó với việc Trung Quốc xâm lấn và tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở khu vực Biển Đông. Bây giờ, ông Duterte chủ ý lỏng lẻo quan hệ với Mỹ để thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc trong hy vọng Bắc Kinh sẽ không đi xa hơn nữa trong xâm lấn và tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở khu vực Biển Đông, cũng như đổ vốn đầu tư vào Philippines. Cách thức ông Duterte hóa giải mối đe dọa an ninh từ phía Trung Quốc đối với Philippines khác biệt người tiền nhiệm ở chỗ đó.
Chỉ cần Philippines xa cách Mỹ là Trung Quốc đã có lợi. Chia rẽ nội bộ đối phương vốn luôn là ý đồ và sách lược của Bắc Kinh. Trung Quốc đã làm như thế đối với nội bộ ASEAN thông qua Campuchia. Vì thế, ông Duterte rất được Bắc Kinh hoan nghênh và khích lệ. Nhưng Trung Quốc có giúp ông Duterte thực hiện được ước vọng hay không thì lại là chuyện khác. Một khi không còn chỗ dựa về an ninh nữa thì Philippines sẽ không còn con chủ bài chiến lược nào trong đối phó với Trung Quốc ở khu vực Biển Đông, khi ấy sẽ chuyển từ phụ thuộc vào Mỹ sang lệ thuộc vào Trung Quốc về an ninh. Ông Duterte cầm quyền ở Philippines chỉ 6 năm, nhưng nước này phải trả giá đắt còn lâu dài hơn.