Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đổi mới cách tuyên truyền

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để giảm thiểu ùn tắc và TNGT, thời gian qua, TP Hà Nội đã xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những giải pháp vừa cấp bách, vừa lâu dài để thay đổi nhận thức của người dân.

Có thể nói, chưa bao giờ các phương tiện truyền thông lại dành nhiều thời lượng tuyên truyền về ATGT, với tần suất dày đặc như thời gian qua. Công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh, kinh phí đã tăng lên đáng kể, và mặc dù tình trạng ùn tắc và TNGT thời gian qua đã giảm, nhưng chưa bền vững.

Hiệu quả chưa cao

Từ số liệu thống kê số vụ TNGT, và hàng ngày chứng kiến người dân tham gia trên đường cho thấy vẫn còn nhiều người điều khiển phương tiện cố tình vi phạm luật giao thông. Rõ ràng, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa tốt. Nguyên nhân một phần do công tác tuyên truyền chưa đi sâu vào từng đối tượng, từng người dân.
Người tham gia giao thông vi phạm sử dụng điện thoại khi đang lái xe.             Ảnh: Chiến Công
Người tham gia giao thông vi phạm sử dụng điện thoại khi đang lái xe. Ảnh: Chiến Công
Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT của một số cơ quan, địa phương còn bị động, khoán trắng cho một số đơn vị; có nơi chỉ làm cho có, qua loa chiếu lệ; chưa duy trì thường xuyên mà chủ yếu tập trung vào các đợt cao điểm. Qua tìm hiểu, nhiều nơi chưa thực sự quan tâm tuyên truyền về ATGT. Nội dung tuyên truyền chưa bám sát thực tế mỗi địa bàn, hình thức tuyên truyền không thống nhất, mạnh ai nấy làm... Nhiều cơ quan báo đài chỉ tập trung đưa tin về các vụ TNGT mang tính giật gân câu khách mà chưa có những bài phản ánh, phân tích chuyên sâu về nguyên nhân, phân tích đa chiều, hay ý thức người tham gia giao thông... để từ đó cảnh tỉnh cho người tham gia giao thông. Nguồn lực để thực hiện công tác này ở một số địa phương, cơ quan, tổ chức còn khó khăn; đội ngũ thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn thiếu, không được tập huấn bài bản về kỹ năng, nghiệp vụ nên cũng ảnh hưởng đến chất lượng công việc.

Thực tế cho thấy, đại bộ phận người tham gia giao thông đều muốn biết là phải làm gì để hạn chế TNGT. Vì thế, công tác tuyên truyền phải cụ thể hóa hệ thống giải pháp của chính quyền địa phương và những quy định căn bản trong Luật Giao thông đường bộ, hướng dẫn xử lý của CSGT... Đưa công tác tuyên truyền gần gũi, sát thực hơn để người dân dễ hiểu, dễ nhận thức, tránh đưa vào tình thế làm cho người dân hiểu sai, hiểu không đúng... gây tác dụng ngược cho công tác tuyên truyền.

7 giải pháp mới

Để công tác tuyên truyền về ATGT có hiệu quả thiết thực, góp phần giảm ùn tắc, TNGT và được người dân hưởng ứng, từ đó tham gia giao thông có ý thức thì công tác này cần được đổi mới hơn nữa. Trong đó có thể tập trung vào 7 nhóm giải pháp sau: Một là, tuyên truyền pháp luật về ATGT trước hết phải dễ hiểu, dễ nhớ, sát với người dân. Các hình thức, loại hình tuyên truyền cần cụ thể, sâu sắc về nội dung, sinh động, hấp dẫn trong cách thể hiện và mục đích cuối cùng là nâng cao ý thức tự giác chấp hành luật giao thông cho mọi đối tượng. Hai là, công tác tuyên truyền cần thống nhất trong việc đưa ra các nội dung thông điệp, kế hoạch truyền thông cho từng giai đoạn, chiến dịch, định hướng tuyên truyền cho các đơn vị, các loại hình truyền thông… Đối với các đơn vị hữu quan đoàn thể như Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Sở GD&ĐT… cần có những cách làm sinh động, đa dạng để phù hợp với các đối tượng. Bên cạnh đó, với từng loại hình truyền thông cần phát huy thế mạnh của mỗi loại hình đó để chuyển tải các thông điệp về ATGT sao cho có hiệu quả nhất. Hoạt động tuyên truyền phải được làm thường xuyên, tránh tình trạng có nơi, có ngành chỉ làm vào những dịp cao điểm, khuấy động phong trào rồi lại chìm đi. Ba là, cần tăng cường công tác tuyên truyền lưu động, từ đó thông điệp ATGT có thể đến được nhiều nơi, kể cả vùng sâu, vùng xa… Nội dung phải phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn chứ không thể dập khuôn, máy móc. Thường xuyên sáng tạo, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền. Đặc biệt, tuyên truyền cần gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và tuyên truyền xây dựng nông thôn mới. Bốn là, nguyên tắc tuyên truyền phải đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt từ trên xuống trong việc thực hiện tuyên truyền về ATGT, thường xuyên tổng hợp, cung cấp thông tin có định hướng. Xác định rõ nội dung cho phù hợp với từng nhóm đối tượng và thời điểm để thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền trên cơ sở tiết kiệm, hiệu quả, tránh dàn trải, chồng chéo. Cần tuyên truyền quy định về xử phạt, mức phạt đối với từng hành vi vi phạm. Năm là, các cơ quan truyền thông cần tránh tình trạng chỉ đưa thông tin một chiều, cần có tin, bài, phóng sự phản ánh gương "người tốt, việc tốt", những kiến nghị, giải pháp đóng góp… và cả phản ánh những tiêu cực trong việc thực thi công vụ của lực lượng chức năng trong việc chấp hành pháp luật giao thông. Sáu là, nội dung tuyên truyền về ATGT cần phải được thiết kế phù hợp với từng nhóm đối tượng, như các đơn vị kinh doanh vận tải, lái xe khách, xe tải và người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy… Bảy là, phải huy động mọi nguồn lực và phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội, các tổ chức kinh tế, DN vào công tác tuyên truyền, không ngừng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, bảo đảm ATGT.

Có thể nói, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT là chiến lược quan trọng hàng đầu để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Bởi, do điều kiện kinh tế - xã hội còn chưa cao nên phần lớn người dân không có điều kiện học tập nhận thức pháp luật. Do đó, muốn tạo thói quen, nâng cao ý thức chấp hành tốt luật giao thông của người dân cần phải có chiến lược tuyên truyền, giáo dục dài hạn 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT được triển khai rộng khắp ở các cấp, các ngành, các tổ chức, DN và người dân trên địa bàn một cách kiên trì, thường xuyên, liên tục. Từ đó góp phần kiềm chế, kéo giảm TNGT, giảm thiệt hại về người, tài sản do thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.