Đổi mới cơ chế phân cấp ngân sách, trao quyền, tăng tự chủ cho địa phương
Kinhtedothi - Dự thảo sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước xác định đổi mới cơ chế phân cấp nguồn thu là bước đột phá, vừa tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, vừa trao quyền lớn hơn cho địa phương.
Sau hơn 8 năm thực thi, Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015 đã khẳng định vai trò trụ cột trong quản lý tài chính quốc gia, góp phần quan trọng vào sự ổn định và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trước những thay đổi nhanh chóng của tình hình kinh tế - xã hội trong nước và thế giới, các giới hạn của Luật hiện hành cũng dần bộc lộ. Những vấn đề như cơ chế phân cấp chưa thực sự rõ ràng, thủ tục hành chính rườm rà, tính tự chủ tài chính của địa phương còn hạn chế đã đặt ra yêu cầu cấp bách phải sửa đổi toàn diện.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng Dự thảo sửa đổi Luật NSNN với tinh thần bám sát thực tiễn, kế thừa thành tựu, đồng thời tháo gỡ triệt để các bất cập. Đặc biệt, dự thảo lần này nhấn mạnh việc phân cấp rõ nguồn thu giữa ngân sách trung ương và địa phương nhằm phát huy vai trò chủ động của các cấp chính quyền, tạo động lực phát triển kinh tế từ cơ sở.

Đổi mới cơ chế phân cấp ngân sách, trao quyền, tăng tự chủ cho địa phương
Theo Dự thảo, cơ chế phân cấp mới sẽ tăng cường vai trò điều tiết, hỗ trợ vùng khó khăn của ngân sách trung ương, trong khi ngân sách địa phương được trao quyền lớn hơn trong việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính. Các địa phương sẽ không chỉ thụ động chờ phân bổ từ trung ương mà còn được chủ động khai thác các nguồn thu hợp pháp, phục vụ nhu cầu phát triển riêng. Đây là bước tiến mạnh mẽ nhằm hiện thực hóa tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” mà Đảng và Nhà nước đã nhiều lần nhấn mạnh.
Cùng với đó, Dự thảo Luật cũng đề xuất sửa đổi cơ chế lập và điều chỉnh dự toán ngân sách. Thay vì quy trình phân bổ, điều chỉnh dự toán kéo dài như trước, chính quyền địa phương sẽ được quyền điều chỉnh trong phạm vi cho phép trước khi báo cáo cấp trên. Chính phủ cũng được giao thẩm quyền linh hoạt hơn trong xử lý các phát sinh thu chi nhưng phải đảm bảo không làm tăng mức vay nợ và bội chi NSNN.
Một nội dung đáng chú ý khác là việc cắt giảm mạnh thủ tục hành chính trong công tác lập dự toán, quyết toán ngân sách. Các quy trình phức tạp liên quan đến số kiểm tra thu chi hằng năm, kế hoạch tài chính ba năm, lập dự toán chi cho các lĩnh vực trọng yếu như khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ được đơn giản hóa, tinh gọn. Qua đó, không chỉ giảm gánh nặng thủ tục cho cơ quan tài chính mà còn giúp các đơn vị sử dụng ngân sách chủ động hơn trong thực hiện nhiệm vụ.
Tại Hội nghị thảo luận và đưa ra những ý kiến đóng góp cho Dự án sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách nhà nước do Bộ Tài chính vừa tổ chức, nhiều đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân cấp, phân quyền trong công tác ngân sách. Đồng thời đề nghị cần làm rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị dự toán cấp I, đơn vị sử dụng ngân sách trong quản lý chi tiêu, quyết toán ngân sách và đảm bảo tính minh bạch, kỷ luật ngân sách ở tất cả các cấp.
Để hoàn thiện dự thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận sâu về phạm vi NSNN, phân cấp nhiệm vụ chi ngân sách, quy trình lập và thẩm quyền điều chỉnh dự toán, quy trình kiểm soát thanh toán, kiểm tra quyết toán, cũng như đánh giá tác động của các sửa đổi đến kinh tế, xã hội, pháp lý.

Hà Nội: tăng cường quản lý tạm ứng vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước
Kinhtedothi - Ngày 24/3, UBND TP Hà Nội ban hành Công văn số 1062/UBND-KT về việc tăng cường công tác quản lý tạm ứng vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước.

Hòa Bình: thu ngân sách Nhà nước quý I/2025 đạt hơn 2.300 tỷ đồng
Kinhtedothi - Sáng 26/3, ông Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình chủ trì họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 3/2025.

Quản lý nhà nước về giáo dục khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp
Kinhtedothi – Khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, chính quyền cấp xã sẽ quản lý nhà nước về giáo dục đối với cấp THCS, tiểu học, mầm non. Đây là một trong những nội dung tại công văn do Bộ GD&ĐT gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương về việc bảo đảm duy trì, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục công lập tại các đơn vị hành chính.