Đổi mới dạy – học qua hoạt động trải nghiệm thực tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những định hướng cơ bản của đổi mới cách dạy và học trong trường phổ thông là chú trọng việc hình thành năng lực hành động, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh (HS).

Cụ thể là bước chuyển từ chỗ quan tâm đến việc HS học được cái gì đến quan tâm HS vận dụng được cái gì qua việc học. Để đảm bảo được điều đó, theo cô Tạ Thị Ngọc Tú - giáo viên dạy Lịch sử, trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội), trước hết phải thực hiện chuyển từ phương pháp dạy học theo lối truyền thụ một chiều sang dạy cách học, vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành năng lực và phẩm chất. Đặc biệt trong đó, hoạt động trải nghiệm thực tế là giải pháp quan trọng.

“Thông qua các chuyến trải nghiệm thực tế do nhà trường tổ chức, thấy được sự thấu cảm từ các em, mà nếu chỉ qua sách vở, xem phim, HS không thể cảm nhận hết được. Khi quay trở lại bài học, HS hiểu biết sâu sắc, đầy đủ hơn cũng như có ý thức, trách nhiệm việc học của mình hơn. Điển hình là hoạt động liên môn, các thầy cô có hoạt động trải nghiệm liên môn Văn - Sử - Giáo dục công dân - Giáo dục quốc phòng. 4 bộ môn cũng đã tổ chức cho HS có một định hướng rõ ràng qua hoạt động tri ân (nhà trường tổ chức cho HS đến Ngã ba Đồng Lộc, nghĩa trang Trường Sơn, thăm mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp…). Qua hành trình tri ân này, HS đã hiểu toàn diện ở 4 môn, không rời rạc ở bộ môn nào, qua đó cũng phát triển nhiều kỹ năng mềm của HS. Kết quả từ trải nghiệm thực tế cũng rõ rệt. Ví dụ, ở trường vào tiết chào cờ, hoặc nhà trường tổ chức hoạt động nào đó, HS hát Quốc ca to và rõ; nhưng khi HS được hát Quốc ca ở nghĩa trang Trường Sơn thì nó có một âm hưởng hào hùng, xúc cảm rất khác biệt.

Tuy nhiên, trước khi cho HS đi tham quan, trải nghiệm, giáo viên nên có định hướng việc đi trải nghiệm, sau có viết bài thu hoạch theo định hướng các môn. Từ đó HS định hướng chuyến đi của mình, không đơn giản là việc vui chơi giải trí, mà đây chính là hoạt động thiết thực, mang tính chất học tập, thấy rõ được tầm quan trọng trong hoạt động trải nghiệm. Việc vận dụng dạy học theo các tình huống gắn với thực tiễn là con đường quan trọng để gắn đào tạo trong nhà trường với đời sống, góp phần khắc phục tình trạng giáo dục hàn lâm, xa rời thực tiễn hiện nay của nhà trường phổ thông”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần