Đổi mới để nâng cao chất lượng giáo dục

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hai tuần thực hiện Thông tư 30, quy định về việc không chấm điểm học sinh (HS) tiểu học, nhìn chung các trường đã dần làm quen với hình thức này. Tuy nhiên, việc bỏ chấm điểm đã khiến không ít giáo viên (GV) phàn nàn vì quá sức, phụ huynh hoang mang do không kiểm soát được sức học của con…

Lo ngại học sinh chủ quan

Coi trọng cả quá trình học tập, rèn luyện của HS chứ không chỉ quan tâm tới kết quả cuối cùng, cách đánh giá mới được kỳ vọng sẽ giảm áp lực cho HS, kịp thời động viên HS tiến bộ. Song, trái với sự háo hức của học trò, đa số phụ huynh lại băn khoăn, lo lắng với cách đánh giá mới này.

Chị Nguyễn Minh Ngọc (Gia Lâm, Hà Nội), phụ huynh có con đang học lớp 1 cho biết, qua hai tuần theo dõi nhận xét trong vở bài làm của con, thấy các lời nhận xét của GV trùng lặp, rất chung chung được đóng dấu sẵn như: "Bài làm chưa đạt", "Con cần cố gắng hơn", "Con viết cẩn thận hơn"…, có khi cả 3 - 4 ngày đều phê như nhau. "Nếu đổi mới theo cách này, tôi lo sợ các cháu sẽ chểnh mảng, học tập sa sút, bởi điểm 2 cũng không khác điểm 9, vì điểm giỏi GV nhận xét con làm bài tốt, còn điểm kém, GV phê bài chưa đạt. Tốt thế nào? Chưa đạt, sai đến đâu? Việc này dễ khiến các con chủ quan, lơ là học tập" - chị Ngọc chia sẻ.
 
Học sinh trường Tiểu học Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy trong giờ học môn tiếng Việt. Ảnh: Phạm Hùng
Học sinh trường Tiểu học Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy trong giờ học môn tiếng Việt. Ảnh: Phạm Hùng
Lý giải những băn khoăn này, một GV trường tiểu học trên địa bàn quận Đống Đa bày tỏ: Thông tư 30 yêu cầu GV phải quan tâm, đánh giá quá trình học tập của từng HS, trong đó chú ý những em có hoàn cảnh, tính cách, khả năng nhận thức nổi bật hay cá biệt. Tuy nhiên trên thực tế, không phải em nào cũng có nét đặc biệt đó, nếu không rơi vào trường hợp quá giỏi hay kém thì đa phần các em có sức học ngang nhau, GV muốn chọn 40 - 50 lời phê khác nhau trong cùng tiết dạy cũng rất khó.

Giáo viên vất vả

Nhiều GV cho rằng, với quy định vừa mới ban hành, số buổi tập huấn chỉ đếm trên đầu ngón tay, yêu cầu về các loại sổ sách, giấy tờ chưa rõ ràng, GV ôm đồm nhiều sổ sách, làm việc "quá tải", không có thời gian cho chuyên môn. Vất vả nhất có lẽ là những GV dạy các môn chuyên biệt (thể dục, âm nhạc, mỹ thuật). Với thời lượng 1 tiết/tuần/lớp, tùy theo quy mô HS, mỗi trường thường có 2 GV chuyên biệt trong khi khối lượng công việc lại rất lớn. Đơn cử, mỗi GV chuyên biệt phải dạy ít nhất 23 tiết/tuần (số tiết quy định tối thiểu) thì chỉ riêng số sổ theo dõi chất lượng giáo dục của mỗi GV đã lên tới vài chục cuốn… Để giảm bớt khối công việc khổng lồ này, nhiều GV đã dùng hình thức làm các con dấu với nhiều hình thù: "hoa mặt cười", "quả bí ngô" "con cần cố gắng", "bài làm đạt";… Tuy nhiên, với hình thức này, các GV lại băn khoăn, có được sử dụng và có trái quy định của Bộ GD&ĐT hay không?

Về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học cho biết, Bộ không cấm GV dùng con dấu mặt cười hay các hình thức tương tự, tuy nhiên không nên lạm dụng sẽ dẫn đến tình trạng HS cố gắng học tập chỉ vì phần thưởng. Việc thay đổi cách làm cũ, thói quen cũ cần phải có thời gian để GV và HS thích nghi. Thời điểm mới áp dụng gặp khó khăn, bỡ ngỡ là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, đây là một xu hướng tiến bộ mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng, cách làm này sẽ giúp HS không bị áp lực bởi điểm số và thành tích ngay từ những ngày đầu đi học. Triển khai Thông tư 30 là một trong những việc góp phần thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong đó, yêu cầu phải đổi mới kiểm tra, đánh giá, thi cử để nâng cao chất lượng giáo dục.

Để Thông tư 30 đi vào trường học, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng cần từng bước giải quyết những vấn đề cốt lõi như thu nhập GV, giảm áp lực sĩ số HS/lớp học, thay đổi chương trình… thì việc đổi mới đánh giá mới đạt được mục tiêu như kỳ vọng.

 
Ngày 30/10, Bộ GD&ĐT yêu cầu giám đốc các sở GD&ĐT thành lập tổ công tác để kịp thời hỗ trợ các trường triển khai thực hiện Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT Quy định đánh giá HS tiểu học. Đồng thời chỉ đạo các phòng GD&ĐT, trường học tổ chức sinh hoạt chuyên môn tập trung vào đổi mới đánh giá HS tiểu học theo thông tư này. Giáo viên được quyền chủ động vận dụng linh hoạt, có thể bằng "lời nói" hoặc “viết” phù hợp với HS và nhà trường, đúng với yêu cầu của việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét; được quyền chủ động viết nhận xét vào vở hoặc phiếu học tập, bài kiểm tra của HS, sử dụng tin nhắn, email… (Thủy Trúc)