Đổi mới giáo dục: Còn nhiều việc phải làm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhìn từ thực tế, GD&ĐT những năm gần đây đã có nhiều đổi mới tích cực. Điều đó được khẳng định qua phổ cập giáo dục và thành tích của giáo dục thể hiện trong việc tham gia một số đánh giá quốc tế và thi học sinh (HS) giỏi…

Giờ thực hành môn Hóa học tại trường THCS Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy. Ảnh: Công Hùng
Giờ thực hành môn Hóa học tại trường THCS Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy. Ảnh: Công Hùng
Dẫu vậy, các chuyên gia tâm huyết với giáo dục nước nhà vẫn cho rằng, GD&ĐT còn nhiều việc phải làm để đáp ứng được yêu cầu mới, xu thế mới trong giai đoạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
PGS.TS Nguyễn Đức Minh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đánh giá kết quả giáo dục:

Cần chú trọng phân cấp quản lý

Đổi mới giáo dục: Còn nhiều việc phải làm - Ảnh 1Đổi mới giáo dục, có nhiều việc triển khai làm tốt, nhưng để đáp ứng được yêu cầu thì cần phải thực hiện được 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp chính mà Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đề ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới 2016 – 2017. Trong đó có rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục trong toàn quốc; Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho HS phổ thông; Đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đại học (ĐH)...

Đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục. Khi cơ cấu hoàn thiện thì sẽ cần thực hiện các việc lớn khác như phân cấp quản lý, tăng cường các nguồn lực, xây dựng chính sách phù hợp cho cán bộ, GV... Tuy nhiên, các vấn đề triển khai đang bị chậm so với kế hoạch dự kiến. Nguyên nhân là do các vấn đề đều rất quan trọng, giáo dục luôn tác động trực tiếp đến toàn thể người dân nên cần thận trọng, khi triển khai phải thông qua nhiều khâu, nhiều bước, nhất là việc lấy ý kiến từ xã hội khiến việc triển khai chưa nhanh.

Sau hoàn thiện cơ cấu hệ thống cần chú trọng phân cấp quản lý rõ ràng, trước hết cần giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho người đứng đầu trong quản lý các cấp, đặc biệt là Hiệu trưởng. Bên cạnh đó, giáo dục là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân nên cần thực hiện theo hướng mở. Xây dựng xã hội học tập là chủ trương đúng vì sẽ tạo nền giáo dục của toàn dân. “Thuyền muốn nổi, nước phải cao”, giáo dục không thể phát triển tốt nếu không chú trọng phát triển dân trí. Đồng thời, giáo dục nghề nghiệp và ĐH hiện cũng còn những hạn chế: Tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều; Việc dự báo nhu cầu nguồn nhân lực chưa chính xác; Đa số các cơ sở dạy nghề, ĐH mới dạy cái mình có, chưa dạy cái xã hội cần; Sự tham gia của các cơ sở ngoài xã hội vào các trường ĐH ít, vẫn tách rời... Trong khi đó, điều kiện nâng cao thường xuyên chuyên môn cho cán bộ, nhất là cán bộ nghiên cứu chưa được chú trọng.

Nhìn chung, để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, giáo dục cần tập trung giải quyết một số vấn đề chính: Hoàn thiện cơ cấu hệ thống phù hợp với khung cơ cấu của khu vực và thế giới; Rà soát, chỉnh sửa và bổ sung các văn bản pháp quy; Thực hiện phân cấp quản lý rõ ràng; Đầu tư phát triển các nguồn lực giáo dục; Đổi mới chương trình ở tất cả các bậc học…

GS.TS Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐH Quốc gia Hà Nội:

Phát triển nhưng còn chậm

Đổi mới giáo dục: Còn nhiều việc phải làm - Ảnh 2Bài toán đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT đã được nói rõ trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành T.Ư Khóa XI. Tôi mong những người làm trong ngành giáo dục hiểu bản chất của giáo dục là liên tục đổi mới. Trước hết chúng ta đổi mới tri thức, phương pháp truyền thụ để giáo dục luôn dẫn đạo, định hướng cho cuộc sống, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Tôi đồng thuận với tư tưởng lớn của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là phải đổi mới căn bản và toàn diện, nhưng không được coi giáo dục là một trận đánh dù lớn hay nhỏ. Muốn đổi mới nhanh và hiệu quả thì phải có bước đi khoa học, tuần tự, bài bản. Trong thời gian qua, GD&ĐT nước ta đã có những chuyển biến rất tích cực. Sự quan tâm của xã hội cho giáo dục chưa bao giờ mạnh mẽ như hiện nay, giáo dục nhận được nhiều lời phê bình cũng thể hiện sự quan tâm. Đảng, Nhà nước có những nghị quyết chuyên đề về GD&ĐT, ngay cả đến dòng họ cũng đau đáu chuyện học của con cháu mình…

Thứ nữa, tư duy về giáo dục đã chuyển biến rất mạnh, triết lý giáo dục chuyển từ truyền thụ đơn thuần sang tương tác giữa thầy và trò. Trong đó, lấy thỏa mãn yêu cầu của người học, sự hoàn thiện nhân cách của học trò làm trung tâm. Chúng ta bắt đầu mở cửa nền giáo dục từ phổ thông đến ĐH với thế giới. Từ HS tiểu học đến nghiên cứu sinh bậc đào tạo cao nhất đã bước đầu đặt mình vào thế giới toàn cầu hóa. Tiếp đến, giáo dục đi gần thực tiễn, đa dạng và linh hoạt hơn. Trước đây, chỉ có một hệ thống trường công, nay có tư thục, quốc tế đáp ứng nhu cầu học tập của mọi người… Nhờ những chuyển biến tích cực, nên trong những năm qua, GD&ĐT đã có những đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Là người làm trong ngành giáo dục, chúng tôi thấy còn rất nhiều việc phải làm, cũng như phải thực hiện tốt hơn nữa. Chúng ta có những bước phát triển thần kỳ nhưng còn chậm. Nếu chúng ta vẫn như hiện nay, khoảng cách tụt hậu ngày càng xa dẫn đến nguy cơ vĩnh viễn bị lệ thuộc vào những nước phát triển, chịu cảnh lao động làm thuê giá rẻ cho nước ngoài. Về phương diện văn hóa, giáo dục không chỉ trang bị tri thức, mà góp phần rất quan trọng, quyết định để xây dựng nhân cách thế hệ người Việt Nam tương lai.

Giáo dục có sứ mệnh dẫn đường cho dân tộc thoát khỏi nguy cơ tụt hậu là công việc rất nặng nề đặt lên vai các nhà quản lý, thầy cô giáo, trong đó có tôi. Chúng tôi ý thức sâu sắc chuyện đó và mong muốn xã hội ủng hộ bằng cách đặt niềm tin, dành cho giáo dục một sự đồng thuận rất cao, cũng như có sự kiểm soát các hoạt động của ngành giáo dục. Nhà trường, thầy cô tương tác với HS, phụ huynh hợp tác tốt với trường học cùng chung tay giáo dục nhân cách, lối sống. Thứ nữa, hội phụ huynh HS giúp kiểm soát chống tham nhũng trong GD&ĐT cũng như góp ý cho chương trình, hiến kế cho ngành giáo dục. Cùng với đó là truyền thông mặt tốt và xấu của ngành giáo dục, nêu những tấm gương sáng của các nhà khoa học cả đời làm giáo dục, những nhà giáo được vinh danh hay HS đạt thành tích xuất sắc… Cuối cùng là quản lý Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân làm giáo dục phải đảm bảo chất lượng, cạnh tranh lành mạnh.

PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội:

Giáo dục đại học đang chú trọng về chất

Đổi mới giáo dục: Còn nhiều việc phải làm - Ảnh 3Tôi thấy cái được lớn nhất của đổi mới GD&ĐT là cả hệ thống từ cơ quan quản lý Nhà nước đến các trường ĐH, cao đẳng và toàn xã hội nhận thức rõ việc đổi mới và cải cách triệt để là nhu cầu bức thiết. Điều này rất quan trọng, chứng tỏ đường lối, chính sách của Nhà nước đã đến được các cấp và quán triệt thực hiện. Sự thay đổi trong giáo dục diễn ra ở nhiều mảng, nhưng lớn nhất trong vài năm gần đây chính là về tư duy quản lý, cơ chế giáo dục ĐH theo hướng tự chủ bao hàm về học thuật, tổ chức cán bộ. Và dần dần là tự chủ về quản lý, thực hiện nhiệm vụ. Đi cùng với tự chủ là xu hướng phát triển theo chiều sâu, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo thay vì mở rộng, tuyển nhiều SV.

Đã đến lúc các trường ĐH thực hiện đẩy mạnh tự chủ để nâng cao hiệu quả hoạt động và phải chịu trách nhiệm chất lượng đào tạo của mình. Cũng như muốn thu hút SV tốt, giỏi vào trường thì các cơ sở phải nâng cao hiệu quả để có thể khai thác và sử dụng nguồn lực tốt hơn. Từ lâu, ĐH Bách khoa Hà Nội tập trung nâng cao chất lượng đào tạo trong nghiên cứu và bên cạnh đó là hiệu quả hoạt động. Sở dĩ chúng tôi làm như thế bởi có hiệu quả hoạt động thì mới có nguồn lực để nâng chất lượng đào tạo.

Gần đây, người ta nói nhiều đến việc hơn 191.000 người có trình độ cử nhân không tìm được việc làm, do đào tạo không đáp ứng được nhu cầu xã hội. Tôi thấy điều này không hoàn toàn đúng. Bộ LĐTB&XH thông tin 191.000 người, nhưng không cụ thể trên tổng số bao nhiêu cử nhân và kỹ sư trong cả nước; thất nghiệp trong thời gian bao lâu; độ chính xác của con số này đến đâu. Mặc dù thế, mình không nghi ngờ một phần lớn SV không có việc làm là vì chất lượng đào tạo. Nhưng cũng có nguyên nhân ngành DN cần thì nhà trường không có. Hay yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của thị trường và trường ĐH, cao đẳng chưa khớp nhau. Thời điểm này, người ta đang cần nhân lực của những ngành khác thì không thể nói đào tạo về khoa học xã hội có chất lượng kém.

Hiện nay, tỷ lệ giữa quy mô đào tạo và nguồn lực đầu tư chưa phù hợp, rất khó để nâng chất lượng sản phẩm đầu ra. Bởi nguồn lực Nhà nước không tăng, suất đầu tư /1 SV Việt Nam rất thấp so với các nước xung quanh có mức thu nhập gần tương đương và thấp hơn nhiều lần các nước có trình độ phát triển mà chúng ta mong muốn. Thế nhưng, với chi phí hiện nay cho SV từ 12 – 13 triệu đồng/1 năm học thì một số trường đào tạo hiệu quả là sự cố gắng lớn.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội:

Gốc rễ của đổi mới là đội ngũ giáo viên

Đổi mới giáo dục: Còn nhiều việc phải làm - Ảnh 4Có thể khẳng định, những năm gần đây, GD&ĐT đã có nhiều chuyển biến trong đổi mới. Đầu tiên là quyết tâm lấy đổi mới thi cử là khâu đột phá. Có nhiều ý kiến muốn lùi lại để đợi chương trình mới, nhưng Bộ GD&ĐT đã quyết tâm làm, đây là quyết định mạnh dạn. Đồng thời, trong 2 năm qua, ngành giáo dục cũng quyết tâm dồn 2 kỳ thi làm 1, trong đó tìm ra những phương án giảm áp lực cho HS, đỡ tốn kém cho phụ huynh, đó là mỗi địa phương đều có cụm thi, điều đó rất tốt.

Ngoài ra, việc Bộ quyết tâm làm chương trình và bộ sách giáo khoa (SGK) cũng là việc làm tích cực, bởi đây là công việc khó. Đặc biệt là việc chuẩn bị những bộ công cụ để đánh giá năng lực, đánh giá chương trình… Hơn nữa, tôi đánh giá cao việc áp dụng không chấm điểm ở bậc tiểu học. Đưa ra một số mô hình giáo dục hiện đại, cổ vũ các cơ sở giáo dục thực hiện “bàn tay nặn bột”... Tuy nhiên, khâu đột phá trong tổ chức, quản lý của ngành giáo dục đáng lẽ phải mạnh hơn, song chưa làm được. Đổi mới ở đâu? Giáo dục đòi hỏi một cơ chế đặc thù, đặc thù để làm sao ngành giáo dục được tự chủ tài chính và có hiệu quả. Thêm nữa, giáo dục phải phát triển theo đúng quy luật kinh tế thị trường, không được né tránh – nghĩa là tạo ra giá trị thì mỗi trường phải được độc lập.

Đặc biệt, vấn đề đáp ứng yêu cầu chương trình, SGK mới, thì việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên (GV) vẫn còn chậm; trong khi hiện nay trên cả nước, tỷ lệ GV có năng lực dưới mức yêu cầu không ít. Gốc rễ của đổi mới là đội ngũ người thực hiện, chúng ta không có đội ngũ này thì không làm gì được. Để đáp ứng đòi hỏi thay đổi nhận thức của GV khi triển khai chương trình, SGK mới thì ngành giáo dục cần phải tạo động lực cho họ; có cơ chế chính sách, có mức lương tốt hơn cho GV. Với mức lương hiện nay, họ khó có thể tập trung đầu tư giờ học tốt hơn. Mức lương mới không phải ai cũng được hưởng mà chỉ những GV đạt yêu cầu đổi mới mới được hưởng. 

TS Giáp Văn Dương - người sáng lập cổng giáo dục trực tuyến GiapSchool:

Bộ GD&ĐT phải làm gương

Đổi mới giáo dục: Còn nhiều việc phải làm - Ảnh 5Mấy ngày gần đây, giáo dục phổ thông lại trở thành điểm nóng của dư luận khi một hiệu trưởng nghẹn ngào: Bác sĩ có thể mở phòng mạch làm thêm, vì sao GV không thể dạy thêm?

“Vì sao GV không thể dạy thêm” là câu hỏi ta tạm thời bỏ ngỏ, chưa bàn đến lúc này. Ở đây, ta sẽ bàn một câu hỏi khác ẩn phía sau: Vì sao bao nhiêu năm rồi vẫn chưa giải quyết được chuyện dạy thêm học thêm? Khi tôi bắt đầu vào học cấp 3 đầu những năm 1990, chuyện dạy thêm học thêm đã rất sôi động, trở thành đề tài thảo luận sôi nổi của giáo dục y như hiện giờ. Đã 25 năm, nhưng vấn đề này vẫn lặp đi lặp lại, tất nhiên giải pháp cũng chẳng thấy đâu. Chỉ riêng chi tiết đó cũng cho thấy sự chậm trễ của ngành giáo dục. Trong câu chuyện dạy thêm - học thêm này, rõ ràng cấm đoán không phải là giải pháp, khi lương chưa đảm bảo cuộc sống ở mức trung bình khá cho GV.

Ngành giáo dục dù muốn cũng không thể tăng lương cho GV, bởi đó là chuyện quốc gia. Ngân sách đâu mà tăng khi số người ăn lương quá nhiều? Bế tắc của ngành giáo dục, từ một chuyện nhỏ như dạy thêm cấm hoài không được lại có liên hệ mật thiết đến bế tắc chung của cả hệ thống. Những chuyện khác lớn hơn như chuyện nội dung chương trình, SGK, phương pháp giảng dạy, chắc chắn sẽ còn vướng mắc nhiều hơn. Nếu những bế tắc trong hệ thống lớn chưa được giải quyết, chẳng hạn lương GV không tăng vì ngân sách không đủ do số người quá đông, thì những vấn đề của giáo dục không thể giải quyết rốt ráo được.

Tuy nhiên, nếu chấp nhận “sống chung với lũ” trong một khoảng thời gian nhất định, thì nội bộ ngành giáo dục cũng có thể làm được nhiều việc tốt hơn hiện thời. Thứ nhất là đẩy mạnh truyền thông nội bộ, minh bạch thông tin. Thứ hai, Bộ GD&ĐT khôi phục lại đạo đức và sự chính trực học đường. Thứ ba, cho thảo luận và phát biểu tường minh về triết lý giáo dục (hướng đến đào tạo con người và xây dựng xã hội như thế nào) để toàn dân nắm được. Chỉ khi đó, cả hệ thống giáo dục mới có thể phối hợp nhịp nhàng trong chuỗi các hoạt động của mình. Điều này có nghĩa, trước khi đổi mới giáo dục hiệu quả, thì Bộ GD&ĐT và những người làm giáo dục phải đổi mới tư duy và cách làm của mình.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn:

Chỉ biết giảng đúng theo sách là thất bại

Đổi mới giáo dục: Còn nhiều việc phải làm - Ảnh 6Một trong những định hướng cơ bản của việc đổi mới giáo dục là phải chuyển từ nền giáo dục mang tính hàn lâm, xa rời thực tiễn sang nền giáo dục chú trọng việc hình thành năng lực hành động, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học.

Thực tế cho thấy, chương trình và khối lượng kiến thức thể hiện trong SGK còn nặng so với khả năng tiếp thu của đông đảo HS. Kiến thức mang nặng lý thuyết, không sát thực tế; chưa quan tâm nhiều đến rèn luyện kỹ năng, nhân cách HS. Lỗ hổng trong giáo dục là quá ít tương tác nhóm. Đổi mới giáo dục, trước hết cần tập trung vào phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính chủ động sáng tạo của người học, tăng cường hoạt động nhóm, có tính tương tác phối hợp. Điều này phải đổi mới ngay trong giáo dục. Bên cạnh đó, giảm tải nội dung chuyên môn không cần thiết. Bộ SGK viết từ nhiều năm nay, không đáp ứng được diện rộng HS nhiều trình độ. Do đó, GV dần phải thay đổi, thay đổi dạy thoát ly SGK, GV được lựa chọn kiến thức để phù hợp với trình độ HS nhưng vẫn phải bám vào chuẩn kiến thức kỹ năng, giảm bỏ những kiến thức không cần thiết, tăng cường ngoại khóa, kỹ năng sống.

Mục tiêu của giáo dục không phải là đào tạo ra nhà khoa học mà là đào tạo nhân cách có đủ kỹ năng, kiến thức hoà nhập cuộc sống. Hiện nay, giáo dục quá thiếu về trang bị kiến thức, kỹ năng sống... Bởi thế, Bộ GD&ĐT cần có khung chương trình, từ đó các địa phương xây dựng nội dung phù hợp với điều kiện của mình. Ngay như huyện Sóc Sơn, Lịch sử huyện đã được đưa vào giảng dạy từ lớp 1 - 12. Đưa thực tiễn vào giảng dạy để giúp HS thích ứng với cuộc sống. Bên cạnh đó, cần giảm tải kiến thức không cần thiết, điều này phụ thuộc vào sự chủ động của GV, GV chỉ biết giảng đúng theo SGK là thất bại. GV phải biết lựa, đưa lượng kiến thức vào vùng cận phát triển của HS, phải phù hợp với từng đối tượng HS.

Có rất nhiều phương hướng đổi mới phương pháp dạy - học với những cách tiếp cận khác nhau, trong đó mỗi GV với kinh nghiệm riêng của mình cần xác định phương hướng riêng để cải tiến phương pháp dạy. Đặc biệt, các trường sư phạm cần đi trước một bước trong đào tạo GV, đổi mới phương pháp, tích hợp nhiều môn.