Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đổi mới nhưng phải thực chất

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Yêu cầu giáo viên không kiểm tra miệng đầu giờ theo kiểu “kêu bất chợt, hỏi bất chợt" của Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh được dư luận cùng cộng đồng giáo viên, học sinh cả nước thảo luận sôi nổi nhiều ngày qua.

Cái đích được đề cập ở đây là hiện thực hóa mục tiêu đổi mới giáo dục.

Kiểm tra miệng đầu giờ là một hình thức rất quen thuộc của quá trình đánh giá thường xuyên, đòi hỏi học sinh phải ghi nhớ, thậm chí là thuộc lòng bài học cũ. Giáo viên sẽ gọi ngẫu nhiên, bất chợt hoặc theo số thứ tự trong sổ, yêu cầu học sinh đứng tại chỗ hoặc lên bảng trả lời và lấy điểm.

Nhiều học sinh trót quên hoặc học bài cũ không kỹ sẽ đến trường bằng trạng thái lo lắng; cũng có em vừa ăn sáng vừa tranh thủ cầm vở xem bài vì sợ vào lớp bị gọi tên. Hình thức kiểm tra này kéo dài qua nhiều thế hệ và đến giai đoạn đổi mới giáo dục hiện nay vẫn được không ít giáo viên áp dụng và coi đây là biện pháp hiệu quả, dễ dàng bắt buộc học sinh dành thời gian học tại nhà để củng cố kiến thức.

Nhiều giáo viên cho rằng, kiểm tra bài cũ, nhắc lại kiến thức đã học là một phần không thể thiếu trong tiến trình bài dạy của một tiết học. Ngược lại, đặt trong bối cảnh đổi mới giáo dục, đa số quan điểm chia sẻ: Việc "trả bài" là một hình thức kiểm tra nặng về kiểu dạy học theo lối truyền thụ kiến thức; trong khi đó, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh. Nó giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông và biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống thực tế.

Trong chương trình mới, các bài học được thiết kế theo từng chủ đề. Mỗi chủ đề có thể dạy trong nhiều tiết học. Khi đánh giá thường xuyên, thầy cô giáo có thể áp dụng linh hoạt hình thức như: thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập hoặc trong quá trình giảng dạy bài mới, có thể lồng ghép nội dung bài cũ để giúp học sinh ôn tập.

Vì lẽ đó, việc thay đổi phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục. Chỉ đích danh hình thức kiểm tra gây áp lực kể trên cũng là lời nhắc nhở giáo viên thực hiện sáng tạo trong phương pháp giảng dạy cũng như kiểm tra, đánh giá học sinh.

Và như vậy, đề xuất bỏ lối kiểm tra kiểu “đánh úp” được ghi nhận là ý kiến thẳng thắn, mạnh dạn, tâm huyết, góp phần thúc đẩy tư duy sáng tạo và tinh thần trách nhiệm trong đổi mới giáo dục của giáo viên, học sinh.

Từ bỏ lối học khai thác trí nhớ, thuộc lòng máy móc bằng việc khơi dậy tư duy sáng tạo của học sinh hay việc bỏ liên kết với các công ty, trung tâm ngoại ngữ, triển khai mở lớp Tiếng Anh tăng cường với người nước ngoài cho học sinh… là những bước đi mới của ngành giáo dục trong năm học 2023 - 2024. Tuy nhiên, làm thế nào để phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất của học sinh; để các em làm chủ kiến thức, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời vẫn là bài toán khó.

Nói không với dạy thêm, học thêm, tăng năng lực tự học, tự tìm hiểu của học sinh, giảm tải áp lực cho thầy và trò; hay nói cách khác là để đổi mới giáo dục đi vào thực chất luôn đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của ngành giáo dục, trong đó có sự quan tâm, chia sẻ, đồng hành của phụ huynh học sinh.