Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đổi mới tổ chức, hoạt động công đoàn Việt Nam trong tình hình mới

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/8, tại hội thảo “Về đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn Việt Nam...

Kinhtedothi - Ngày 9/8, tại hội thảo “Về đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” do Tổng LĐLĐ tổ chức, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Trần Thanh Hải cho biết: Tổng LĐLĐ vừa hoàn thành xây dựng Đề án “Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn trong giai đoạn hiện nay” để thực hiện trong 10 năm, chia thành 3 giai đoạn.

Theo đó, trong hai năm 2016-2017, Đề án đặt mục tiêu sẽ phủ kín công đoàn, tập trung phát triển đoàn viên, tăng cường lợi ích kinh tế dành cho đoàn viên; giai đoạn 2018-2023 sẽ giữ vững, tăng cường sự gắn bó tự giác của đoàn viên với tổ chức công đoàn và giai đoạn 2024-2025 dành để nâng cao bản lĩnh chính trị của đoàn viên.
Các đại biểu đọc tham luận tại buổi hội thảo.
Các đại biểu đọc tham luận tại buổi hội thảo.
“Mục tiêu chính của Đề án là giữ vững số lượng đoàn viên, không ngừng phát triển đoàn viên trong các thành phần kinh tế bằng chất lượng hoạt động công đoàn; sự tự nguyện, tự giác tham gia tổ chức và hoạt động công đoàn của đoàn viên; tinh thần trách nhiệm và sự tiến công của đội ngũ cán bộ công đoàn; góp sức của cả hệ thống chính trị và ủng hộ của người sử dụng lao động. Tất cả nhằm đưa công đoàn Việt Nam luôn là dây chuyền quan trọng nhất giữa đông đảo người lao động và Đảng cộng sản Việt Nam, góp phần giữ vững chính trị, xây dựng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, ông Trần Thanh Hải khẳng định.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Đề án tập trung đổi mới 8 nhóm vấn đề. Trong đó, việc đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn các cấp theo hướng lấy đoàn viên và người lao động làm đối tượng hoạt động được coi là giải pháp trọng tâm để xác định nhiệm vụ của các cấp công đoàn. Bên cạnh đó, Đề án cũng hướng vào việc nâng cao lợi ích cho đoàn viên từ hoạt động công đoàn, tập trung thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên và tích cực tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ tại nơi làm việc; đổi mới nhiệm vụ của các cấp công đoàn…

Đáng chú ý, Đề án xác định một giải pháp trọng tâm là đổi mới tổ chức công đoàn ở khu vực ngoài nhà nước, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở, mà khâu then chốt là công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Tổng LĐLĐ xác định sẽ giảm bớt cơ cấu tổ chức trung gian ở công đoàn cơ sở và tập trung nghiên cứu hoàn thiện mô hình tổ chức công đoàn cấp huyện có quy mô từ 5.000 đoàn viên trở lên, công đoàn khu công nghiệp, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở của các tập đoàn kinh tế tư nhân. Đồng thời, nghiên cứu sắp xếp, đổi mới tổ chức của công đoàn ngành T.Ư đảm bảo tính đại diện rộng rãi, xuyên suốt trên phạm vi toàn quốc, giảm bớt cấp trung gian khuyến khích mô hình công đoàn ngành T.Ư chỉ đạo trực tiếp cơ sở; hoàn thiện các ban chuyên để của các cấp công đoàn về cơ bản trên cơ sở số lượng công đoàn cơ sở, đoàn viên nhưng đảm bảo tính hệ thống và chuyên sâu.

Tại hội thảo, các ý kiến đều thống nhất rằng, trong những năm qua dù tổ chức công đoàn Việt Nam không ngừng phát triển, đạt nhiều thành quả nhưng hành chính hóa trong công tác cán bộ, trong hoạt động, và cả trong hệ thống tổ chức có biểu hiện trầm trọng hơn, có nguyên nhân từ chính tổ chức công đoàn và cơ chế hiện hành. Đây chính là thách thức lớn nhất của công đoàn Việt Nam.