Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông: Còn nặng tính hình thức

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm nâng tỷ lệ trẻ em từ 6 tuổi trở lên phải đội mũ bảo hiểm (MBH) khi tham gia giao thông, hàng loạt các biện pháp đã được các lực lượng chức năng thực hiện. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, những biện pháp đó vẫn chưa phát huy được hết hiệu quả do thiếu sự đồng hành của các gia đình.

 Cảnh sát giao thông TP Hà Nội tặng mũ bảo hiểm cho các em học sinh trường Tiểu học Nguyễn Khả Trạc, quận Cầu Giấy. Ảnh: Công Trình
Chấp hành nửa vời

Như đã nói, nhằm thực hiện quy định trẻ em từ 6 tuổi trở lên phải đội MBH khi tham gia giao thông, ngoài việc tuyên truyền, hàng loạt các biện pháp nhằm xử lý các hành vi cố tình vi phạm đã đươc áp dụng như xử lý ngoài đường, hạ hạnh kiểm đối với học sinh vi phạm... Tuy nhiên, đến thời điểm này, viêc chấp hành quy định trên vẫn chưa đạt như mong muốn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên xuất phát từ chính các bậc phụ huynh.

Còn nhớ, bắt đầu từ cuối năm 2018, Ủy ban ATGT Quốc gia đã phối hợp với các DN tặng MBH đạt chuẩn cho tất cả các em học sinh lớp 1 trên toàn quốc. Nhờ đó, số lượng các em học sinh, đặc biệt là các em học sinh thuộc diện trên đã tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt, tình trạng chấp hành nửa vời, công khai vi phạm… tạo tấm gương xấu vẫn diễn ra khá phổ biến. Cụ thể, để đối phó, nhiều phụ huynh cho con đội MBH của mình, còn mình thì đầu trần đưa con đến trường. Thậm chí, nhiều phụ huynh lấy lý do nhà gần mà quên đi trách nhiệm của mình với con cái, với tương lai của đất nước.

Chấp hành kiểu đối phó

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, lãnh đạo một số nhà trường trên địa bàn TP Hà Nội cho biết, để thực hiện quy định, bắt buộc trẻ em từ 6 tuổi trở lên phải đội MBH, nhà trường đã tăng cường tuyên truyền, yêu cầu các bậc phụ huynh ký cam kết chấp hành luật giao thông. Tuy nhiên, việc chấp hành từ văn bản đến thực tế còn khoảng cách rất lớn. Thậm chí, lãnh đạo một trường còn chia sẻ, để tăng cường giám sát, nhà trường đã bố trí các em sao đỏ có mặt tại cổng trường để ghi lại các trường hợp không đội MBH đến trường. Tuy nhiên, thay vì thừa nhận sai phạm, có bậc phụ huynh còn quay ra mắng mỏ, chửi bới chính các em sao đỏ.

Thượng úy Nguyễn Mạnh Tuấn – Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, hàng ngày, các lực lượng chức năng vẫn thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trên đường, đặc biệt là khu vực các cổng trường. Tuy nhiên, việc xử lý gặp không ít khó khăn. Bởi, nhiều trường nằm trong ngõ, phố nhỏ nếu dừng xe, kiểm tra, xử lý rất dễ gây ùn tắc. “TNGT là điều không ai muốn, có thể xảy ra bất cứ lúc nào, với bất cứ ai. Việc đội MBH khi tham gia giao thông là biện pháp giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra. Tuy nhiên, việc chấp hành kiểu đối phó của các bậc phụ huynh là rất nguy hiểm” - Thượng úy Nguyễn Mạnh Tuấn chia sẻ.

Trước những bất cập trên, các chuyên gia cho rằng, để quy định trẻ em từ 6 tuổi trở lên phải đội MBH khi tham gia giao thông đi vào thực tiễn, ngoài nỗ lực của các lực lượng chức năng, nhà trường, thì rất cần sự vào cuộc của chính các bậc phụ huynh, của mỗi gia đình. Bởi, nếu chỉ trông chờ vào các lực lượng chức năng, đó chỉ là biện pháp cắt ngọn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần