Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em: Việc cần làm ngay

Phạm Công/GTHN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) khiến trẻ dưới 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm (MBH) tử vong thương tâm, gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ mất ATGT cho trẻ ở độ tuổi này khi tham gia giao thông.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với chuyên gia ATGT, thạc sĩ Tạ Đức Giang - Phó Chánh văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội về vấn đề này.

Thạc sĩ Tạ Đức Giang  - Phó Chánh văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội.   
Thạc sĩ Tạ Đức Giang  - Phó Chánh văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội.   

Nhiều người cho rằng việc phụ huynh ngó lơ việc đội MBH cho trẻ khiến các em dễ chấn thương nặng hơn, thậm chí tử vong khi xảy ra tai nạn, xin ông cho biết ở Việt Nam có bắt buộc phải đội MBH cho trẻ em khi tham gia giao thông?

- Theo điểm b, khoản 4, Điều 2 Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ và điểm m, khoản 3, Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy thực hiện hành vi chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.

Như vậy theo quy định trên, hiện nay chưa có mức xử phạt đối với hành vi chở trẻ em dưới 6 tuổi không đội MBH cho trẻ khi đi mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện).

Thưa ông, thời gian qua có không ít vụ TNGT khiến nhiều trẻ em dưới 6 tuổi được người lớn chở bằng xe máy tử vong, vậy việc đội MBH cho trẻ có thể giảm nguy cơ chấn thương nặng, tử vong đối với trẻ em?

- Khi xảy ra va chạm giao thông ngã xuống đường, ngoài chấn thương phần mềm, tay chân thì việc tổn thương phần sọ là tình trạng phổ biến và gây hậu quả nghiêm trọng về sau. Do đó, có thể khẳng định rằng, việc bảo vệ đầu là điều vô cùng quan trọng và cần thiết.

Thực tế cho thấy, trẻ nhỏ cũng là những người bị tổn thương như người lớn, thậm chí còn nặng hơn, nên việc bảo vệ phần đầu của trẻ em là hết sức cần thiết. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cần trang bị MBH phù hợp cho trẻ.

Theo đánh giá của ông, việc đội MBH cho trẻ nhỏ dưới 6 tuổi đã thực sự được phụ huynh cùng toàn xã hội quan tâm?

- Do không bị phạt nên nhiều bậc phụ huynh, người lớn chở trẻ dưới 6 tuổi khi đi mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện không có ý thức đội MBH cho con, cháu mình trong khi đây là nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương nhất khi xảy ra va chạm giao thông.

Những năm gần đây, việc đội MBH cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được nhiều phụ huynh quan tâm hơn, tuy nhiên vẫn còn bộ phận nhỏ cha mẹ ngó lơ việc này dẫn đến nhiều vụ TNGT đáng tiếc xảy ra với trẻ em nhỏ.

Thưa ông, trẻ em cần đội MBH như thế nào để không làm ảnh hưởng đến sự phát triển?

- Đối với trẻ em dưới 6 tuổi, xương cổ và xương đầu chưa được phát triển hoàn thiện nên ngoài việc lựa chọn MBH đảm bảo chất lượng cũng cần tiêu chí nhẹ, thoáng khí… tạo cảm giác thoải mái.

MBH cho trẻ em không chỉ dùng để tham gia giao thông mà còn bảo vệ khi các cháu tham gia những hoạt động như tập đi xe đạp, trượt patin… bởi vậy, phụ huynh cần chọn những MBH từ những thương hiệu lớn để tránh hàng giả, hàng kém chất lượng. Chọn MBH có kích cỡ hợp với đầu của trẻ, tránh bị tuột, lệch sẽ không thể bảo vệ hiệu quả. Nếu kích thước không phù hợp sẽ khiến trẻ bị đau.

Về màu sắc, cũng nên có những màu sắc, hình vẽ trẻ yêu thích để tránh mất thời gian khi trẻ lựa chọn trong việc đội MBH, đồng thời tạo cảm giác thích thú, yên tâm hơn cho trẻ khi đội MBH.

Thưa ông, làm thế nào để nâng cao nhận thức của cha mẹ, người thân cũng như toàn xã hội về việc đội MBH cho trẻ nhỏ khi tham gia giao thông?

- Hiện nay, ở Việt Nam chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về MBH dành cho trẻ em dưới 6 tuổi khiến nhiều phụ huynh đắn đo khi mua MBH cho con em mình. Do vậy, cần có những nghiên cứu thực tế, phù hợp để bổ sung những quy chuẩn về MBH dành cho trẻ em dưới 6 tuổi ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, cũng cần bổ sung quy định xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện chở trẻ dưới 6 tuổi không đội MBH cho trẻ để nâng cao ý thức chấp hành nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ ở độ tuổi này.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, giáo dục ATGT trong trường học đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao hiểu biết về công dụng của việc đội MBH cho trẻ em khi tham gia giao thông. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cha mẹ và các cơ sở giáo dục, nhà trường để nâng cao nhận thức của phụ huynh cũng như toàn xã hội về việc đội MBH cho trẻ em khi chở trẻ bằng mô tô, xe gắn máy, xe máy điện và xe đạp điện.

Xin trân trọng cảm ơn ông!