Đối phó khủng hoảng, nhiều nước đòi vay “khủng”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một sự đột biến trong nhu cầu xuất khẩu hàng hóa ở các nước đang phát triển đã đẩy mạnh nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) trong năm nay lên mức cao nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Trong cuộc gặp giữa các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng T.Ư vào tuần này tại Washington (Mỹ) trong khuôn khổ cuộc họp mùa xuân của WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bên cạnh những cuộc thảo luận về sự suy giảm của nền kinh tế đang phát triển cũng như scandal trốn thuế đang “nóng” hiện nay, các cán bộ Ngân hàng Thế giới sẽ đối phó với những lời đề nghị cho vay đang gia tăng. Có thể kể đến là các quốc gia xuất khẩu hàng hóa như Indonesia, Nigeria và Peru khi các quốc gia này đang chật vật để đối phó với những ảnh hưởng của sự sụp đổ giá cả hàng hóa toàn cầu. Trong năm tài khóa, WB đang tiến hành cho vay 25 - 30 tỷ USD qua các cơ quan cho vay chính của WB là Ngân hàng Quốc tế về Tái thiết và Phát triển (IBRD). Đây sẽ là khoản vay lớn nhất mà IBRD đã cho các nước thành viên vay kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Ông Jim Young Kim - Chủ tịch WB, nhận định, một trong những nguyên nhân của việc gia tăng các khoản vay là do gia tăng các đề nghị giúp đỡ để đối phó với các cuộc khủng hoảng trên thế giới như dịch Ebola, cuộc di cư của hàng triệu người Syria và các nước đang có xung đột khác, cũng như hệ quả từ biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, gần một nửa khoản vay đến từ chính sách cho vay phát triển hoặc cho vay trực tiếp có ngân sách quốc gia. Nhu cầu của những khoản vay này ngày một tăng lên khi sự sụt giảm giá dầu và các hàng hóa khác đã tạo ra những “khoảng trống” trong ngân sách. Chẳng hạn như Nigeria - quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu châu Mỹ, dự kiến sẽ thâm hụt 11 tỷ USD ngân sách trong năm nay, như một hệ quả của việc giá dầu liên tục xuống thấp. Tuy nhiên, điều này đã vấp phải một số chỉ trích rằng, WB đang “lấn sân” vai trò của IMF trong lĩnh vực đối phó với khủng hoảng tài chính.