Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Hà Nội cả xưa lẫn nay, những con ngõ là một đặc thù làm nên cấu trúc TP. Nhưng đáng tiếc, sự thanh bình của ngõ phố xưa đã dần bị xâm thực, bị bào mòn, bởi nhịp sống hiện đại. Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến đã có buổi chia sẻ với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị về đổi thay của những con ngõ ở Thủ đô.

Ngõ nhỏ là một nét đẹp kiến trúc, văn hóa rất riêng của Thủ đô. Song do quá trình đô thị hóa, ngõ Hà Nội có nhiều thay đổi, ông có thể chia sẻ đôi nét về ngõ phố Hà Nội?

- Trải dài theo tiến trình lịch sử, thời Lý - Trần, Thăng Long có 61 phường; sang thời Lê có 36 phường. Đối ứng với hiện nay, các phường này chủ yếu ở quận Hoàn Kiếm và một phần quận Ba Đình, Hai Bà Trưng. 36 phường này cơ bản không có gì thay đổi cho đến thời nhà Nguyễn. Năm 1802, khi triều Nguyễn chuyển kinh đô vào Huế, vua Gia Long chia lại các đơn vị hành chính ở Thăng Long thành nhiều thôn, phường. Năm 1831, vua Minh Mạng tổ chức cải cách hành chính lập ra tỉnh Hà Nội. Trong tỉnh Hà Nội, vua Minh Mạng đã chia khu vực phố cổ ra nhiều thôn, phường. Nhìn chung, đô thị thời này cơ bản là đường đất, một số chỗ có đường gạch, các vùng thị dân khá nhộn nhạo.

Đến cuối thế kỷ XIX, mô tả trong cuốn sách “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ” tác giả Charles-Édouard Hocquard (Pháp) kể: phố nào cũng buôn bán, người buôn bán lấn đường đi, căng bạt, mái che nắng. Đường thoát nước vào mùa mưa nhiều bùn… Đặc biệt, các làng xung quanh Hồ Gươm như Yên Trường, Minh Hương, Phúc Tô dân sống sát mép hồ.

Đến 1859, Hà Nội trở thành TP nhượng địa thuộc Pháp, họ bắt đầu quy hoạch, cải tạo khu vực phố cổ và xây thêm phố mới ở phía Nam và Đông Hồ Gươm, tương ứng như: Hàng Khay, Tràng Thi, Quang Trung, Tràng Tiền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo… Họ đền bù cho dân các làng rồi làm sẵn đường, vỉa hè, hệ thống thoát nước, đặt tên phố sau đó mới bán, diện tích lô đất nhỏ nhất cũng phải là 300m2. Thế nên chỉ có người lắm tiền nhiều của mới mua được đất ở đây. Có đất nhưng chủ sở hữu muốn xây dựng bắt buộc phải theo quy định: nhà phải cách vỉa hè ít nhất 2m, chiều cao phải tỷ lệ thuận với chiều rộng của đường và rất nhiều những quy định khác. Vì khu phố hoàn toàn mới nên ngõ có tên và ngõ đánh theo số cũng rất ít.

 

Theo thống kê gần đây, Hà Nội có gần 9.500 tuyến đường, phố, ngõ, hẻm sâu. Rõ ràng đây không phải con số nhỏ, vậy điều gì dẫn tới sự gia tăng của những con ngõ trên địa bàn TP thưa ông?

- Năm 1942, chính quyền thời đó đưa các phố, phường thuộc tỉnh Hà Đông về Hà Nội, gọi là Đại lý Hoàn Long. Nên phố Bạch Mai, Tương Mai, Trương Định hay Ngã Tư Sở về Hà Nội. Năm 1943, người Pháp có quy hoạch nhưng không được thông qua do người Nhật đã xâm chiếm Đông Dương. Vì thế, ở Hà Đông, người dân cứ xây nhà lên; và từ làng biến thành phố, thành ngõ một cách tự phát… Nguyên nhân là khu vực nội đô đã quá chật trội, giá đất lại cao trong khi giá đất các làng ven đô rất rẻ. Người có tiền trên phố về các vùng này tậu đất lập cơ sở sản xuất mới, có người mua mở cửa hàng buôn bán. Đô thị hóa tự phát dẫn đến các ngõ từ đường chính vào làng trở thành ngõ phố.

Trong suốt thời gian sau 1954 và cuối thế kỷ XX, gần như không có quy hoạch hoặc có quy hoạch nhưng không thực hiện được. Vì thế ở Hà Nội, riêng phố Bạch Mai có rất nhiều ngõ; có ngõ hẹp như ngõ Hậu Khuông 2 người cũng khó. Đặc biệt ở phố Khâm Thiên có Ngõ Chợ, khi đi vào thì rộng nhưng rẽ vào ngách khác rất chật. Bây giờ một số nơi chúng ta vẫn gọi là ngõ nhưng nơi có lối nhỏ hơn gọi là ngách. Đó là hậu quả của cái không quy hoạch hoặc có quy hoạch nhưng không thực hiện được.

Đến thập niên 90 của thế kỷ XX, khi TP mở rộng, nâng cấp một số xã của huyện ngoại thành lên phường như ở quận Tây Hồ thì một ngày đẹp trời từ làng bỗng nhiên thành phố. Đường làng biến thành phố, đường nhỏ biến thành ngõ, ngách; việc xây dựng ở đó khá lộn xộn. Người dân lấn chiếm không gian, có ngõ ở khu vực Đội Cấn, Thụy Khuê nếu đi vào ban ngày không nhìn thấy ánh mặt trời vì họ lấn ban công ra thêm diện tích sử dụng.

Đó là hậu quả của việc chưa có quy hoạch hoặc có quy hoạch nhưng chưa thực hiện được. Điều đó cũng dẫn đến việc nhiều phố không cây xanh, không vỉa hè, phương tiện giao thông đi lẫn người đi bộ, làm giảm đi mỹ quan đô thị. Có thể thấy, từ khi Hà Nội mở rộng có thể chia làm 3 khu vực: phố cổ; phố cũ; phố từ làng. Và khu vực phố sinh ra từng làng khá nhộn nhạo, bất cập về hạ tầng.

Dân số tăng nhanh và không đủ nguồn lực để quy hoạch, giải tỏa dân cư mở rộng đường dẫn tới nhiều bất cập, nguy hiểm tiềm ẩn trong các con ngõ. Vậy cần làm gì để ngõ phố văn minh hơn?

- Mong muốn Hà Nội văn minh - hiện đại đã có từ lâu. Để thực hiện quy hoạch trong điều kiện đô thị hóa tự phát phải trả giá nhiều. Bằng chứng, chúng ta đã làm ra những còn đường đắt nhất hành tinh như ở khu vực Đê La Thành, Giảng Võ.

Đối với các ngõ ở phố nhỏ ở huyện ngoại thành lên quận; từ làng lên phố bây giờ là một vấn đề nan giải. Ngõ ở đó bây giờ cải tạo không dễ, muốn nó văn minh hơn cũng khó vì thẳng thắn nhìn nhận là đã có một thời các đơn vị cấp phường, đội ngũ quản lý trật tự đô thị buông lỏng, nếu không muốn nói là lờ đi sai phạm cho người ta xây dựng. Một sai lầm trong giai đoạn dài là chúng ta đã thực hiện theo hướng phạt nhưng cho tồn tại, sinh ra nhốn nháo của khu vực làng lên phố; của khu vực huyện trở thành quận.

Chúng ta đã tiến hành cấp sổ đỏ cho hầu hết gia đình, vì vậy muốn giải phóng thì cần chính sách đền bù cần hợp lý. Nhưng rất may trong Luật Thủ đô sửa đổi năm 2024 được Quốc hội thông qua, cho phép Hà Nội tử chủ, tự quyết, tự làm. Hà Nội đã và chủ động hơn. Bằng chứng là việc, Hà Nội quy hoạch, cải tạo, giải phóng phía Đông hồ Gươm, phá bỏ tòa nhà hàm cá mập. Muốn TP văn minh, gọn gàng cần có thời gian và đầu tư lớn.

Xin cảm ơn ông!

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Những trường hợp không nên đi tảo mộ Tết Thanh minh

Những trường hợp không nên đi tảo mộ Tết Thanh minh

05 Apr, 09:21 PM

Kinhtedothi - Đi tảo mộ là tục lệ truyền thống vào dịp Tết Thanh minh, bởi vậy cũng có những lưu ý, kiêng kỵ nhất định theo quan niệm dân gian. Dưới đây là những người không nên đi tảo mộ trong ngày Tết Thanh minh.

Những mùa hoa tháng Tư

Những mùa hoa tháng Tư

05 Apr, 09:18 PM

Kinhtedothi - Nhiều người không thích tháng Tư bởi không chịu nổi sự gắt gỏng, hanh hao của nó. Nhưng tôi lại yêu tháng Tư theo một cách rất riêng, gần gũi và nên thơ đến lạ. Có dịp đi nhiều nơi, vượt qua nhiều tháng Tư nóng rát, tôi chợt thấy có những mùa hoa chỉ dành riêng cho tháng Tư.

Nên đi đường nào đến Đền Hùng để tránh ùn tắc?

Nên đi đường nào đến Đền Hùng để tránh ùn tắc?

04 Apr, 07:25 PM

Kinhtedothi - Các chủ phương tiện có nhiều hướng tiếp cận khác nhau đến khu vực Đền Hùng (xã Hy Cương, phía Tây TP Việt Trì, Phú Thọ). Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Phú Thọ khuyến cáo các chủ phương tiện cần tuân thủ theo hướng dẫn của cảnh sát giao thông và kế hoạch phân luồng từ để di chuyển đúng quy định nhằm đảm bảo giao thông được thông suốt, tránh ùn tắc.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ