Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đổi thay ở địa đạo Nam Hồng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xã Nam Hồng (huyện Đông Anh) là một vùng quê giàu truyền thống đấu tranh cách mạng được biết đến với hệ thống địa đạo độc đáo trong kháng chiến.

Nơi đây hiện còn lưu giữ nhiều chứng tích của cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp gian khổ của quân và dân ta.

Tự hào dấu tích xưa

Dẫn chúng tôi thăm khu di tích lịch sử địa đạo Nam Hồng, ông Phạm Thanh Phương - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Nam Hồng chia sẻ, địa đạo từng được đánh giá là một hình thức tác chiến độc đáo, tiêu biểu ở Đồng bằng Bắc bộ thời kỳ 1946 - 1954. Địa đạo này gắn liền với truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân Nam Hồng - xã Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Tuy nhiên, đến nay, hầu hết các hạng mục đã hư hỏng nhiều, chỉ còn lại một vài chứng tích, nhưng việc bảo tồn đang gặp nhiều khó khăn. Nằm ven cánh đồng, hào lũy năm xưa từng là vành đai vững chãi bảo vệ làng kháng chiến Nam Hồng giờ chỉ còn dài chừng 50m. Cây dại mọc um tùm bên những gốc tre đang ngày một thưa thớt dần. Hệ thống địa đạo dài gần 11km trong lòng đất hiện đã hư hỏng phần lớn, chỉ còn lại chừng 250m chạy từ thôn Vệ tới khu vực hào lũy.
Nhà truyền thống Nam Hồng - nơi lưu giữ nhiều hiện vật, tư liệu quý giá  về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân xã Nam Hồng.
Nhà truyền thống Nam Hồng - nơi lưu giữ nhiều hiện vật, tư liệu quý giá về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân xã Nam Hồng.
Quét lớp lá, bụi đất phủ dầy trên nắp một trong 2 cửa hầm địa đạo còn sót lại, ông Phạm Quang Dộc (SN 1947) kể với giọng trầm buồn, ông sinh ra đúng thời điểm dân làng bắt tay xây dựng các căn hầm. Ban đầu là để trú ẩn, về sau, các căn hầm được nối thông với nhau tạo thành hệ thống địa đạo chằng chịt trong lòng đất dài hơn chục cây số. Hệ thống địa đạo phục vụ tác chiến, hỗ trợ đắc lực cho quân và dân ta đánh thắng nhiều trận càn quét của thực dân Pháp. Tuy nhiên, qua năm tháng, hệ thống địa đạo oai hùng một thuở này ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.

Dù vậy, nơi đây vẫn còn nhiều tư liệu, hình ảnh quý về làng kháng chiến Nam Hồng năm xưa. Trên địa bàn xã hiện còn 2 nhà bia tóm tắt thành tích kháng chiến của quân và dân Nam Hồng, ghi danh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của xã và đánh dấu thời điểm Đảng bộ và Nhân dân xã Nam Hồng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhà truyền thống trong khuôn viên UBND xã Nam Hồng được đầu tư xây dựng khang trang, là nơi bảo tồn, lưu giữ những hiện vật quý giá trong cuộc chiến tranh vệ quốc; về những chuyến thăm, làm việc của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước giai đoạn 1945 - 1954, thời kỳ đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Trên đường đổi mới

Về Nam Hồng những ngày tháng 8 lịch sử, trong không khí quân và dân Thủ đô cũng như cả nước đang nô nức chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khách 2/9, có thể cảm nhận được sự đổi thay mạnh mẽ ở vùng kháng chiến anh hùng năm xưa. Những con đường rợp bóng cờ hoa rực rỡ. Những cánh đồng xanh màu lúa mới trong nắng vàng… Tất cả như minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ nơi đây.

Đáng tự hào hơn, vào tháng 4/2014, xã Nam Hồng vinh dự là một trong những địa phương đầu tiên của huyện Đông Anh được công nhận đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015.

Ông Nguyễn Tiến Dương - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Hồng cho biết, theo quy hoạch chung của TP, xã Nam Hồng phấn đấu trở thành vùng thương mại - dịch vụ, kết hợp du lịch sinh thái phát triển của Thủ đô. Bên cạnh việc duy trì, giữ vững 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã đạt được, xã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng khoa học kỹ thuật, hướng tới phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn. Đồng thời, đa dạng hóa các loại hình du lịch sinh thái theo hướng bền vững…

Ông Dương cũng bày tỏ mong muốn, bên cạnh hỗ trợ địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, TP quan tâm, nghiên cứu bố trí vốn thực hiện dự án khôi phục nguyên trạng địa đạo Nam Hồng. Không chỉ phục vụ mục tiêu phát triển ngành du lịch, dự án còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc của thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Về thành tích của quân và dân Nam Hồng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 26/11/1995, khi về thăm nơi đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: "Nam Hồng là một làng kháng chiến có thành tích chiến đấu oanh liệt. Hệ thống địa đạo chiến đấu Nam Hồng là một di tích lịch sử có một không hai ở Đồng bằng Bắc bộ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tôi thấy đây là một di tích lịch sử rất quý giá, rất cần được bảo vệ, tôn tạo để giáo dục truyền thống cho các thế hệ. Cần có sự quan tâm và đầu tư thích đáng".