Đối thoại để phát huy quyền làm chủ của người dân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người dân nêu ý kiến phản ánh tại buổi đối thoại. Ảnh: Quang Thiện

Buổi đối thoại đợt 2 giữa Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ với hơn 200 công dân đại diện cho 12 xã, thị trấn trên địa bàn vừa kết thúc với nhiều vấn đề nóng được mổ xẻ. Điều đáng ghi nhận nhất là lãnh đạo huyện đã thẳng thắn rút kinh nghiệm từ những phản ánh, góp ý của người dân.

Sôi nổi

Dường như dư âm của lần đối thoại đầu tiên với Bí thư Huyện ủy hồi cuối tháng 9 vẫn còn khá nóng khiến buổi đối thoại lần hai thu hút được đông đảo người dân tham dự. Không khí buổi đối thoại luôn sôi nổi với những cánh tay liên tiếp giơ lên xin phát biểu ý kiến. Ông Đỗ Văn Hộ, xã Sen Chiểu phản ánh với Bí thư Huyện ủy vấn đề bức xúc nhất tại địa phương là nước sạch và ô nhiễm môi trường. Theo ông Hộ, 80% hộ dân trên địa bàn có nghề chế biến nông sản. Công nghệ càng phát triển, càng nhiều máy móc trang thiết bị thay thế cho lao động thủ công thì lượng nước thải đổ ra hệ thống cống rãnh, ao hồ ngày càng lớn, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường. “Nhiều diện tích lúa, rau bị chết vì nước thải và nguồn nước sinh hoạt cũng bị ảnh hưởng không nhỏ” – ông Hộ chia sẻ.

 
Người dân nêu ý kiến phản ánh tại buổi đối thoại. Ảnh: Quang Thiện
Kinhtedothi - Người dân nêu ý kiến phản ánh tại buổi đối thoại. Ảnh: Quang Thiện
Trong khi đó, bà Khuất Thị Đá, xã Phúc Hòa cho biết, hiện nay Nhà nước đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, song thực sự cơ chế, chính sách này đến với người dân chưa được nhiều. Tình trạng thiếu tư liệu sản xuất, giá cả vật tư nông nghiệp cao, lợi nhuận từ sản xuất thấp đang là nỗi trăn trở lớn của người nông dân. Đặc biệt, theo bà Đá, hiện nay tình trạng chuyển đổi sản xuất tự phát tại một số địa phương đã gây ra nhiều vấn đề bất cập. Đó là người dân tự ý trồng đu đủ, chuối trong các vùng lúa làm giảm năng suất lúa và gia tăng nạn chuột phá hoại đồng ruộng. Ngoài ra, theo bà Đá, những năm gần đây, tình trạng tranh chấp, vi phạm quản lý đất đai diễn ra phức tạp nhưng chưa được xử lý dứt điểm và một bộ phận đội ngũ cán bộ còn thiếu năng lực.

Tại buổi đối thoại, đã có trên 50 câu hỏi của công dân các xã, thị trấn được nêu ra. Ngoài vấn đề về nước sạch, môi trường, phát triển sản xuất, người dân còn  tập trung nêu ý kiến phản ánh về công tác cán bộ, thái độ phục vụ của cán bộ thuộc bộ phận hành chính, khiếu nại tố cáo, kiên cố hóa kênh mương... Tất cả những ý kiến này đều được các thôn, cụm dân cư của các xã, thị trấn họp bàn, tổng hợp để phản ánh với lãnh đạo huyện. Điều này cho thấy, người dân ngày càng quan tâm đến công tác quản lý của chính quyền địa phương và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở là "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra".

Nâng cao thái độ phục vụ

Trong buổi đối thoại được phát trực tiếp trên hệ thống loa truyền thanh toàn huyện, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu đã tập trung trả lời, trao đổi 10 vấn đề lớn mà người dân đặc biệt quan tâm, đồng thời giao cho các ngành, phòng, ban chức năng của huyện ghi nhận, giải đáp ý kiến của công dân. Lãnh đạo Phòng TN&MT thừa nhận, tình trạng nước thải sinh hoạt đang là vấn đề bức xúc, nhất là việc xây dựng các hệ thống cống, rãnh thoát nước thải một cách tự phát trong khu dân cư. Để khắc phục tình trạng này, trong đề án xây dựng nông thôn mới của mỗi xã, huyện đã chỉ đạo bố trí quy hoạch điểm thu gom, xử lý nước thải. Trước mắt, lãnh đạo Phòng TN&MT khuyến cáo bà con nên xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học như nuôi bèo tây. Về thủ tục hành chính, ông Phùng Anh Tuấn – Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ cũng nhất trí với kiến nghị của công dân là thủ tục nhận hỗ trợ mua máy móc cơ giới hóa nông nghiệp còn rườm rà khiến người dân khó tiếp cận. Ông Tuấn cho biết, ngoài chính sách của TP, huyện Phúc Thọ còn hỗ trợ 10% giá trị mỗi máy gặt đập, máy cấy cho người dân. Điểm đáng ghi nhận ở lần đối thoại thứ hai này là việc nhiều lãnh đạo phòng, ban chuyên môn của huyện đã mạnh dạn tiếp thu và cảm ơn ý kiến đóng góp của người dân, nhất là về thái độ phục vụ.

Trước ý kiến của người dân về thái độ thiếu tận tình của cán bộ công an, bộ phận hành chính, ông Bùi Xuân Trường – Trưởng Công an huyện Phúc Thọ thừa nhận, do lực lượng mỏng, áp lực công việc nhiều nên đã xảy ra hiện tượng trên. Tuy nhiên, ông Trường khẳng định, sẽ chỉ đạo kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng này, đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được đóng góp của người dân.

Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu khẳng định, Phúc Thọ sẽ tổ chức thường niên đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy với người dân từ xã, thị trấn đến huyện nhằm phát huy hơn nữa quyền làm chủ của người dân, để người dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh. Thông qua các buổi đối thoại, lãnh đạo huyện, xã nắm được tâm tư, nguyện vọng của người dân để giải đáp, tháo gỡ kịp thời. Đặc biệt, ông Hiểu lưu ý các phòng, ban, ngành thông qua đối thoại cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm, đổi mới phương pháp công tác, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Ngay sau chương trình đối thoại cấp huyện, Huyện ủy Phúc Thọ đã chỉ đạo Bí thư Đảng ủy các xã, thị trấn sẽ tổ chức đồng loạt đối thoại với người dân địa phương trong tháng 11/2014.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần