Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đôi tuyển quốc gia: Chuyên nghiệp từ cái sân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong lần tập trung này của Đội tuyển quốc gia (ĐTQG) có một nét mới, đó là việc các cầu thủ được tập trên một mặt sân đạt chất lượng FIFA.

Đây là sản phẩm có dấu ấn của nhà tài trợ ĐTQG - Công ty Yanmar của Nhật Bản. Được tập luyện và thi đấu trên một mặt sân phẳng và êm khiến các tuyển thủ cảm thấy rất phấn khích.

Sướng như… Đội tuyển

Thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng lần đầu tiên được tập trên một mặt sân tốt như vậy. Từ độ phẳng đến độ dày, mềm của cỏ đều đạt chuẩn quốc tế. Nó khác hẳn với những thảm cỏ lồi lõm, dày mỏng của sân tập cách đây không lâu. Thậm chí, ngay cả khi báo chí vào cuộc thì ĐT vẫn phải tập trên một cái mặt sân không đủ tiêu chuẩn bởi lẽ VFF không có lựa chọn khác. Họ chỉ có một mặt sân nhân tạo, một mặt sân cỏ tự nhiên trong khi nhu cầu sử dụng thì quá lớn. Ngoài ĐT nữ, ĐT nam, còn có đội trẻ nữ, đội trẻ nam và hàng loạt sự kiện khác khiến mật độ sử dụng sân trở nên dày đặc. Bất chấp việc bộ phận chuyên trách đã làm mọi cách để chăm sóc, bảo dưỡng mặt sân nhưng chất lượng vẫn không thể đảm bảo. Gần một năm trước, như một sự phản ứng tiêu cực, HLV Miura đã phải đưa học trò lên sân của Viettel - cách Mỹ Đình 30km khiến VFF hứng không ít gạch đá từ dư luận...
Sự hào hứng của các tuyển thủ. Ảnh: Tuấn Tú
Sự hào hứng của các tuyển thủ. Ảnh: Tuấn Tú
Cuối cùng, sau một thời gian tích cực tu sửa, VFF đã có được một mặt sân chất lượng cao thông qua đối tác Yanmar - vốn là đơn vị chuyên kinh doanh về mảng máy nông nghiệp. Điều này tạo điều kiện cho các cầu thủ được tập luyện trong một điều kiện lý tưởng. Các bài tập sẽ diễn ra thuận lợi hơn, những đường chuyền sẽ có sai số thấp hơn và chuyên môn của ĐT được cải thiện nhờ điều đó. Quan trọng nhất, mặt sân bằng phẳng, mặt cỏ êm đẹp sẽ giúp cho các cầu thủ tránh được những chấn thương không đáng có. Thực tế cho thấy, trong quá khứ, nhiều lần ĐTQG đã phải chia tay không ít cầu thủ vì chấn thương trong tập luyện làm ảnh hưởng đến kết quả chung cuộc của các giải đấu.

…Và thương cho V.League

Nhiều tuyển thủ khi được tập ở ĐT đã tâm sự rằng “ước gì các đội bóng có được những mặt sân đạt chuẩn như ở VFF”. Khi ấy, kỹ thuật căn bản của các cầu thủ sẽ được cải thiện rất nhiều. Và đương nhiên, V.League sẽ hấp dẫn hơn khi các cầu thủ thỏa sức phô diễn những phẩm chất kỹ thuật vượt trội.

Bao lâu qua, các nhà quản lý bóng đá luôn đau đầu với việc giám sát và thực thi điều kiện về cơ sở vật chất giải đấu. Trước mỗi giải thường có đoàn kiểm tra về sân bãi ở mỗi đội bóng nhưng cuối cùng, các trận đấu vẫn diễn ra trên các “mặt ruộng” chứ không phải thảm cỏ êm như ru. Nói đâu xa, trận Siêu Cúp 2015 mở đầu cho mùa giải 2016 giữa Bình Dương và Hà Nội T&T được tổ chức tại Thanh Hóa đã có cảnh dở khóc dở cười là nhà tổ chức phải… đổ cát vào những vũng nước trên sân để thi đấu.

Các đội bóng thường viện nhiều lý do, nhất là về tài chính để giải thích cho việc họ thiếu mặt sân đạt chuẩn. Nhưng, nếu không hành động thì mãi mãi bóng đá Việt Nam sẽ phải thi đấu trên những mặt sân lồi lõm ruộng cày. Và cả Ban tổ chức giải nữa, một khi họ tiếp tục thỏa hiệp, không cương quyết đòi hỏi phải cải tạo cơ sở vật chất ở các đội bóng thì chất lượng giải đấu, chất lượng cầu thủ mãi mãi sẽ không bao giờ được cải thiện.