Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đói vốn, doanh nghiệp trong vòng bế tắc

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Dù thanh khoản dồi dào, các ngân hàng liên tục công bố giảm lãi suất nhưng hiện nay nhiều người dân, doanh nghiệp cho biết họ gần như không thể tiếp cận vốn ngân hàng.

Tiếp cận tín dụng vẫn là rào cản

Những ngày gần đây cho thấy các ngân hàng liên tục tung ra các gói vay ưu đãi lớn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Cùng với các gói vay khủng, các ngân hàng cũng đua giảm lãi suất huy động để có thể giảm giá vốn, qua đó kéo giảm lãi suất cho vay hơn nữa nhằm có thể khơi thông dòng vốn ra thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thế nhưng việc tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng không dễ dàng.

Doanh nghiệp cần được tiếp sức để khôi phục, phát triển sản xuất. Ảnh minh hoạ
Doanh nghiệp cần được tiếp sức để khôi phục, phát triển sản xuất. Ảnh minh hoạ

Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam Nguyễn Văn Kết cho hay, việc tiếp cận vốn vay với doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn khó khăn do nhiều thủ tục liên quan đến tài sản bảo đảm... Để đầu tư cho việc đa dạng hóa sản phẩm, nâng cấp công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm đòi hỏi thời gian kéo dài, trong khi thị trường ảm đạm, mọi lợi nhuận có được trong thời điểm này chỉ đang tạm giúp doanh nghiệp ổn định trở lại, duy trì, giữ chân người lao động và khách hàng.

Giám đốc Công ty TNHH Dệt may Dony Phạm Quang Anh cho biết, hiện doanh nghiệp đi vay với lãi suất khoảng 11-12%/năm, mức này đã giảm 2% so với trước. "Tuy nhiên, mức giảm này vẫn rất cao, đặc biệt với các doanh nghiệp vay ngắn hạn", ông thừa nhận.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean Phạm Văn Việt chia sẻ: "Trong bối cảnh thị trường bất thường nhưng chính sách thẩm định cho vay của ngân hàng vẫn như trong giai đoạn bình thường, tức là vẫn phải có dòng tiền, phải có lãi, phải tăng trưởng nên rất khó cho doanh nghiệp.

Nếu kéo dài tình trạng này, doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất, không giữ được các thị trường truyền thống và kim ngạch xuất khẩu", ông Việt nói và cho biết một số doanh nghiệp phải đi vay "nóng" bên ngoài xã hội với lãi suất cao để duy trì hoạt động trong tình cảnh hiện nay.

Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) TS Tô Hoài Nam lưu ý, việc giảm từ 1% đến 2% lãi suất cho vay chỉ có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp lớn, có giá trị khoản vay cao. Còn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thì sẽ quan tâm nhiều hơn đến các điều kiện vay vốn.

“Các ngân hàng không được phép hạ chuẩn tín dụng. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp trước đây vốn chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thì nay, dù ngân hàng đưa ra các chương trình ưu đãi cũng vẫn rất khó để tiếp cận được nguồn vốn này”- ông Tô Hoài Nam chia sẻ.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng muốn ưu tiên dành nguồn vốn tín dụng cho các khách hàng truyền thống của mình, có quan hệ với ngân hàng, những khách hàng vốn có đầy đủ điều kiện theo quy định của tổ chức tín dụng. Với những doanh nghiệp nhỏ, tình hình tài chính dễ tổn thương, không có tài sản thế chấp, thì các ngân hàng cũng chịu thiệt hại nặng nề theo. Như vậy, thực tế là các ngân hàng cũng phải lo cho mình trước, các chương trình ưu đãi của tổ chức tín dụng cũng giống như hiện tượng “nước chảy chỗ trũng” mà thôi.

Cần gia hạn nợ gốc, giảm lãi suất để hỗ trợ sản xuất

Những tháng đầu năm nay, tín dụng tăng rất chậm. Tính đến ngày 24/2, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 0,77% so với cuối năm 2022.

Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, trong quý I, các biến động của thị trường trong nước và thế giới đã tác động không nhỏ tới doanh nghiệp, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn tới nhu cầu vốn tín dụng của một số doanh nghiệp, lĩnh vực chững lại. Bên cạnh đó, tín dụng tăng thấp quý vừa qua cũng do đây là giai đoạn đầu năm, nên một số dự án, hoạt động đầu tư bị gián đoạn bởi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. “Thông thường tăng trưởng tín dụng đầu năm đều thấp hơn so với các quý khác, nhưng mức tăng trưởng không đạt kỳ vọng trong quý I cũng là yếu tố để đánh giá những khó khăn của các doanh nghiệp, lĩnh vực kinh tế hiện nay”, ông Tú cho biết.

Bà Trịnh Thị Ngân - Trưởng ban cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội thừa nhận, những hạn chế bắt nguồn từ đa phần các doanh nghiệp này bắt nguồn từ hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, kiến thức về nghiệp vụ tài chính còn hạn chế. Bà Ngân kiến nghị, để tạo thuận lợi cho tiếp cận nguồn vốn thì các ngân hàng có thể linh hoạt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay những gói tín dụng nhỏ, hay nói cách khác cần có chính sách riêng cho nhóm doanh nghiệp nhỏ vừa vừa, cho phép áp dụng chuẩn riêng khác chuẩn vay thông thường, thì doanh nghiệp mới có thể tiếp cận vốn.

Các chuyên gia kinh tế đề xuất, Ngân hàng Nhà nước có thể nghiên cứu cơ chế đặc thù và tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại được chủ động xem xét cho doanh nghiệp được cơ cấu nợ, gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ... Việc này sẽ giúp doanh nghiệp duy trì dòng vốn bảo đảm hoạt động và không làm tăng thêm nợ xấu của ngân hàng. Bên cạnh đó, các ngành chức năng có thể cân nhắc tiếp tục giảm thuế hoặc hoãn thuế và tìm các nguồn tài chính cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp để duy trì sản xuất, giữ ổn định lao động. Về lãi suất, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ còn hạ tiếp để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển.

 

Để hỗ trợ doanh nghiệp, cần có giải pháp về tiền tệ, tài khóa và chính sách thể chế. Nên cân nhắc hoãn, giãn các khoản thuế, phí doanh nghiệp phải nộp cho hết năm, cân đối lại gói phục hồi và kéo dài gói hỗ trợ giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) nhằm kích cầu tiêu dùng trong nước và vẫn kiềm chế lạm phát hiệu quả. (Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách VEPR - TS Nguyễn Quốc Việt)

Mới đây, Bộ KH&ĐT đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ về việc sửa đổi quy định tại Nghị định 31/2022 theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục, điều kiện cho vay. Từ đó tạo điều kiện đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc sửa đổi nghị định cũng mất nhiều thời gian trong khi doanh nghiệp lại đang khát vốn với lãi suất thấp. Chính vì vậy nên điều chuyển nguồn hỗ trợ lãi suất 2%/năm chưa giải ngân được sang gói hỗ trợ khác. Ví dụ dùng nguồn vốn này hỗ trợ miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp thuế tiền thuê đất… cho các doanh nghiệp trong lúc họ đang gặp khó khăn như hiện nay.