Chương trình khuyến mại tập trung TP Hà Nội 2023

Đòn bẩy kích cầu tiêu dùng hàng Việt

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chương trình khuyến mại tập trung TP Hà Nội 2023 được các chuyên gia kỳ vọng là đòn bẩy kích cầu tiêu dùng mua sắm qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa. Đây cũng là hoạt động thực hiện hiệu quả chương trình hành động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

25.000 tỷ đồng kích cầu mua sắm

Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội, chương trình khuyến mại tập trung TP Hà Nội sẽ thu hút khoảng 20.000 thông báo khuyến mại của 3.000 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, xây dựng... Chương trình gồm nhiều hình thức khuyến mại, giảm giá lên đến 100% với giá trị khuyến mại lên tới 25.000 tỷ đồng.

Người tiêu dùng mua hàng khuyến mại, giảm giá tại sự kiện “Ngày hội khuyến mại hàng tiêu dùng và nông sản”. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua hàng khuyến mại, giảm giá tại sự kiện “Ngày hội khuyến mại hàng tiêu dùng và nông sản”. Ảnh: Hoài Nam

Trong thời gian diễn ra chương trình, các doanh nghiệp sẽ tổ chức nhiều chương trình khuyến mại quy mô lớn. Cụ thể, trong tháng 5 sẽ diễn sự kiện “Ngày hội khuyến mại thời trang và làm đẹp – Fashsion and Beauty Promotion day”,  trong tháng 7 diễn ra sự kiện "Ngày hội khuyến mại điện tử, công nghệ - Electric & Technology promotion day".

Tiếp đó, tháng 11/2023 sẽ diễn ra sự kiện Tháng Khuyến mại năm 2023 và sự kiện Hà Nội đêm không ngủ - Ha Noi Midnight Sale 2023 thu hút khoảng 200 doanh nghiệp, siêu thị…hưởng ứng kích hoạt chương trình. Trong thời gian tổ chức các chương trình khuyến mại, doanh nghiệp sẽ giảm giá từ 30-100% cho các sản phẩm đăng ký tham gia khuyến mại qua đó kích thích mua sắm của người dân.

Người tiêu dùng mua hàng khuyến mại, giảm giá tại sự kiện “Ngày hội khuyến mại hàng tiêu dùng và nông sản”. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua hàng khuyến mại, giảm giá tại sự kiện “Ngày hội khuyến mại hàng tiêu dùng và nông sản”. Ảnh: Hoài Nam

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, với các cú hích kích cầu trên, Chương trình Khuyến mại tập trung TP Hà Nội 2023 sẽ đạt được những kết quả cao, góp phần triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hoàn thành các chỉ tiêu TP Hà Nội đã đề ra năm 2023.

“Chương trình Khuyến mại tập trung TP Hà Nội không chỉ là đòn bẩy kích cầu tiêu dùng mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp quảng bá thương hiệu Việt, người tiêu dùng được tiếp cận, mua sắm hàng hóa với mức giảm giá sâu, chất lượng đảm bảo” - bà Lan khẳng định.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Chương trình Khuyến mại tập trung TP Hà Nội 2023 có nhiều hoạt động hấp dẫn, thiết thực, đặc biệt mức khuyến mại lên đến 100% sẽ thúc đẩy tổng mức lưu chuyển hàng hóa, doanh thu dịch vụ trên địa bàn Hà Nội tăng trưởng. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh góp phần thu hút khách du lịch qua đó phục hồi kinh tế Thủ đô.

Người tiêu dùng mua hàng khuyến mại, giảm giá tại sự kiện “Ngày hội khuyến mại hàng tiêu dùng và nông sản”. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua hàng khuyến mại, giảm giá tại sự kiện “Ngày hội khuyến mại hàng tiêu dùng và nông sản”. Ảnh: Hoài Nam

Giám đốc Big C và Go khu vực miền Bắc Lê Mạnh Phong chia sẻ, trong Chương trình Khuyến mại tập trung TP Hà Nội 2022, đơn vị đã tham gia chương trình "Hà Nội đêm không ngủ - HaNoi Midnight sale" và đạt được kết quả ngoài mong đợi khi thu hút lượng lớn khách đến mua sắm. Từ kết quả đó, năm 2023 đơn vị tiếp tục đăng ký tham gia chương trình và mong muốn ban tổ chức đẩy mạnh quảng bá chương trình để người dân được biết.

Nói không với khuyến mại “ảo”

Mặc dù chương trình khuyến mại tập trung sẽ tạo cơ hội cho người dân tiếp cận hàng giá rẻ, nhưng không ít người tiêu dùng lo ngại việc doanh nghiệp lợi dụng hoạt động này để bán hàng kém chất lượng, tổ chức khuyến mại “ảo”.

Người tiêu dùng mua hàng khuyến mại, giảm giá tại sự kiện “Ngày hội khuyến mại hàng tiêu dùng và nông sản”. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua hàng khuyến mại, giảm giá tại sự kiện “Ngày hội khuyến mại hàng tiêu dùng và nông sản”. Ảnh: Hoài Nam
 

Người tiêu dùng trước khi mua hàng cần tìm hiểu kỹ về chương trình khuyến mại, yêu cầu người bán hàng thực hiện nghiêm túc nội dung khuyến mại như đã cam kết. Khi thấy dấu hiệu vi phạm, lừa đảo khuyến mại, yêu cầu giải quyết, bồi thường thiệt hại khi phát hiện quyền lợi của mình bị vi phạm. Đồng thời thông báo cho Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để Hội bảo vệ quyền lợi theo quy định của pháp luật

Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú

Liên quan tới vấn đề này, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, cho rằng, chưa khi nào các chương trình khuyến mại, giảm giá diễn ra rầm rộ, liên tục như hiện nay. Mặc dù, được quảng cáo là giảm giá sập sàn, giảm giá sâu nhưng chưa chắc người tiêu dùng đã được hưởng lợi. 

Bởi thực chất, không ít doanh nghiệp sử dụng chiêu trò đẩy giá lên cao 60% đến 70% nên việc tổ chức khuyến mại giảm giá 30-50% thì người tiêu dùng vẫn là người chịu thiệt. Do vậy, người tiêu dùng phải hết sức cảnh giác trong việc lựa chọn các cơ sở có uy tín, bảo đảm chất lượng khi mua bán sản phẩm hàng hóa.

Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, ngăn chặn hiện tượng khuyến mại “ảo”, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, để đảm bảo tính công khai, minh bạch, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng,  các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chức năng có sự phối hợp với các hiệp hội ngành hàng  kiểm tra, giám sát… hoạt động khuyến mại của các doanh nghiệp.

Người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm khuyến mại tại Festival nông sản Hà Nội do HPA tổ chức. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm khuyến mại tại Festival nông sản Hà Nội do HPA tổ chức. Ảnh: Hoài Nam

Đặc biệt, nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, trong thời gian diễn ra chương trình, đơn vị đã yêu cầu các đội tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa của các doanh nghiệp tham gia chương trình. Trong đó chú trọng kiểm tra, xử lý những doanh nghiệp có biểu hiện thực hiện chương trình khuyến mại không đúng theo quy định của pháp luật. “Thậm chí, Cục Quản lý thị trường Hà Nội có thể áp dụng biện pháp rút đăng ký kinh doanh những đơn vị, doanh nghiệp cửa hàng vi phạm”-ông Kiên khẳng định.

Ban Tổ chức chương trình cũng chia sẻ, tất cả hàng hóa tham gia chương trình khuyến mại được truy xuất nguồn gốc qua mã code, xác thực niêm yết trên từng sản phẩm, dịch vụ giảm giá và triển khai các hoạt động mua sắm thông minh qua ứng dụng di động, website của doanh nghiệp.

Giảm giá, khuyến mại được xem là giải pháp để kích thích sức mua. Tuy nhiên, để các chương trình giảm giá khuyến mại đi vào thực chất, các đơn vị kinh doanh cần phải đảm bảo chất lượng hàng hóa khi giảm giá, tránh tình trạng nâng giá rồi giảm. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, xử phạt với trường hợp vi phạm quy định về khuyến mại, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.