Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đồn Biên phòng Khánh Hội “định vị“ tàu cá nhằm hạn chế vi phạm pháp luật trên biển

TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trước thực trạng hàng trăm tàu cá của ngư dân bị bắt giữ, bị phạt tiền, thậm chí phạt tù thuyền viên do đánh bắt hải sản ở vùng chồng lấn hoặc trong vùng biển của nước ngoài. UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các ngành tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành pháp luật khi ra khơi. Đây cũng là một trong nhiều công tác được Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh thực hiện khá tốt.

Vận động chủ tàu gắn định vị để kiểm soát
Đồn Biên phòng Khánh Hội đóng trên địa bàn xã Khánh Hội (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau). Toàn xã có 2.709 hộ dân, với 10.736 người chủ yếu sống bằng nghề nuôi, khai thác, đánh bắt, mua bán hải sản. Do đặc thù là xã bãi ngang ven biển, dân cư nhiều nơi đến làm ăn và sinh  sống, toàn xã có 3.885 tàu ra khơi thường xuyên, vì vậy tình trạng vi phạm pháp luật trên biển diễn biến phức tạp trong những năm qua. Để khắc phục tình trạng tàu cá vi phạm đánh bắt hải sản ngoài vùng biển quốc gia, Đồn Khánh Hội chủ động phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền các quy định, nghị định, các luật liên quan đến hoạt động trên biển để ngư dân chấp hành.
 Trung úy Nguyễn Hoàng Nam, Trưởng trạm kiểm soát Kinh Hội cùng chiến sĩ của trạm phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho ngư dân.
Đại úy Nguyễn Thanh Hải, Phó Đồn trưởng Biên phòng Khánh Hội, cho biết nội dung tuyên truyền, gồm: Không đánh bắt tận diệt hải sản, không đánh bắt cá non, không đánh bắt hải sản đang sinh sản; Chủ tàu tự quản lý thuyền viên của mình không để xảy ra tranh chấp, đánh nhau trên biển; Nếu bị hải quân nước ngoài bắt giữ, chủ tàu cá, thân nhân của ngư dân có trách nhiệm tự liên hệ với cơ quan chức năng của Việt Nam và Đại Sứ quán Việt Nam tại nước sở tại (nơi tàu cá vi phạm) để nộp phạt, chịu mọi chi phí cho việc đưa thuyền viên, tàu cá về Việt Nam; Đồng thời còn bị xử phạt theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ về xử phạt vi trong lĩnh vực thủy sản (nếu có vi phạm).
“Thời gian qua tình trạng tàu cá của ngư dân Cà Mau thường xuyên bị nước ngoài bắt giữ, phạt tiền, thậm chí phạt tù vì ngư dân đánh bắt hải sản trong vùng biển chồng lấn hoặc biển của nước ngoài. Thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, đơn vị nghiên cứu các điều khoản cần thiết nhất đối với ngư dân thì tham mưu in tờ rơi với nội dung ngắn gọn, súc tích rồi phát cho chủ tàu, ngư dân ngay tại trạm ra vào cửa biển. Qua tuyên truyền, đa phần chủ tàu chấp hành tốt, nhưng vẫn còn một số chủ tàu vì lợi ích kinh tế vẫn lén lút vi phạm khi đánh bắt trên biển”, đại úy Nguyễn Thanh Hải, bộc bạch.
Vậy làm cách nào để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm đánh bắt ở vùng biển nước ngoài? Trung úy Nguyễn Hoàng Nam, Trưởng trạm kiểm soát Kinh Hội (Đồn Biên phòng Khánh Hội), cho biết: “Cán bộ, chiến sĩ (CBCS) thường tuyên truyền cho ngư dân bằng nhiều biện pháp, trong đó có biện pháp lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá dài 15m trở lên. Huyện U Minh có tổng số 186 phương tiện, hiện đã lắp được 180 phương tiện. Còn 6 phương tiện đang hoạt động ngoài địa phương chưa về nên chưa lắp. Riêng xã Khánh Hội có 165 phương tiện đã lắp đủ 100% kế hoạch. Đối với những tàu đã lắp thiết bị hành trình, khi đi đến đâu, ở trong bờ đều biết do đã định vị. Vì vậy khi tàu cá đến gần vùng biển nước ngoài, thiết bị sẽ phát tín hiệu cảnh báo, lúc đó Trung tâm điều hành của Đồn Biên phòng sẽ liên lạc yêu cầu chủ tàu quay lại vùng biển của nước mình”.
Theo thống kê của UBND tỉnh Cà Mau, từ năm 2010 đến ngày 8/3/2018, tổng số tàu cá và ngư dân Cà Mau bị nước ngoài bắt giữ, xử lý 333 tàu cá, với 2.809 thuyền viên. Trong đó bị tịch thu 256 tàu, bị bắn chìm 1 tàu, bị cặp mạn lấy tài sản 9 tàu, bị tiêu hủy 1 tàu, đã chuộc và được thả về 65 tàu với 567 thuyền viên.
Trong đó, Campuchia bắt 20 tàu/169 thuyền viên. Đã chuộc về tất cả với số tiền 28.500 USD và 168,2 triệu đồng; Thái Lan bắt giữ 272 tàu/2.226 thuyền viên, tịch thu 235 tàu/1968 thuyền viên, bắn chìm 1 tàu. Đã chuộc về 37 tàu/258 thuyền viên (12.000 USD, 1.400 Bath và 4,633 tỷ đồng); Malaysia bắt 43 tàu/414 thuyền viên, tịch thu 32 tàu/268 thuyền viên. Đã chuộc về 11 tàu/146 thuyền viên (2.000 USD, 12.600 Ringit và hơn 3 tỷ đồng).
Chung tay cùng địa phương xây dựng NTM
Không những thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, bảo vệ chủ quyền vùng biển của quốc gia, hạn chế tối đa tình trạng tàu cá vi phạm đánh bắt hải sản ở vùng biển của nước ngoài thông qua việc vận động lắp thiết bị hành trình. Đồn Biên phòng Khánh Hội cũng được chính quyền địa phương và người dân đánh giá khá tốt trong công tác phối hợp xây dựng Nông thôn mới (NTM).
 Công trình trồng hoa để đường làng trở nên sạch đẹp, do CBCS Đồn Biên phòng Khánh Hội cùng người dân thực hiện.
Xã Khánh Hội đến cuối năm 2018 vẫn còn 229 hộ nghèo/2.709 hộ dân. Để giúp dân phát triển kinh tế góp phần thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo cùng với địa phương, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng cử 11 cán bộ xuống địa bàn phụ trách 33 hộ gia đình khó khăn để giúp đỡ các hộ này về vật chất và hướng dẫn mô hình nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, thực hiện chương trình cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau, Đồn Khánh Hội còn thường xuyên hỗ trợ gạo cho 6 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Đặc biệt nhằm góp phần thực hiện thành công tiêu chí môi trường (tiêu chí khó thực hiện nhất trong 19 tiêu chí xây dựng NTM), Đồn Khánh Hội phối hợp cùng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của xã phát quang đường vào các ấp với tổng chiều dài 40km, đồng thời trồng 800 cây xanh trên các tuyến đường ấp, trồng hoa ở ven đường trước nhà dân để tạo cảnh quan. Ngoài ra, để bảo vệ môi trường biển, CBCS đồn mỗi khi tiếp xúc ngư dân còn tuyên truyền sau khi sử dụng túi ni lông, không ném xuống biển mà phải đưa vào bờ xử lý.
Bà Nguyễn Hồng Len (SN 1965, ngụ ấp 6, xã Khánh Hội), hồ hởi nói: “Trước kia đường vào ấp là đường đất sình lầy, trơn trợt, đi lại rất khó khăn. Muốn đem bó rau, con vịt ra chợ bán phải mất nửa buổi. Từ khi xã xây dựng NTM, bộ đội Đồn Khánh Hội tham gia cùng bà con làm đường bê tông, việc đi lại trở nên thuận lợi hơn, người dân vui lắm. Không những sửa lộ, làm đường, các chú bộ đội còn đào giúp dân của xã khoảng 100 hố rác trong vườn nhà để giữ vệ sinh. Từ khi có hố rác, nhận thức của người dân thay đổi, không vất rác xuống kênh, rạch như trước”.
Còn ông Quách Hoàng Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hội, nhận định: “Đến thời điểm này, xã thực hiện đạt 16/19 tiêu chí xây dựng NTM, còn 3 tiêu chí chưa đạt, gồm: trường học, đường giao thông nông thôn, nhà ở dân cư. Trong quá trình xây dựng NTM, UBND xã nhận được sự phối hợp rất tốt từ Đồn Biên phòng trong các công tác: vận động người dân, chăm lo và phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, xây nhà giúp dân. Hiện tại trong xã vẫn còn 41 hộ dân ở nhà tạm bợ. Vì vậy, UBND xã đã có kế hoạch phối hợp với đồn vận động người thân của 41 hộ này hỗ trợ tôn, cây, lá, để sửa chữa xây lại nhà nhằm đảm bảo đạt chuẩn NTM vào năm 2020”.
Tuyên truyền theo… con nước
“Đặc thù của ngư dân đi biển dài ngày, vì vậy để tập trung ngư dân và chủ tàu nghe phổ biến các quy định mới của pháp luật, CBCS đồn cứ nhằm mùng 9 đến 14 âm lịch của tháng, khi ngư dân theo con nước vào bờ, lúc đó đồn tập trung ngư dân và chủ tàu theo từng ngành nghề để tuyên truyền. Sau đó ngư dân và chủ tàu có trách nhiệm thuật lại cho người thân, người quen, nên hiệu quả tuyên truyền rất tốt. Chưa kể, hàng năm tàu thuyền phải đăng kiểm, thông qua dịp này đồn phát tờ rơi cho chủ tàu biết các quy định đánh bắt ra sao, khu vực nào được đánh bắt. Trong năm 2019, đồn đã tổ chức 28 buổi với khoảng 3.000 người nghe thông qua các hội thi về Luật Biển đảo; Tổ chức các lớp kiến thức quốc phòng cho tài công, chủ tàu. Trong đó tuyên truyền sâu rộng về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về quốc phòng an ninh. Hiệu quả cao nhất của công tác tuyên truyền là trong năm 2019, tình hình đánh bắt trên vùng biển nước ngoài giảm rõ rệt, người dân chấp hành rất tốt”, đại úy Nguyễn Thanh Hải, Phó Đồn trưởng Biên phòng Khánh Hội, chia sẻ.