Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dồn dập đề xuất giảm mạnh lãi vay: Có dễ thực hiện?

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lũy kế số tiền lãi, miễn giảm cho khách hàng của các tổ chức tín dụng (TCTD) tính trong 6 tháng đầu năm 2021 là hơn 20.000 tỷ đồng. Các DN, hiệp hội vẫn tiếp tục kiến nghị giảm hơn nữa suất cho vay. Việc giảm mạnh lãi suất thêm có dễ?

Dư địa chính sách tiền tệ ngày càng hạn hẹp

Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh mới đây vẫn đề xuất ngân hàng giảm 2% lãi suất cho vay đối với DN kinh doanh bất động sản và người mua nhà. Hiệp hội Nhựa Việt Nam kiến nghị NHNN sớm có chỉ đạo rà soát những khó khăn của DN bị ảnh hưởng đại dịch, giảm từ 2 - 3 điểm % lãi suất cho vay để hỗ trợ DN. Hiệp hội DN vừa và nhỏ Hà Nội đề xuất giảm 3% - 5%. Thậm chí nhiều DN ngành vận tải, du lịch… đề nghị vay với lãi suất 0 - 2%/năm, một đề xuất không tưởng trong bối cảnh lãi suất huy động vẫn ở mức cao.

 Ảnh minh hoạ

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, các ngân hàng thương mại (NHTM) nhiều lần cam kết giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, DN, mỗi khi nền kinh tế rơi vào khó khăn, mức giảm dao động khoảng 1%.

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, trong năm 2020, lãi suất toàn hệ thống trung bình giảm khoảng 1,2 - 1,5%. 7 tháng năm 2021, lãi suất giảm thêm khoảng 0,5% - 1%.

Báo cáo nhanh hàng tuần đến ngày 26/7/2021, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 198.638 khách hàng với dư nợ 309.147 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 787.479 khách hàng với dư nợ 1.395.135 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt 4.042.012 tỷ đồng cho 525.401 khách hàng.

Dù vậy các DN vẫn tiếp tục kiến nghị giảm lãi suất cho vay, cơ cấu nợ, khoanh nợ. Trước những kiến nghị của DN đang gặp khó khăn hiện nay, lãnh đạo một NHTM cổ phần có quy mô lớn cho rằng số lượng DN gửi đơn đến ngân hàng xin được giảm lãi vay và khoanh nợ rất lớn. Tuy nhiên, ngân hàng phải xem xét từng trường hợp cụ thể để có đồng ý hay không. Bởi ngân hàng cũng là một DN, dòng vốn cho vay phải huy động từ dân, nên ngân hàng kinh doanh phải đảm bảo sự an toàn và sinh lời của dòng tiền.

Thứ hai, nợ xấu tiềm ẩn còn rất lớn, ngân hàng cần có nguồn lực để trích lập dự phòng. Nếu không có đủ nguồn lực để trích lập dự phòng, xử lý nợ xấu ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng nói riêng, kinh tế vĩ mô nói chung. Theo các ngân hàng, với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cho vay mà không tính kỹ sẽ gặp nhiều rủi ro.

TS Lê Xuân Nghĩa cho biết, trong điều kiện kinh tế nước ta hiện nay, việc thực hiện chính sách tiền rẻ, đưa lãi suất về 2 - 3% sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy. Bởi áp lực lạm phát cả trong và ngoài nước đều khá lớn.

“Muốn giảm lãi suất cho vay thì phải giảm lãi suất huy động tương ứng. Với tình hình hiện nay rất khó giảm lãi suất đầu vào. Giả sử lạm phát được kiểm soát ở mục tiêu 4%/năm như Quốc hội đặt ra trong khi lãi suất tiền gửi hiện nay bình quân khoảng 5%/năm thì lãi suất thực dương chỉ là 1%/năm. Theo đó, nếu ngân hàng giảm thêm lãi suất huy động xuống thấp, dòng tiền sẽ chảy ra khỏi ngân hàng, khi đó ngân hàng sẽ rất dễ rơi vào bẫy thanh toán”- TS Nghĩa phân tích. Theo các chuyên gia, Chính phủ thận trọng trong việc sử dụng chính sách tiền tệ để hỗ trợ DN khi mà dư địa chính sách này đang rất hạn hẹp.

Cần thêm các chính sách khác hỗ trợ 

Theo các chuyên gia, thay vì giảm lãi suất, trong bối cảnh hiện nay, việc khẳng định về trách nhiệm xã hội của các ngân hàng là điều hết sức quan trọng và cần thiết, nhưng cũng cần phải thấy rõ rằng điều quan trọng với các DN gặp khó khăn không hẳn là vấn đề lãi suất, mà là vấn đề tiếp cận được các khoản vay. Và đó phải là các khoản vay giúp họ trang trải chi phí hoạt động trong bối cảnh dòng tiền hoạt động khó khăn như hiện nay. Thực tế minh chứng, không giảm lãi suất cho vay nhưng thực hiện cho vay các DN gặp khó khăn có thể còn tốt hơn hạ lãi suất cho vay.

TS Cấn Văn Lực, đánh giá việc NHNN tiến hành sửa đổi Thông tư 01 và Thông tư 03 là cần thiết. Lần điều chỉnh này đã nới rộng đối tượng được hỗ trợ; các DN cũng được cơ cấu lại thời gian trả nợ lâu hơn và tiếp tục được giảm phí, lãi suất. Với TCTD, có điều kiện để cơ cấu lại nợ thực chất hơn, nhất là những khoản nợ sau ngày 10/6/2020 đến 1/8/2021 và vẫn có thể tiếp tục cho vay mới đối với những DN này.

"Việc không phải chuyển nhóm nợ trong giai đoạn này giúp DN tiếp tục tiếp cận được vốn để có dòng tiền duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thông tư sửa đổi phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài và dự kiến Việt Nam chỉ có thể đạt miễn dịch cộng đồng vào quý II/2022" - TS Cấn Văn Lực nhìn nhận.

Dù vậy ông Lực cho rằng, bên cạnh chính sách tiền tệ, nhà nước cần có thêm chính sách khác để hỗ trợ DN. Trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đứt gãy, không tiêu thụ được sản phẩm đầu ra; thiếu nguyên vật liệu đầu vào và giá cả nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất tăng cao…. cần “phủ” vaccine ngừa Covid-19 cho lực lượng lao động. Tiết giảm chi phí (thuế, phí…) hỗ trợ mở rộng thị trường; hỗ trợ về thông tin, đào tạo nguồn nhân lực…

Đồng quan điểm, TS Võ Trí Thành cho rằng, muốn hồi phục nền kinh tế thì điều kiện tiên quyết là chúng ta phải sớm khống chế được bệnh dịch. Thậm chí, có thể xem xét cân đối điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng thấp hơn chút so với kỳ vọng nếu dịch bệnh còn diễn ra phức tạp để đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Ở các nước trên thế giới, khi kinh tế khủng hoảng họ thường phải sử dụng công cụ chính sách tài khoá với các gói kích cầu lớn thay vì sử dụng chính sách tiền tệ. Ở Việt Nam theo tôi cũng nên sử dụng công cụ chính sách tài khoá để hỗ trợ DN, nền kinh tế trong giai đoạn tới. Chúng ta cũng nên rút kinh nghiệm về thất bại của gói kích cầu bằng hạ lãi suất cho vay ngân hàng giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2009. Từ nay đến cuối năm 2021, điều hành chính sách tiền tệ tương đối vất vả khi vừa phải đáp ứng mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế lại vừa đảm bảo không để xảy ra rủi ro bong bóng tài sản, xa hơn là hệ lụy nợ xấu cho ngân hàng. TS Võ Trí Thành