Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đòn giáng mạnh vào tham vọng bán dẫn của Ấn Độ

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Gã khổng lồ" linh kiện điện tử Foxconn hôm 10/7 tuyên bố rút khỏi liên doanh bán dẫn trị giá hàng tỷ USD với tập đoàn Vedanta có trụ sở tại Mumbai, Ấn Độ.

Dự án hợp tác trị giá gần 20 tỷ USD giữa Vedanta và Foxconn - nổi tiếng với việc lắp ráp iPhone và các sản phẩm khác của Apple - ra đời vào năm ngoái, trong nỗ lực sản xuất chất bán dẫn tại bang Gujarat, quê hương của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Dự án bao gồm 1 nhà máy chế tạo chất bán dẫn với năng lực sản xuất khoảng 40.000 chip 40 nanomet mỗi tháng cho điện thoại di động, điện tử tiêu dùng, ô tô và thiết bị mạng.

"Foxconn đã xác định sẽ không tiếp tục liên doanh với Vedanta" - công ty Đài Loan ra thông báo hôm 10/7.

Mặc dù "gã khổng lồ" không tiết lộ lý do rút lui, Bộ trưởng phụ trách Khởi nghiệp, Phát triển kỹ năng, Điện tử và Công nghệ của Ấn Độ, Rajeev Chandrasekahar, tiết lộ trên Twitter rằng, vì cả hai công ty đều thiếu kinh nghiệm về công nghệ bán dẫn nên họ dự kiến ​​sẽ tìm nguồn công nghệ từ một công ty lớn hơn.

Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, được dự báo sở hữu thị trường bán dẫn trị giá 63 tỷ USD vào năm 2026 nếu hiện thực hoá kế hoạch "Made in India" (Sản xuất tại Ấn Độ) của Thủ tướng Modi, trong bối cảnh các công ty Mỹ như Apple đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ khỏi Trung Quốc.

Tháng 5 năm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Modi đã ca ngợi việc ký kết một biên bản ghi nhớ liên quan đến chuỗi cung ứng chất bán dẫn và quan hệ đối tác đổi mới, khi hai nước phối hợp thực hiện các chương trình khuyến khích chất bán dẫn.

SCMP dẫn ý kiến của Aadil Brar, một học giả tại Đại học Quốc gia Chengchi ở Đài Bắc, nhận định tin tức liên doanh thất bại hôm 10/7 có thể sẽ không "tác động đáng kể và lâu dài" đối với tham vọng bán dẫn của Ấn Độ, nhưng phần nào đã cho thấy "những khó khăn trong việc thiết lập một ngành công nghiệp phức tạp".

"Sự thất bại của liên doanh Foxconn-Vedanta cũng sẽ làm dấy lên nghi ngờ về kế hoạch thành lập nhà máy sản xuất chip tại Ấn Độ của Micron" - Brar nói. Micron của Mỹ có lịch sử lâu đời trong việc sản xuất chất bán dẫn với kiến ​​thức về hệ sinh thái chất bán dẫn trải rộng từ thiết kế đến nhà máy chế tạo.

Năm ngoái, Chính phủ của ông Modi đã đặt nghi vấn đối với đơn đăng ký của liên doanh Foxconn-Vedanta cho nguồn tài chính từ các quỹ liên bang theo chương trình khuyến khích trị giá 10 tỷ USD của New Delhi.

Arun Mampazhy, một nhà phân tích chất bán dẫn, nói rằng ông không quá ngạc nhiên khi liên doanh này thất bại sau hơn 15 tháng bế tắc. Theo Mampazhy, để đủ điều kiện nhận các ưu đãi của liên bang và tiểu bang tại Ấn Độ, "cần phải có quan hệ đối tác hoặc giấy phép cấp sản xuất từ ​​một nhà máy sản xuất chip số lượng lớn".

Trong bối cảnh thất bại, Vedanta hôm 10/7 ra tuyên bố cam kết thành lập một nhà máy bán dẫn ở Ấn Độ, nói rằng họ sẽ "tăng gấp đôi nỗ lực để hoàn thành" tầm nhìn của Thủ tướng Modi về chất bán dẫn.