Điều này cho thấy mối quan hệ giữa Nga và EU hiện tại không chỉ rất trắc trở mà còn ở thời điểm tế nhị hơn bao giờ hết về chính trị, tâm lý cũng như dư luận. Ông Lavrov còn khẳng định chủ ý này của phía Nga qua câu trả lời phỏng vấn "Nếu muốn hoà bình, bạn hãy chuẩn bị cho chiến tranh".
Thông điệp này của phía Nga hàm chưa tính cảnh báo và răn đe EU. Cho tới nay, EU đã và vẫn đang tiếp tục duy trì nhiều biện pháp chính sách trừng phạt Nga. Nhiều nước thành viên EU vũng đồng thời nhiều lần thể hiện quan điểm chính sách cứng rắn với Nga. Phía Nga luôn đáp trả theo mô thức "người sao, ta vậy" nhưng chưa khi nào công khai doạ sẽ ngừng hẳn quan hệ ngoại giao với EU. Lần này, phản ứng và chủ ý của phía Nga khác trước xem ra vì hai lý do. Thứ nhất, EU gia tăng mức độ xung khắc với Nga trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền trong khi chính những lĩnh vực này hiện trở nên nhạy cảm hơn trước rất nhiều về đối nội cũng như đối ngoại ở Nga. Vì thế, việc Nga phản ứng quyết liệt hơn là rất cần thiết đối với Nga. Thứ hai, sau tất cả những gì phía EU đã làm cho tới nay với Nga liên quan đến ông Nawalny buộc Nga không thể không cảm nhận thấy như nước đã tràn cốc và Nga phải có động thái đủ mạnh mẽ đối với EU để cảnh báo và răn đe EU phải dừng lại chứ không được theo đà đi tiếp nữa quá xa.Nga và EU cho dù xung khắc và bất hoà với nhau đến mấy vẫn có lợi ích chiến lược lâu dài trong việc duy trì quan hệ hợp tác. Nhưng mối quan hệ song phương này bị chi phối ở mức độ quyết định bởi nhu cầu đối nội ở cả hai bên. Vì thế, khả năng đối ngoại bị hy sinh vì đối nội luôn tiềm tàng. Cũng chính vì thế mà phía Nga mới tung đòn gió với EU để tránh phải chơi đòn thật.