Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đón năm mới, doanh nghiệp du lịch đồng loạt bung tour giá rẻ

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Dương lịch 2022 nên nhu cầu du lịch cuối năm sẽ tăng cao; để kích cầu, nhiều doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, hàng không đã liên kết đưa ra nhiều tour du lịch, chương trình nghỉ dưỡng giá rẻ.

Nhiều chương trình du lịch giá rẻ
Từ nay đến hết ngày 12/12 Vinpearl phối hợp cùng hãng hàng không giá rẻ Vietjet tổ chức chương trình khuyến mại “Festive Sale 12/12”. Theo đó Vinpearl mở bán loạt voucher nghỉ dưỡng 3 ngày 2 đêm với giá từ 2-2,3 triệu đồng/người bao gồm vé máy bay khứ hồi Vietjet khởi hành từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh tới các cơ sở lưu trú của Vinpearl tại Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc.
Đặc biệt, du khách còn được kéo dài kỳ nghỉ thành 4 ngày 3 đêm hoặc 5 ngày 4 đêm... với chi phí hợp lý. Voucher còn có thể được quy đổi từ phòng khách sạn sang biệt thự biển theo hệ số và tình trạng thực tế ở thời điểm khách đặt phòng. Thời gian lưu trú áp dụng từ 15/2 - 22/12/2021.
Tương tự khu nghỉ dưỡng Topas Ecolodge Sapa (Lào Cai) công bố gói nghỉ dưỡng 2 ngày 1 đêm với giá chỉ từ 2,35 -3,4 triệu đồng/khách/đêm bao gồm xe khứ hồi từ Hà Nội - Sapa - Hà Nội, tặng 1 triệu đồng /phòng/đêm cho các dịch vụ ăn uống, giảm 30% tất cả các liệu trình Spa.
Đón năm mới, doanh nghiệp du lịch đồng loạt bung tour giá rẻ - Ảnh 1
Khách du lịch trên sông Nho Quế (Hà Giang).

Không chịu thua kém hệ thống quần thể nghỉ dưỡng FLC Hotels & Resorts cũng ra mắt dịch vụ trọn gói với mức giá chỉ từ 1,25 triệu đồng/khách/đêm (bao gồm đêm nghỉ tại FLC Sầm Sơn, Hạ Long, Quy Nhơn; tiệc buffet tối chủ đề Giáng sinh, các hoạt động mùa lễ hội tại khách sạn).

Cũng trong dịp này, FLC tung thêm nhiều ưu đãi trọn gói bay-nghỉ dưỡng với giá từ 2,9 triệu đồng/khách, bao gồm vé máy bay khứ hồi Bamboo Airways Hà Nội - Quy Nhơn, 2 đêm nghỉ tại FLC Quy Nhơn hoặc FLC City Hotel Beach Quy Nhơn, qua đó tận hưởng các chương trình đặc biệt đón Giáng sinh, năm mới...

Phó Tổng giám đốc Flamingo Nguyễn Thị Vân Anh cho biết, nhằm giúp du khách thỏa mãn nhu cầu tận hưởng kỳ nghỉ Giáng sinh và đón mừng năm mới 2022, hai khu nghỉ dưỡng lớn bậc nhất miền Bắc Flamingo Đại Lải Resort và Flamingo Cát Bà đều đưa ra gói nghỉ dưỡng 2 ngày 1 đêm với giá chỉ từ 1,6 triệu  đồng/khách một đêm đã bao gồm ăn sáng.

Đảm bảo an toàn bền vững

Thực tế cho thấy, mặc dù doanh nghiệp du lịch đã triển khai nhiều tour trải nghiệm, nghỉ dưỡng giá rẻ qua đó kích cầu, nhưng theo các chuyên gia để tăng sức hút với du khách, doanh nghiệp, địa phương cần căn cứ vào đặc thù, thị trường mục tiêu để xây dựng tour phù hợp từng giai đoạn.

Tại Diễn đàn du lịch toàn quốc “Giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam vừa tổ chức, Tổng Giám đốc Công ty CP Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho rằng, doanh nghiệp trong quá trình xây dựng sản phẩm du lịch cần tính toán theo hướng mở, thuận lợi xử lý, điều chỉnh linh hoạt, đưa thêm những điều kiện thay đổi cho khách hàng; Sản phẩm được cá biệt hóa tới từng đối tượng khách hàng để tạo cảm giác yên tâm cho khách...

 Khách du lịch tại FLC Sầm Sơn.

Cùng mối quan tâm, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng nêu rõ, doanh nghiệp lữ hành cần tập trung xây dựng các sản phẩm bảo đảm an toàn trong dịch bệnh nhưng vẫn đủ độ hấp dẫn.
“Trong quá trình xây dựng sản phẩm du lịch cần hướng đến yếu tố bền vững, trong đó có một số loại hình sẽ thu hút du khách như du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, du lịch miền núi… Ngoài ra, du khách sẽ có xu hướng trải nghiệm, du lịch ‘không chạm,’ hạn chế tiếp xúc” ông Thắng đề xuất.
Trong khi đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) TS Nguyễn Anh Tuấn  đề xuất, về lâu dài, cần phải tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thị trường lao động du lịch bền vững; Phát triển sản phẩm và quản lý chất lượng dịch vụ du lịch; Tăng cường xúc tiến, quảng bá và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về du lịch; Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch; Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại với phát triển du lịch…
Để hoạt động phục hồi ngành du lịch đạt kết quả như mong muốn, bên cạnh sự nỗ lực từ các cơ quan quản lý nhà nước còn đòi hỏi các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn phải đảm bảo an toàn trong dịch bệnh vừa mang tính hấp dẫn. Qua đó, góp phần khơi thông, tăng cường mở rộng luồng khách, thị trường khách du lịch theo phương châm “du lịch an toàn, an toàn đến đâu, mở cửa đến đó, mở cửa phải an toàn” với lộ trình cụ thể.

Thời gian tới Tổng cục Du lịch sẽ đẩy mạnh phối kết hợp với các địa phương đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa, trước hết mở cửa cho các hoạt động phục vụ khách nội tỉnh gắn với kiểm soát chặt chẽ quy trình phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho các hoạt động du lịch, từ đó tiến tới trao đổi khách giữa các địa phương đã kiểm soát được dịch Covid-19 và mở rộng hoạt động du lịch nội địa. Triển khai kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế qua đó từng bước mở rộng ra nhiều địa phương, điểm đến nhưng vẫn bảo đảm các phương án phòng, chống dịch, đón khách du lịch bảo đảm các tiêu chí về an toàn.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh

Ngành Du lịch cần thay đổi từ khâu xây dựng sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực, quản lý, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp. Với các địa phương, điểm đến cần có chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch duy trì hoạt động, khôi phục hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó là thúc đẩy các liên kết du lịch vùng, liên kết giữa các doanh nghiệp, địa phương; tập trung các địa bàn trọng điểm và các địa phương có năng lực phát triển sản phẩm mới, cạnh tranh, hấp dẫn khách du lịch.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình