Ăn Tết ở Trung tâm vui hơn
Tính đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, chị Đàm Thị Luyến (địa chỉ: xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) được gia đình đưa vào Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng người tâm thần số 1 Hà Nội để điều trị là 22 năm nhưng chỉ có vài năm đón Tết ở nhà. Ít hôm trước, chị Luyến được lãnh đạo Trung tâm cho về nhà 10 ngày để ăn Tết nhưng được vài hôm đã quay trở lại.
Người phụ nữ sinh năm 1976 bộc bạch: Khi về tới nhà thì em nhớ lãnh đạo, các cô chú trong khoa và các bạn nhiều lắm. Trước Tết, các cán bộ và chúng em trang trí Trung tâm đẹp như một đám cưới. Ở khu vực tổ em có 10 chậu hoa mai, 2 chậu hoa cúc, 5 chậu hoa hồng và nhiều loại hoa khác. Hôm qua, em được cô tổ trưởng chụp cho mấy bức ảnh đứng cạnh cây mai vàng đẹp lắm. Em đã hát bài “Chiếc áo bà ba” để cảm ơn các cô chú chụp ảnh.
Chị Luyến cũng phấn khởi khoe, Tết ở Trung tâm vui hơn ở nhà. Trước Tết các bệnh nhân được lãnh đạo Trung tâm tặng áo ấm, dép, mũ, bít tất. Sáng mùng 1 Tết, cô Khanh là Phó Giám đốc Trung tâm đến các tổ chúc mừng năm mới và tặng quà Tết cho mọi người. Ngày Tết, bệnh nhân được ăn rất nhiều món ngon. Bữa ăn chiều ngày mùng 1 Tết có thịt gà rang muối, khoai tây xào thịt bò, canh măng, thịt bò xào hoa lơ, dưa cải góp,...
2024 là năm thứ ba anh Nguyễn Bình Phong (sinh năm 1987) được gia đình gửi vào Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng người tâm thần số 1 Hà Nội điều trị do áp lực học hành thì cả 3 năm đón Tết ở nơi đây. Nguyễn Bình Phong nở nụ cười tươi và chia sẻ: Nhà em ở xã Phú Phương, huyện Ba Vì, rất gần Trung tâm. Nhưng mỗi năm em chỉ về nhà 1 lần vào tháng 11 có ngày giỗ ông nội. Năm đầu tiên em đón Tết ở Trung tâm có cảm giác vui buồn lẫn lộn vì nhớ gia đình, người thân và bạn bè. Nhưng được các cô chú cán bộ quan tâm chăm sóc và điều trị, cộng với tham gia các hoạt động khác, em đã quen với môi trường nơi này. Hàng ngày, em giúp cán bộ làm vệ sinh trong tổ, đi nhổ cỏ, trồng hành.
Đón Tết ở Trung tâm vui lắm. Ngoài việc được tặng quần áo, ăn những món ăn ngày Tết, chúng em còn chơi bịt mắt đập niêu, cướp cờ, giao lưu văn nghệ. Sau 3 năm tích cực điều trị và tham gia các hoạt động, đến nay bệnh tình của Phong đã thuyên giảm 5 – 6 phần, ngủ được nhiều hơn trước. Và, cậu đã viết câu chúc tốt đẹp nhất gửi đến các cán bộ Trung tâm thay cho lời cảm ơn.
Nhiều hoạt động vui đón Tết
Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng người tâm thần số 1 Hà Nội thuộc Sở LĐTB&XH Hà Nội hiện đang tiếp nhận 686 trường hợp là những người khuyết tật tâm thần đặc biệt nặng, gia đình không có người chăm sóc; có nhu cầu vào Trung tâm để được điều trị, nuôi dưỡng.
Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng người tâm thần số 1 Hà Nội Nguyễn Thị Vân Khanh cho biết: “Lúc đầu khi mới vào Trung tâm, các bệnh nhân bị tâm thần nặng nhưng chúng tôi đã điều chỉnh thuốc uống cho phù hợp với từng trường hợp. Với phương châm Chăm sóc người bệnh như chăm sóc người thân của mình, chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động, hướng dẫn bệnh nhân từ việc gấp chăn màn, đánh răng, rửa mặt, vệ sinh cá nhân,... dần dần tạo cho họ thói quen và có thể tự làm được. Sau đó, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động để các bệnh nhân tham gia, dần dần một số bệnh nhân không phải dùng thuốc.
Đa số những bệnh nhân sau khi được điều trị đã có ý thức rất tốt, họ có thể tự phục vụ và tham gia các hoạt động của đơn vị, thi tìm hiểu kiến thức. Bệnh nhân có thể tự lên thư viện Trung tâm để mượn sách mang về phòng đọc.
Để giúp các bệnh nhân đón Tết Giáp Thìn 2024 vui vẻ, từ trước Tết một tháng, lãnh đạo Trung tâm đã cho trồng hoa ở khu vực các tổ, mua những chậu hoa, cây cảnh, đèn lồng về trang trí trong khu vực sân chơi. Ngày giáp Tết, cán bộ và bệnh nhân bày mâm ngũ quả ở khu vực tổ bệnh nhân để họ có cảm giác như một gia đình. Các bệnh nhân cũng phụ giúp việc trang trí, viết thiệp chúc mừng năm mới là những lời tốt đẹp. Mọi người ai nấy đều hăng hái chuẩn bị các công việc cùng với tiếng nói cười rộn rã và nụ cười luôn nở trên môi.
Hôm 27 tháng Chạp, Trung tâm tổ chức gói hơn 700 chiếc bánh chưng để cán bộ và và bệnh nhân ăn Tết. Trước đó 2 - 3 tuần, các đoàn từ thiện gửi tặng nhiều bánh chưng để bệnh nhân thưởng thức.
Từ ngày 29 tháng Chạp đến hết ngày mùng 4 Tết Nguyên đán Giáp Thìn, các bệnh nhân được Trung tâm tổ chức ăn Tết với nhiều món gồm thịt gà luộc, nem thịt lợn, giò lợn, bánh chưng, dưa hành, thịt đà điểu, thịt bò sốt vang, nem hải sản, thịt lợn quay, thịt gà rang, thịt gà quay...; thực đơn được thay đổi theo ngày. Những bệnh nhận nặng không ăn được các món ngày Tết thì được dùng cháo, mỳ gạo nấu với thịt và củ quả xay nhỏ.
Những ngày Tết này, Trung tâm tổ chức nhiều trò chơi kéo co, bóng chuyền, thi đấu cờ tướng, bịt mắt đập niêu, đẩy gậy, xem ti vi, hát karraoke... để các bệnh nhân tham gia, tạo ra không khí vui vẻ, phấn khởi đón chào Xuân mới.
“Tết năm nay, các bệnh nhân rất cởi mở và phấn khởi. Lãnh đạo đơn vị quan tâm hơn đến chế độ ăn của bệnh nhân; nhiều bệnh nhân có gia đình lên thăm nên tư tưởng rất thoải mái. Nhiều bệnh nhân không muốn về nhà ăn Tết. Có những bệnh nhân đã xin về nhà đón Tết nhưng lại muốn quay trở lại Trung tâm vì cảm thấy ở đây rất vui” – chị Vân Khanh chia sẻ.