Đông Anh đổi thay tích cực

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đông Anh là một trong những huyện đi đầu thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), từng bước nâng cao đời sống nông dân.

Người dân huyện Đông Anh tích cực tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn. 	Ảnh: Trọng Tùng
Người dân huyện Đông Anh tích cực tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn. Ảnh: Trọng Tùng
Bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của TP là sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương, và đặc biệt là sự đồng thuận của toàn thể Nhân dân đã góp phần làm nên thành công lớn của chương trình.

Đổi thay từ những con đường
Tính đến hết quý I/2015, huyện Đông Anh đã có 12 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 11 xã còn lại hoàn thành từ 12 tiêu chí trở lên. Thu nhập bình quân đầu người trên 30 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo còn 1,24%. Lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 90%...

Trong chuyến thăm, làm việc với huyện Đông Anh mới đây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao những đổi thay tích cực từ chương trình xây dựng NTM của Đông Anh. Không chỉ những tuyến quốc lộ, đường liên xã, mà cả những con đường giao thông nội đồng cũng được đầu tư xây dựng khang trang, rộng đẹp. Xe ô tô bốn, năm chỗ, thậm chí xe bán tải cũng có thể di chuyển dễ dàng đến sát bờ ruộng. Bà Nguyễn Thị Vân - Trưởng thôn Sằn, xã Cổ Loa cho biết, con đường dẫn vào xóm nhỏ với chỉ vỏn vẹn 55 hộ dân sinh sống này trước đây là đường đất, mấp mô, hễ trời mưa là nhớp nháp bùn đất, thì nay đã được bê tông hóa sạch đẹp, dễ đi. Đường giao thông nội đồng cũng được cứng hóa sạch đẹp. Xe máy, xe cải tiến, máy gặt... của bà con có thể di chuyển dễ dàng.

Không chỉ ở thôn Sằn, các trục đường và mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn huyện về cơ bản đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp chuẩn hóa, cứng hóa, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân. Đó là kết quả của việc từ năm 2010 đến nay, huyện Đông Anh đã thực hiện đầu tư cải tạo, nâng cấp 374 dự án về giao thông, tổng chiều dài 212km với kinh phí đầu tư 938,5 tỷ đồng. Và để có được kết quả này, không thể không nhắc tới những đóng góp tích cực của Nhân dân địa phương. Đơn cử như tại xã Cổ Loa, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Quốc Trung cho biết, sau khi phát động phong trào: “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”, các thôn trên địa bàn xã tích cực vận động Nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công, ủng hộ tiền để làm đường giao thông. Toàn xã có 118 hộ gia đình hiến 978,46m2 đất ở mở rộng đường giao thông dân sinh; 3.241,6m2 đất nông nghiệp mở đường nội đồng. Đồng thời, đóng góp 17.198 ngày công và ủng hộ trên 7 tỷ đồng phục vụ xây dựng NTM. Không chỉ ở xã Cổ Loa mà tại hầu khắp các xã, thị trấn, sự chung tay của người dân đã trở thành phong trào rộng khắp, góp phần tích cực vào hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng nói riêng, cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện nói chung. 

Một lòng vì mục tiêu  phát triển chung

Sự đồng thuận được xem là yếu tố then chốt cho thành công của quá trình xây dựng NTM tại huyện Đông Anh. Những đóng góp có giá trị lớn về vật chất, tinh thần của các tổ chức, DN và Nhân dân địa phương nhiều năm qua là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, một lòng vì mục tiêu phát triển chung. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng NTM, xuất hiện nhiều gương điển hình như Công ty TNHH Bê tông đúc sẵn và Cơ khí Bình Dương, Công ty CP Bê tông Hà Thành đã tích cực phối hợp, cung ứng bê tông cho 8 xã làm đường giao thông theo Quyết định 16. Hay như hộ gia đình ông Phạm Khắc Phương (xã Liên Hà) ủng hộ 1,5 tỷ đồng làm đường; ông Phan Văn Hiến (xã Tiên Dương) ủng hộ 200 triệu đồng...

Ông Trần Đình Nam – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết, để hoàn thành kế hoạch trong năm 2015 có thêm 3 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (Vĩnh Ngọc, Hải Bối, Đại Mạch), bên cạnh việc huy động nguồn lực trong Nhân dân, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh đấu giá đất tạo kinh phí đầu tư các dự án hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn. Phát triển những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, tích hợp công nghệ cao; tăng cường ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Đồng thời, nhân rộng những mô hình kinh tế hiệu quả, cách làm sáng tạo trong xây dựng NTM...

Nhưng theo ông Nam, bên cạnh những kết quả huyện đã đạt được thì vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Đó là việc trên địa bàn huyện hiện có 2/3 diện tích đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch phát triển đô thị (không thuộc diện thực hiện dồn điền, đổi thửa) nhưng trong nhiều năm tới vẫn sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, huyện kiến nghị TP xem xét, cho áp dụng cơ chế hỗ trợ cứng hóa kênh mương, đường giao thông nội đồng theo Quyết định 16 như các xã thực hiện dồn điền, đổi thửa đối với các diện tích đất nông nghiệp nằm trong vùng quy hoạch xanh. Bên cạnh đó, huyện mong muốn TP xem xét tăng mức hỗ trợ kinh phí để huyện có đủ nguồn lực xây dựng, phấn đấu “về đích” NTM trong những năm tiếp theo.